Bình Định: Bao nhiêu diện tích rừng ở tiểu khu 235 bị tàn phá?

(PLVN) - Thực tế hiện trường chúng tôi ghi nhận và báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định (Sở NN&PTNT Bình Định) về vụ phá rừng tại tiểu khu 235 (thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có sự chệnh lệch rất lớn về diện tích rừng bị tàn phá, tổng số gốc cây gỗ bị chặt hạ… 
Bình Định: Bao nhiêu diện tích rừng ở tiểu khu 235 bị tàn phá?

Nhiều khoảnh rừng bị “cạo trọc”

Theo phản ánh của các hộ dân tại thôn Thượng Sơn (xã Tây Thuận), thời gian qua, trên địa bàn xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên với số lượng lớn để trồng cây lâm nghiệp. Sự việc xảy ra đã nhiều tháng, tuy nhiên chính quyền địa phương và các ngành chức năng không hề hay biết.

Nhận được phản ánh của người dân, 17/7 vừa qua, chúng tôi men theo con đường mòn đến tiểu khu 235 (thuộc xã Tây Thuận) thì chứng kiến hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ có đường kính từ 80 - 100cm, bằng một người ôm đã bị lâm tặc triệt hạ. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị các đối tượng “cạo trọc” và đốt dọn.

Thời điểm chúng tôi đi thực tế, khi thấy có người lạ vào khu rừng bị phá, các đối tượng đã mang theo cưa máy rồi bỏ chạy tới những khu vực khác. Hiện trường sót lại còn nhiều vật dụng như: dao, rựa, can đựng nước lớn, dầu nhớt, võng, bạt…

Càng tiến sâu hơn vào những cánh rừng khác, chúng tôi ghi nhận diện tích rừng bị đốn hạ lên đến cả gần chục ha. Trong đó, có hàng chục loại cây gỗ quý thuộc nhóm I, II, III, IV vừa mới bị cưa hạ chỉ còn sót lại dấu vết mùn cưa ở dưới đất.

Nhiều diện tích rừng ở tiểu khu 235 bị tàn phá
 Nhiều diện tích rừng ở tiểu khu 235 bị tàn phá

Một người dân ở thôn Thượng Sơn cho biết, khoảng 3 tháng nay, nhiều đối tượng đã tổ chức đốt, phá rừng. Các đối tượng phá những cây nhỏ, cỏ dại rồi đốt trước, còn những cây gỗ lớn có giá trị sẽ được cưa từng tấm lớn thu hoạch sau. Người này cho rằng, sau khi bị tàn phá, những cánh rừng này sẽ được trồng thay thế bằng cây lâm nghiệp vào tháng 8 tới.

Cũng theo người dân địa phương, rừng bị chặt hạ này trước là rừng tự nhiên, người dân không có ai vào rừng để khai thác hay chặt phá. Không hiểu tại sao, thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều đối tượng (cả người địa phương và người ngoài địa phương) thường xuyên vào đây mở đường, chặt hạ cây rừng với diện tích lên tới cả gần chục ha, nhưng không thấy lực lượng chức năng nào vào truy quét hay xử lý.

Nhằm xác định rừng bị tàn phá thuộc loại rừng gì và do đơn vị nào quản lý, chúng tôi đã làm việc với ông Lý Phùng Lê - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn. Ông Lê cho biết, tiểu khu 235 không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn, mà do Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn và UBND xã Tây Thuận trực tiếp quản lý.

“Những cánh rừng bị phá này là rừng tự nhiên, giáp ranh với rừng sản xuất. Nhưng cho dù là rừng sản xuất cũng không được phá, nếu phá với quy mô lớn như thế này thì hoàn toàn sai và có thể bị truy tố trước pháp luật”, ông Lê cho hay.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.174m2?

Sau khi nhận được thông tin vụ phá rừng nói trên, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định (Sở NN&PTNT Bình Định) nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc.

Chiều ngày 20/7, ông Trần Văn Phúc - Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cùng đại diện các đơn vị liên quan, gồm: Thanh tra Sở, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp cùng UBND xã Tây Thuận đi kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Sau đó, Sở NN&PTNT Bình Định đã có báo cáo kết quả kiểm tra hiện trường vụ phá rừng nói trên. Theo đó, diện tích rừng bị tàn phá nằm ở khoảnh 2, 3 thuộc tiểu khu 235. Rừng thuộc quy hoạch chức năng sản xuất và có trạng thái rừng thường xanh nghèo. Chủ quản lý rừng là UBND xã Tây Thuận và các hộ gia đình được giao rừng theo dự án KfW6 để khoanh nuôi tái sinh.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.174m2, tập trung tại 3 vị trí khác nhau. Tổng số gốc cây gỗ bị chặt hạ tại hiện trường là 18 gốc. Trong đó, có một gốc cây cà te tái sinh 2 thân, đường kính 20cm, thuộc nhóm IIA; còn lại chủ yếu là cây kơ-nia (cầy) nhóm VI; cây giẻ thuộc nhóm V và một số cây gỗ tạp cứng. Tất cả các gốc cây gỗ được kiểm tra có đường kính từ 10cm - 45cm.

Diện tích rừng tại tiểu khu 235 bị lâm tặc phá hủy lên tới 1.174m2
 Diện tích rừng tại tiểu khu 235 bị lâm tặc phá hủy lên tới 1.174m2

Ngoài ra, tại hiện trường, các cơ quan chức năng còn phát hiện 2 lò than. Cụ thể, một lò than đang cháy tại khoảnh 3, tổ công tác đã tiến hành phá hủy lò than và tạm giữ một xe mô tô hai bánh (vô chủ); một lò than khác có khối lượng khoảng 300kg được phát hiện tại khoảnh 2. Cả 2 vị trí này đều thuộc diện tích rừng các hộ gia đình quản lý (giao theo dự án KfW6). Đến ngày 21/7, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp cùng UBND xã Tây Thuận đã đến hiện trường tiến hành tiêu hủy 2 lò than này.

Theo ông Trần Văn Phúc, Sở NN&PTNT Bình Định đã giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan có liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Sở NN&PTNT Bình Định cũng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và các chủ rừng được giao rừng theo dự án KfW6 tăng cường kiểm tra rừng để phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp”, ông Phúc cho biết.

Thực tế hiện trường chúng tôi ghi nhận và báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Định về vụ phá rừng tại tiểu khu 235 thuộc xã Tây Thuận có sự chệnh lệch rất lớn về diện tích rừng bị tàn phá, tổng số gốc cây gỗ bị chặt hạ… Để rộng đường dư luận, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Bình Định cần chỉ đạo ngành chức năng có liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ. Đồng thời, xử lý nghiêm những sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan, để trả lại niềm tin cho nhân dân.

Đọc thêm