Vi phạm tràn lan
Khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực Khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Bình Định được thành lập theo Quyết định số 142/2005/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm quy hoạch, Khu kinh tế này có diện tích đất tự nhiên 12.000ha nằm trên bán đảo Phương Mai (thuộc địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát). Đến ngày 8/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 514/ QĐ-TTg về việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040. Theo quyết định này, diện tích Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh tăng thêm 2.308ha tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh). Như vậy, tổng diện tích của Khu kinh tế Nhơn Hội hiện tại nâng lên 14.308ha.
Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh chức năng thành Khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản. Bên cạnh đó, Khu kinh tế này được xem là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận. Đây đồng thời là một trong những trung tâm phát triển chính của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên, có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng.
Phối cảnh dự án Khu Kinh tế Nhơn Hội |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, đến tháng 3/2019, UBND tỉnh này đã tổ chức cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, ngay sau đó tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép vẫn diễn ra ở khu vực này. Cụ thể, từ tháng 4/2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 48 trường hợp vi phạm mới.
Trong đó, xã Cát Tiến 24 trường hợp, xã Cát Chánh (cùng ở huyện Phù Cát) 16 trường hợp, xã Nhơn Hội 4 trường hợp, xã Nhơn Hải (cùng ở TP Quy Nhơn) 2 trường hợp, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) 2 trường hợp. Nhìn vào con số trên, có thể thấy “điểm nóng” nổi lên tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép ở địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội tập trung ở xã Cát Tiến và Cát Chánh của huyện Phù Cát.
Đặc biệt, tại khu vực dự án Khu vui chơi giải trí Phú Hậu - Cát Tiến (thuộc thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến), cơ quan chức năng phát hiện 12 trường hợp vi phạm mới. Sau đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ một số trường hợp. Trên đây là con số mới phát hiện từ tháng 4/2019 đến nay.
Một trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép bị phá dỡ |
Còn trước đó, từ năm 2014 đến đầu năm 2019, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại KKT Nhơn Hội cũng diễn ra rất phức tạp. Thống kê đến đầu năm 2019 cho thấy, tại huyện Phù Cát có 48 trường hợp, huyện Tuy Phước có 23 trường hợp và TP Quy Nhơn có 17 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội. “Các khu vực được công nhận đô thị loại 5, nơi quy hoạch các dự án trong vùng lõi Khu kinh tế Nhơn Hội như xã Cát Tiến, Cát Chánh… giá đất thời gian qua tăng rất cao dẫn đến tình trạng người dân bất chấp pháp luật để thực hiện việc lấn chiếm, mua bán đất, xây dựng trái phép”, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Nguyên cho biết.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép là do đất dự án bị bỏ không. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án, nhưng việc triển khai thực hiện đầu tư quá chậm, người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép vì không có chủ đất. Ngoài lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, ngành chức năng tỉnh Bình Định cũng phát hiện tình trạng đất công sản Nhà nước quản lý tại Khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng nhiều người ngang nhiên cắm cọc bê tông phân lô, bán nền. Nhiều người dân không tìm hiểu kỹ nên đã mua đất tại các khu vực lấn chiếm trái phép bằng giấy tờ viết tay, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Cần xử lý hình sự nếu đủ điều kiện
Theo chính quyền các địa phương, những trường hợp vi phạm thường xây dựng nhà trái phép vào các ngày nghỉ hoặc ban đêm nên lực lượng chức năng rất khó xử lý. Có trường hợp, khi phát hiện, chính quyền địa phương tới kiểm tra thì đối tượng đã “bỏ của chạy lấy người” nên chỉ lập biên bản hiện trường.
Ngoài ra, việc khoanh bao, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội là có tổ chức, có người cầm đầu nhằm thu lợi bất chính. Khi chính quyền địa phương và ngành chức năng tiến hàng xử lý thì các đối tượng không hợp tác, có biểu hiện thách thức, chống đối. Ông Hương cho rằng, việc xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như trước đây, khi chính quyền vào cuộc xử lý 29 trường hợp lấn chiếm ở xã Cát Chánh thì đa số người vi phạm lại ở huyện Tuy Phước.
“Điều này cho thấy có tình trạng chuyển nhượng mua bán đất lấn chiếm, muốn xác lập hành vi phải mất rất nhiều thời gian. Đến khi chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất thì lập tức các hộ dân kéo đến trụ sở huyện khiếu nại”, ông Hương nói. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, giá trị đất đai ở tỉnh Bình Định, đặc biệt là ở những vùng ven biển đang tăng trưởng nhanh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, chính quyền cấp tỉnh vừa có quy hoạch dự án thì tại địa phương đã xuất hiện tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, rồi bán chuyển nhượng sang tay không đúng quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đối với tất cả các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý tại Khu kinh tế Nhơn Hội đều phải xử lý nghiêm, cương quyết theo đúng quy định.
Luật Đất đai 2013 quy định trách nhiệm phát hiện xử lý lấn chiếm đất đai trái phép trước tiên thuộc UBND cấp xã. Nếu các xã tiếp tục buông lỏng quản lý dẫn đến việc lấn chiếm như hiện nay, UBND tỉnh sẽ thực hiện kỷ luật người đứng đầu. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về luật đất đai đến với người dân. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của UBND các xã trong việc quản lý đất đai trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phối hợp hướng dẫn UBND cấp huyện trong việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai. Đối với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, tiếp tục rà soát, công khai phương án quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040. Tăng cường trách nhiệm của tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội trong việc tuần tra, kiểm tra giám sát.
Phối hợp với các UBND cấp xã, huyện trong việc phát hiện, lập biên bản các trường hợp lấn chiếm đất đai phát sinh và có đề xuất các giải pháp xử lý cụ thể. “UBND tỉnh cũng đã đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất, xây nhà trái phép mang tính tổ chức để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý. Nếu trường hợp đủ điều kiện thì cơ quan cảnh sát điều tra truy tố điểm một số vụ”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết.