Bình Định: Nhà máy thủy điện Tiên Thuận chây ì giải quyết thiệt hại cho người dân

(PLVN) - Mất đi tư liệu sản xuất do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận của Công ty Cổ phần Tiên Thuận (gọi tắt là Cty Tiên Thuận) xả nước làm sạt lở, cuốn trôi đất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền và ngành chức năng phản ánh, kiến nghị doanh nghiệp giải quyết thiệt hại, khắc phục tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn cố tình chây ì, khiến người dân rất bức xúc.
Bình Định: Nhà máy thủy điện Tiên Thuận chây ì giải quyết thiệt hại cho người dân

Trôi đất sản xuất do thủy điện xả nước

Nhà máy thủy điện Tiên Thuận nằm ở thượng nguồn sông Côn (thuộc địa bàn xã Tây Thuận) có công suất lắp máy 9,5 MW. Cuối năm 2014, nhà máy đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện. Khi đi vào hoạt động, sản lượng điện năng trung bình hàng năm của nhà máy trên 40 triệu KWh, góp phần bổ sung vào nguồn điện năng đang thiếu hụt của quốc gia. Đồng thời, nhà máy còn cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Tây Thuận. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, gần 3 năm trở lại đây, những đoạn kè do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xây dựng để chống sạt lở đất sản xuất của người dân đã hư hỏng nặng. Vì thế, mỗi lần nhà máy vận hành xả nước cũng là lúc người dân phải sống trong thấp thỏm, âu lo về nguy cơ mất ruộng, vườn do bị sụt lún, bị nước sông cuốn trôi.

Theo bà Nguyễn Thị Đẹt (ngụ xóm 1, thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận), 5 năm trước, đây là thời gian mà gia đình bà đang bắt đầu xuống giống trồng ớt ở đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Soi Xum. Nhưng hiện nay, gần 665m2 đất nông nghiệp của gia đình bà đã bị cuốn trôi nên không thể canh tác. Nguyên nhân là do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây ra. 

“Trước đây, khi nhà máy chưa vận hành, hàng năm, gia đình tôi luân phiên vụ mùa trồng đậu, ớt, bắp tại mảnh đất ở cánh đồng Soi Xum. Mỗi năm, tôi thu về trên 60 triệu đồng nên cuộc sống ổn định, có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, những năm gần đây, đất sản xuất đã bị đổ ụp xuống sông nên không thể trồng trọt được. Từ đó, gia đình tôi cũng mất luôn kế sinh nhai, cuộc sống vô cùng bấp bênh”, bà Đẹt cho biết.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị cuốn trôi do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước
 Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị cuốn trôi do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước

Hàng chục năm qua, gia đình bà Trần Thị Tuyết Sương (ngụ xóm 1, thôn Hòa Thuận) có hơn 600m2 đất sản xuất nông nghiệp để trồng hoa màu tại cánh đồng Soi Xum. Thế nhưng hiện nay, hơn một nửa diện tích đất này đã bị nước xả từ Nhà máy thủy điện Tiên Thuận cuốn trôi. Khoảng 300m2 diện tích đất còn lại hiện gia đình bà đang trồng ớt, nhưng không biết sẽ bị cuốn trôi khi nào.

“Cứ mỗi lần Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước là từng mảng đất, cây ớt của gia đình tôi lại bị lở, cuốn trôi theo dòng nước trong sự vô vọng. Gia đình tôi cùng nhiều hộ dân đã nhiều lần viết đơn thư gửi chính quyền, ngành chức năng lẫn Ban giám đốc Nhà máy thủy điện Tiên Thuận nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, đất sản xuất của người dân chúng tôi lại tiếp tục bị mất từng ngày”, bà Sương than thở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện thôn Hòa Thuận nhiều hộ có đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn trôi do ảnh hưởng từ việc xả nước của Nhà máy thủy điện Tiên Thuận. Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Phơ bị mất từ 300 - 750m2 đất nông nghiệp. Hầu hết các hộ mất đất sản xuất đều chưa được đền bù thiệt hại từ phía Nhà máy thủy điện Tiên Thuận.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại khu vực Nhà máy thủy điện Tiên Thuận, nhà máy đang vận hành, xả nước ra một cống. Nhiều mảng bê tông ở bờ kè, kênh xả nước của nhà máy bị nứt toác, hiện rõ đất đá bên dưới; nước xoáy nên tạo nhiều hố sâu, hàm ếch ăn sâu vào nhiều mảng đất. 

Ở phía 2 bên bờ sông Côn, vì nước chảy siết trong một thời gian dài nên bị xói lở rất lớn, kéo theo đó nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân cũng sạt lở và đổ sụp xuống sông. Chưa hết, nhiều đoạn trên mặt đất ở 2 bên bờ sông bị nứt từng mảng lớn, chỉ cần tác động một lực vừa phải, những mảng đất này sẽ sạt lở ngay lập tức.

Doanh nghiệp cố tình chây ì

Theo người dân ở thôn Hòa Thuận, sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị giải quyết thiệt hại thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bị cuốn trôi do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước nhưng không được, nên tháng 8/2019, các hộ dân đã gửi đơn đến Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định phản ánh sự việc.

Tuy nhiên, sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ vào Luật Khiếu nại cũng như Luật Tố cáo, Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định nhận thấy đơn của một số hộ dân tại thôn Hòa Thuận không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. Vì thế, Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định đã hướng dẫn người dân gửi đơn đến Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Chín - Chủ tịch UBND xã Tây Thuận cho biết, từ ngày Nhà máy thủy điện Tiên Thuận được đưa vào vận hành và khai thác, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, hoa màu của nhiều hộ dân tại thôn Hòa Thuận diễn ra một ngày nhiều hơn. Chính quyền địa phương cũng nhận được nhiều đơn thư của người dân gửi phản ánh sự việc. Sau đó, xã cũng đề nghị Cty Tiên Thuận và các hộ dân phối hợp để đi thực tế đo đạc, kiểm đếm hoa màu bị thiệt hại. 

“Sau khi phối hợp đi kiểm tra thực tế, giữa Cty Tiên Thuận và các hộ dân đã ký xác nhận biên bản thống nhất đền bù. Tuy nhiên, đến nay không biết vì lý do gì mà phía Cty Tiên Thuận vẫn chưa giải quyết, đền bù cho người dân”, ông Chín cho biết.

Cũng theo ông Chín, ngày 17/6 vừa qua, UBND xã Tây Thuận đã gửi văn bản đề nghị UBND huyện Tây Sơn làm việc với Cty Tiên Thuận, yêu cầu sớm chi trả số tiền cho các hộ dân bị sạt lở đất nông nghiệp. Về lâu dài, xã cũng kiến nghị các cấp, ngành chức năng cần làm việc với Cty để làm kè cố định, chống sạt lở đất của người dân.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn Trần Văn Lượng xác nhận, vừa qua, huyện đã nhận được báo cáo do UBND xã Tây Thuận gửi lên, về việc giải quyết đất sạt lở và ngập úng hoa màu của các hộ dân bị thiệt hại liên quan đến Cty Tiên Thuận. Theo đó, Cty đã có cam kết về việc hỗ trợ ổn định đời sống cho 10 hộ dân, về đất đai, cây cối hoa màu, cũng như hỗ trợ thiệt hại do sạt lở cuối kênh xả thủy điện, với tổng số tiền hơn 234 triệu đồng. 

“Thời gian tới, huyện Tây Sơn sẽ có phương án làm việc với Cty Tiên Thuận, buộc Cty này phải chi trả tiền bồi thường cho người dân, để tránh tình trạng người dân gửi đơn thư khiếu nại, vượt cấp”, ông Lượng nói.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, UBND tỉnh chưa nhận được một kiến nghị nào về Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, qua hình ảnh mà cơ quan báo chí cung cấp, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn đi kiểm tra và có báo cáo trả lời. 

Khi xem hình ảnh bờ kè của Nhà máy thủy điện Tiên Thuận mà chúng tôi cung cấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hình ảnh thể hiện bờ kè của nhà máy bị hư hỏng, hiện rõ đất đá bên dưới. Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng khắc phục, để đảm bảo công trình thủy điện cũng như tránh gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho người dân.

Đọc thêm