Tranh chấp đất từ việc cho ở nhờ
Theo anh Hồ Ngọc Toàn (SN 1981, ngụ thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), trước đây, bà nội anh là cụ Nguyễn Thị Bưởi có thửa đất rộng hàng nghìn mét vuông. Đây là diện tích đất được gia đình khai hoang, tạo lập từ trước năm 1950.
Năm 1987, cha anh Toàn là ông Hồ Ngọc An thấy ông Huỳnh Lâm sau khi đi cải tạo về không có chỗ ở nên đã chặt một số cây dừa nằm giữa thửa đất nói trên, rồi cất căn nhà lá khoảng 100m2 cho ông Lâm ở nhờ.
Năm 1993, cụ Bưởi (là người có công cách mạng, thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 81%) được UBND huyện Hoài Ân cấp sổ đỏ thửa đất số 617, tờ bản đồ số 04, diện tích 998m2. Do cụ Bưởi bị bệnh nên khi được chính quyền đưa sổ, anh Toàn (lúc này mới 12 tuổi, trước đó đã chuyển hộ khẩu về ở với cụ Bưởi) đem cất vào tủ và không biết diện tích là bao nhiêu.
Ông An (ở hộ khẩu riêng) có biết việc UBND huyện cấp sổ đỏ cho mẹ mình nhưng không xem sổ nên cũng không biết diện tích là bao nhiêu.
Năm 1998, cụ Bưởi qua đời. Đến năm 2010, anh Toàn đăng ký sang tên đối với thửa đất 617 từ cụ Bưởi qua tên mình. “Lúc đó, tôi nghĩ Nhà nước cấp bao nhiêu diện tích thì nhận bấy nhiêu, phần còn lại cũng là đất ông bà mình, từ từ rồi làm sổ sau”, anh Toàn cho biết.
|
Anh Toàn chỉ tay về những cây dừa của gia đình mình trong phần đất được UBND huyện Hoài Ân cấp sổ đỏ cho gia đình ông Hùng. |
Đến năm 2015, khi có nhu cầu xây nhà, anh xin chuyển mục đích một phần đất trồng cây lâu năm thành đất thổ cư. Địa phương đo đạc, chỉ ranh giới tổng cộng 96m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn do ông An thu hoạch từ trước đến nay, không ai tranh chấp.
Năm 2017, anh Toàn tiến hành rào ngăn ranh giới chuẩn bị xây nhà và rào sân vườn nhà để bảo quản dừa thì giữa anh và ông Huỳnh Tấn Hùng (SN 1974, ngụ thôn Đức Long, con trai ông Lâm) xảy ra mâu thuẫn. Ông Hùng cho rằng anh Toàn lấn đất của gia đình mình.
Trước đó, trong phần thửa đất 617, anh Toàn có mở cho gia đình ông Hùng con đường bê tông để tiện ra vào nhưng sau khi xảy ra mâu thuẫn, anh Toàn rào chắn lại. Do đó, ông Hùng làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa giải quyết buộc anh Toàn phải chấm dứt hành vi cản trở trái phép luật về việc thực hiện quyền sử dụng đất của gia đình ông, đồng thời mở lối đi phía trước mặt nhà ra đường công cộng liên xóm (anh Toàn cho rằng đây là phần đất của gia đình anh chứ không phải đường đi chung của xóm).
“Ra tòa, tôi mới biết trong phần diện tích đất của bà nội tôi, năm 1993, UBND huyện Hoài Ân đã cấp sổ đỏ cho ông Huỳnh Sơn (con trai lớn ông Lâm) với diện tích 1.081m2. Năm 2002, ông Sơn chuyển nhượng lại cho em trai mình là ông Hùng. Trong giấy tờ thể hiện diện tích 1.081m2 (300m2 đất ở, 781m2 đất vườn) nằm ở thửa đất số 485, tờ bản đồ số 04. Lúc này, tôi ngã ngửa không hiểu vì sao hơn nửa diện tích đất của bà nội lại được cấp cho người khác. Chưa hết, trong giấy tờ, thửa đất 617 của tôi là 998m2 nhưng diện tích thực tế hiện nay chỉ 703,5m2, nghĩa là thiếu 294,5m2”, anh Toàn bức xúc.
Điều đáng nói, bản án sơ thẩm số 31/2019/DS-ST ngày 28/6/2019 của TAND huyện Hoài Ân chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hùng, buộc anh Toàn chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sử dụng đất của ông Hùng ở thửa đất số 485; giữ nguyên đường đi chung của xóm; đồng thời mở lối đi từ thửa đất số 485 qua thửa đất số 617 ra đường đi công cộng của xóm.
Sau đó, anh Toàn làm đơn kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 91/2019/DS-PT ngày 22/11/2019, TAND tỉnh Bình Định tuyên hủy Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Ân; đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hoài Ân giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Anh Toàn sau đó đã có đơn phản tố, ông An có đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu tòa hủy sổ đỏ mà UBND huyện Hoài Ân đã cấp cho ông Sơn, sau đó chuyển cho ông Hùng.
UBND huyện cấp sổ đỏ có đúng quy định?
Ngày 4/11, TAND huyện Hoài Ân đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật về quyền sử dụng đất, yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề, yêu cầu hủy sổ đỏ”. Đến ngày 9/11, tòa lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hùng, bác đơn phản tố của anh Toàn và đơn yêu cầu độc lập của ông An. Ngay sau đó, anh Toàn đã làm đơn kháng cáo.
Theo anh Toàn, hiện nay, trên phần đất đang tranh chấp lối đi chung có 5 ngôi mộ của gia đình anh và 11 cây dừa gia đình anh thu hoạch hàng năm.
“Đất có mộ thì làm sao có lối đi được. Và theo phong tục tập quán của người Việt Nam, chẳng người bình thường nào lại đi lên mộ của người khác. Do đó, tôi khẳng định diện tích đất này không phải là đường đi chung”, anh Toàn nói.
Bên cạnh đó, trong giấy tờ, thửa đất 617 là 998m2 nhưng diện tích thực tế hiện nay chỉ 703,5m2, nghĩa là thiếu 294,5m2. Trong khi đó, tổng diện tích phần đất tranh chấp lối đi chung là 283,4m2. Nếu cộng phần diện tích đất thực tế của anh Toàn và phần diện tích đất tranh chấp thì gần bằng diện tích đất mà UBND huyện Hoài Ân đã cấp cho gia đình anh. Do vậy, anh Toàn khẳng định diện tích đất tranh chấp là đất của gia đình mình.
|
Bản đồ địa chính khu đất. |
“Tòa cấp sơ thẩm lý giải rằng phần diện tích đất của gia đình tôi chênh lệch gần 300m2 là do sai số kỹ thuật khi đo đạc là hết sức vô lý, không thuyết phục. Vì sai số đo đạc có chênh lệch cũng vài chục mét chứ sai số gì lên đến gần 300m2. Còn phần đất của ông Hùng trên sổ đỏ là 1.081m2 nhưng diện tích thực tế là 1.016,7m2, thiếu chỉ 64,3m2 thì mới gọi là do sai số kỹ thuật khi đo đạc”, anh Toàn lý giải.
Cũng theo anh Toàn, trong giải quyết vụ án, các đương sự như ông Sơn, ông Hùng cũng như bản án sơ thẩm trước đây của TAND huyện Hoài Ân đều thừa nhận thửa đất số 485 có nguồn gốc là đất của bà nội anh. Tại cấp sơ thẩm vừa qua, ông Hùng cũng thừa nhận11 cây dừa là của bà nội anh trồng và cha anh thu hoạch hàng năm, các ngôi mộ là của dòng họ anh. Điều này chứng tỏ thửa đất số 485 là của bà nội anh cho gia đình ông Lâm ở nhờ. Thửa đất này chưa lập thủ tục tặng cho, mua bán nên gia đình anh đòi lại là có cơ sở.
Mặc khác, anh Toàn cho rằng, UBND huyện Hoài Ân cho rằng việc cấp sổ đỏ cho ông Huỳnh Sơn là cân đối cho hộ gia đình theo Nghị định 64/CP(Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp) là vô lý. Bởi bà nội anh là người có công cách mạng, bị địch bắt tù đày, khi về thì đã bị thần kinh nên không đủ năng lực để làm xã viên. Không phải xã viên thì không đưa tài sản của mình vào hợp tác xã để làm chung. Do đó, thửa đất không đưa vào hợp tác xã.
“Có nhiều giấy xác nhận của những người làm hợp tác xã trước đây xác nhận và tôi đã nộp cho tòa nhưng lại không được tòa án cấp sơ thẩm xem xét, đề cập. Thửa đất không đưa vào hợp tác xã thì không thể nào lấy để cân đối giao quyền theo Nghị định 64 cho ông Sơn”, anh Toàn cho biết.
Ngoài ra, thủ tục giao đất cho hộ ông Huỳnh Sơn cũng mập mờ, thiếu giấy tờ, không đúng trình tự. Theo đó, tại hồ sơ mà UBND huyện Hoài Ân cung cấp cho tòa chỉ có sổ mục kê, giải thửa ghi số thửa đất cấp cho ông Sơn và giấy chứng nhận cấp cho ông Sơn. Ngoài ra, không có bất kỳ giấy tờ gì khác thể hiện như về nguồn gốc đất đang sử dụng của ai, vì sao cấp cho ông Sơn, đơn xin cấp đất của ông Sơn.
“Ông Sơn không có đơn xin cấp nhưng UBND huyện vẫn cấp đất cho ông Sơn là vô lý. Đồng thời, khi cấp đất, UBND huyện không xác nhận các hộ liền kề về thửa đất cấp có tranh chấp hay nguồn gốc của ai hay không mà tự ý cấp. Điều này cũng đã được VKSND tỉnh Bình Định, TAND tỉnh Bình Định đã đưa ra, đặt vấn đề làm rõ khi hủy bản án sơ thẩm trước đây”, ông Toàn bức xúc.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại toàn bộ vụ việc, nhằm trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.