Bình Định: Khu Công nghiệp Hòa Hội bỏ hoang, người dân không có đất sản xuất

(PLVN) - Sau gần 11 năm xây dựng, Khu công nghiệp Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đến nay vẫn là một bãi đất hoangmhóa rộng lớn, gây lãng phí hàng trăm ha đất. Trong khi đó, người dân ở đây không có đất canh tác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. 
Khu Công nghiệp "treo" 11 năm với tấm biển trắng trên bãi đất trống  hoang tàn
Khu Công nghiệp "treo" 11 năm với tấm biển trắng trên bãi đất trống hoang tàn

Từng được kỳ vọng là dự án đổi đời

Khu Công nghiệp Hòa Hội được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ra quyết định thành lập vào ngày 21/7/2009 và chính thức khởi công xây dựng ngày 29/7/2009. Khu Công nghiệp này do Công ty Cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Khu Công nghiệp Hòa Hội có tổng diện tích đất quy hoạch 265ha, gồm các phân khu chức năng: khu trung tâm điều hành và dịch vụ có diện tích gần 5,4ha, khu vực  xây dựng các nhà máy có tổng diện tích hơn 185ha, diện tích dành cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật đầu mối hơn 34ha, khu vực cây xanh có diện tích gần 40ha.

Tổng vốn đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp này là hơn 440 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng Khu Công nghiệp Hòa Hội là nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện Phù Cát, góp phần giải quyết một lực lượng lớn lao động tại địa phương; tạo bước đột phá, biến vùng nông thôn này thành vùng phát triển công nghiệp của huyện Phù Cát và tỉnh Bình Định…

Hàng trăm hecta đất dự án thu hồi rồi bỏ hoang cả thập kỷ, trong khi nông dân thiếu đất canh tác
Hàng trăm hecta đất dự án thu hồi rồi bỏ hoang cả thập kỷ, trong khi nông dân thiếu đất canh tác  

Việc hình thành Khu Công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều diện tích đất sản xuất, nhà cửa của người dân sẽ bị thu hồi.

Dù vậy, người dân ở đây vẫn chấp nhận giao đất, giải tỏa nhà. Bởi họ nghĩ, trong tương lai không xa, Khu Công nghiệp Hòa Hội đi vào hoạt động sẽ giải quyết được việc làm cho lao động địa phương, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình. Con cái của họ cũng không phải “tha phương cầu thực” ở các thành phố lớn mưu sinh, mà sẽ về quê làm công nhân tại quê nhà.

Những hạng mục thi công dang dở...
Những hạng mục thi công dang dở... 

“Khi chính quyền có chủ trương xây dựng Khu Công nghiệp tại xã, người dân rất phấn khởi, ai cũng nghĩ, có Khu Công nghiệp thì con em không phải đi xa quê làm thuê kiếm sống nữa. Vì vậy, khi công bố quy hoạch, người dân sẵn sàng giao nhà, giao đất để có mặt bằng xây dựng Khu Công nghiệp. Nói thiệt, bao đời nay người dân ở đây chỉ làm nông, trồng sắn… nên thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng Khu Công nghiệp, tôi cũng nghĩ đến tương lai cuộc sống sẽ khấm khá hơn, sẽ thay đổi nhiều lắm”, ông Võ Văn Được (ngụ thôn Mỹ Hóa) cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện dự án Khu Công nghiệp Hòa Hội, khoảng 300 hộ gia đình ở thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng. Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở, bị thu hồi từ 80% - 90% diện tích đất nông nghiệp.

Ai thấu nỗi khổ của người dân?

Theo kế hoạch, đến tháng 9/2011, Khu Công nghiệp Hòa Hội sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đến tháng 12/2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định đã ra văn bản đình chỉ đối với đơn vị này.

Đến tháng 5/2016, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương giao việc đầu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Hòa Hội cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khu Công nghiệp và đô thị Phúc Lộc. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn là một bãi đất hoang hóa, nham nhở.

PV đã có mặt tại Khu Công nghiệp Hòa Hội quan sát thực địa và ghi nhận, khu vực triển khai dự án Khu Công nghiệp Hòa Hội không có rào chắn xung quanh; bên trong, một diện tích đất đã được san ủi, hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở, bị bỏ hoang lâu ngày nên đất cát vùi lấp miệng cống. Nằm chơ vơ giữa mênh mông đất là tấm bảng thể hiện đồ án quy hoạch dự án Khu Công nghiệpHòa Hội đã bong tróc toàn bộ nội dung.

 

Bên cạnh đó, rất nhiều diện tích đất nham nhở, cỏ mọc um tùm nên người dân lùa bò vào đây chăn thả. Một số ngôi nhà đã được san ủi nhưng những giếng nước sâu vẫn nằm “chình ình”, trong khi nhiều em nhỏ vào khu vực này chơi đùa, đá bóng nên rất nguy hiểm.

Chưa hết, nhiều hộ gia đình trong diện giải tỏa đã đi lâu ngày nhưng chủ đầu tư vẫn chưa san ủi. Những ngôi nhà sau khi chủ nhân dọn đi cả thập kỷ để nhường đất cho dự án vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” tạo nên khung cảnh hoang tàn. Sau nhiều năm thấy Khu Công nghiệp vẫn bỏ hoang, để cỏ mọc làm lãng phí tài nguyên, một số hộ gia đình không có đất canh tác đã đến đây trồng hoa màu để mưu sinh, với hy vọng tìm kiếm cái ăn cái mặc cho con cái. Họ như đang sống ký sinh trên mảnh đất cũ của gia đình mình.

 

Ông Phạm Hữu Sĩ (ngụ thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh) bức xúc: “Đất canh tác đã bị thu hồi phục vụ cho việc triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Hòa Hội nên người dân chúng tôi không còn đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lúc trước, cứ tưởng giao đất cho doanh nghiệp thì sau khi Khu Công nghiệp đi vào hoạt động, người dân địa phương sẽ có công ăn việc làm ổn định. Ai ngờ đâu đã hơn 10 năm trôi qua, mấy trăm hecta đất vẫn bỏ hoang hóa, lãng phí trong khi người dân lại không có đất sản xuất. Nghĩ thật là trớ trêu”.

“Gần 11 năm nay, người dân không còn đất để làm, trong khi hàng trăm hecta đất bỏ hoang hóa, cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn, bế tắc. Doanh nghiệp và chính quyền có hiểu hết nỗi khốn khổ của những người nông dân chúng tôi hay không?”, bà Huỳnh Thị Tân (ngụ thôn Mỹ Hóa) than thở.

 

Thời điểm khởi công xây dựng, Khu Công nghiệp Hòa Hội từng được hy vọng và ví von như một luồng gió mới trong thu hút đầu tư tại huyện Phù Cát, nhưng nay đã trở thành “tảng băng nổi” ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội và tác động xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch UBND xã Cát Hanh Võ Văn Sáu cho biết, việc người dân bức xúc khi Khu Công nghiệp Hòa Hội đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” là điều không thể tránh khỏi. Nếu Khu Công nghiệp đi vào hoạt động đúng kế hoạch thì chính quyền và người dân địa phương sẽ hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là vấn đề việc làm cho lao động địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên cho biết, trước tình trạng dự án KHu Công nghiệp Hòa Hội thi công chậm tiến độ, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay việc thi công xây dựng Khu Công nghiệp vẫn trì trệ.

“Chính quyền địa phương rất mong các ngành chức năng can thiệp để đơn vị chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa Khu Công nghiệp Hòa Hội đi vào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của người dân; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương”, ông Kiên nói.

Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhưng rõ ràng, đối với một số chủ đầu tư có dấu hiệu “chây ì” trong việc triển khai dự án thì cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhằm khắc phục tình trạng “treo dự án”, thậm chí phải thu hồi để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lãng phí tài nguyên đất và sự mất lòng tin của nhân dân. 

Đọc thêm