Huyện nghèo xây tượng đài gần 45 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương đầu tư tại văn bản số 156/UBND-VX ngày 17/1/2007. Sở Văn hóa và Thể thao giúp UBND huyện trong việc tổ chức giới thiệu một số tác giả để sáng tác và chọn mẫu tượng đài. Sau đó, sở này đã giới thiệu 4 tác giả tham gia xây dựng mẫu phác thảo. UBND huyện nhận được 4 tác phẩm tham dự xét tuyển.
Qua nhiều lần xét duyệt, góp ý, Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo huyện, các vị nguyên lãnh đạo, già làng uy tín đã thống nhất chọn mẫu số 4 và tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện.
Đến ngày 25/9/2013, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức cuộc họp, gồm: lãnh đạo huyện, các vị nguyên lãnh đạo, các vị lão thành uy tín và tác giả được chọn là Công ty TNHH Mỹ thuật Hữu nghị Việt Nam để tiếp tục bàn về việc xây dựng công trình này. Trong cuộc họp, các thành phần tham dự cơ bản thống nhất về nhân vật, quy mô, mô hình, vị trí xây dựng, các loại vũ khí cầm tay…
Tuy nhiên, trong những năm này, tỉnh Bình Định và huyện Vĩnh Thạnh chưa có nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng. Do đó, mẫu phác thảo và dự án vẫn chưa hoàn chỉnh.
Mãi đến năm 2018, UBND huyện Vĩnh Thạnh mới tổ chức triển khai hoàn chỉnh phác thảo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thông qua thống nhất tại kết luận số 203/KL-TU ngày 25/5/2018.
Sau đó, UBND huyện trình xin phê duyệt dự án đầu tư với các văn bản pháp lý về đầu tư, gồm: Chủ trương đầu tư xây dựng công trình được HĐND tỉnh phê duyệt tại văn bản số 98/HĐND ngày 15/10/2018; Dự án đầu tư xây dựng công trình được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3761/QĐ-UBND ngày 30/10/2018; Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 9/4/2019.
Đến tháng 6/2019, công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh chính thức khởi công xây dựng tại đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh). Công trình có tổng chiều cao 20m, trong đó chiều cao đế tượng 4,5m, phần tượng cao 15,5m. Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân 2 làng Tơlok và Tơlek (đồng bào Ba Na) tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm (ngày 6/2/1959).
|
Tổng giá trị dự toán được duyệt của công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là gần 45 tỷ đồng. |
Công trình có tổng diện tích khu vực là 3.016m2; bê tông sân nền và lát đá granite màu xám nền quanh khu vực tượng đài với diện tích 2.789m2 (tạo hoa văn). Ngoài ra, xung quanh tượng đài còn xây thành lan can, ốp đá granite hoàn thiện, trồng cây cảnh và hoa trong các bồn hoa, lắp đặt điện chiếu sáng, chống sét.
Tổng giá trị dự toán được duyệt của công trình là gần 45 tỷ đồng, trong đó kinh phí của tỉnh 70%, còn lại là của huyện. Công trình dự kiến hoàn thành vào 7/2020, nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Ông Lê Quang Ân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vĩnh Thạnh cho biết, công dự kiến hoàn thành vào ngày 30/7, nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đơn vị thi công chậm tiến độ và xin gia hạn đến ngày 2/9.
Nhiều ý kiến cho rằng, với một huyện nghèo như Vĩnh Thạnh, dân còn khổ cực thì chỉ cần xây tượng đài với kinh phí vừa phải. Chính quyền nên dùng tiền để xây dựng trường học, bệnh viện… sẽ có ý nghĩa hơn với đời sống của người dân nơi đây.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) Đinh Bá Hòa cho rằng, với huyện nghèo như Vĩnh Thạnh, việc đầu tư xây dựng tượng đài gần 45 tỷ đồng là quá lớn. Xây tượng đài, di tích lịch sử không nhất thiết phải đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đầu tư xây dựng với chi phí vừa phải để ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử, hợp lòng dân là được.
Trong khi đó, nghệ nhân Yang Danh (đồng bào Ba Na, Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) cho rằng, nhiều chi tiết điêu khắc của Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh chưa phải của người Ba Na. Chẳng hạn như người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng…
Chủ tịch và nguyên Chủ tịch huyện nói gì?
Theo ông Lê Văn Đẩu - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, ý tưởng xây dựng công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước. Đến nhiệm kỳ thứ XVII (2015 - 2020), UBND tỉnh Bình Định mới cho chủ trương tiến hành xây dựng. Hầu hết nguồn vốn xây dựng công trình do UBND tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ đối ứng một ít từ nguồn xã hội hóa. Huyện không lấy vốn sự nghiệp hay vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như nguồn của Chương trình 30a hoặc từ Chương trình 135 để làm tượng đài.
“Công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng nhằm lưu lại lịch sử ngày xưa ông cha để lại về cuộc đấu tranh oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh. Công trình có ý nghĩa rất lớn với nhân dân Vĩnh Thạnh, để các thế hệ ôn lại truyền thống cách mạng, đấu tranh anh dũng của quân và dân Vĩnh Thạnh nói riêng, toàn tỉnh Bình Định nói chung. Qua đó, trực tiếp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ”, ông Đẩu cho biết.
Về ý kiến cho rằng nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài chưa phải của người Ba Na, ông Đẩu cho biết, sau khi có mẫu phác thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã trực tiếp ra Hà Nội kiểm tra phác thảo và tham gia góp ý. Sau đó, ông Tùng chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh mời các già làng, trưởng bản tham gia hội thảo bàn về nội dung của tượng đài.
|
Ông Đẩu khẳng định, huyện đã mời các già làng, trưởng bản bàn bạc sửa đổi và thống nhất chi tiết trên tượng đài. |
“Tại hội thảo, nhiều mẫu váy, khố, động tác đứng được các “người mẫu” sắm vai diễn tại chỗ để các già làng, trưởng bản xem và bàn bạc sửa đổi cho phù hợp. Sau khi tất cả các già làng, trưởng bản thống nhất, hình ảnh ấy được chụp lại, rồi gửi ra Hà Nội để điều chỉnh phác thảo”, ông Đẩu nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Lại - nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (hiện đã nghỉ hưu) cho biết, đây là công trình tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh qua các nhiệm kỳ.
Tại thời điểm ông còn làm Chủ tịch, huyện Vĩnh Thạnh đã mời thành phần cán bộ cốt cán, các đồng chí tham gia kháng chiến cũng như biết về cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6/2/1959 trải qua nhiều cuộc họp, để bàn về mẫu phác thảo xây dựng tượng đài. Tại các cuộc họp, những thành phần nói trên đều cho ý kiến góp ý, sau đó thông qua mẫu phác thảo.
“Trên địa bàn tỉnh Bình Định đều tập trung xây dựng các tượng đài chiến thắng, nhưng lại “quên” xây dựng tượng đài khởi nghĩa. So với các cuộc chiến thắng thì các cuộc khởi nghĩa cũng có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn.
Tại sao tượng đài chiến thắng xây dựng mà tượng đài khởi nghĩa không xây dựng? Dẫu biết rằng một huyện nghèo khi xây dựng tượng đài với kinh phí lớn sẽ dễ gây ra chuyện bàn tán trong dư luận, nhưng đây là “món nợ” mà Đảng bộ phải trả đối với nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, đối với cuộc khởi nghĩa nơi đây”, ông Lại chia sẻ.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định Tạ Xuân Chánh, cho biết: “Công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh thuộc quy hoạch cấp tỉnh. Vì thế, công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ đúng Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật”.