Bình Định tìm hướng cho doanh nghiệp thuê đất công không qua đấu giá?

(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn để cho 3 doanh nghiệp thuê đất công không qua đấu giá. Trong khi ở nhiều địa phương, vấn đề này đã trở thành điểm nóng sai phạm, gây thất thoát ngân sách.
Bình Định tìm hướng cho doanh nghiệp thuê đất công không qua đấu giá?

Thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng

Giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Định thông báo sẽ di dời 3 khách sạn lớn ở vị trí "án ngữ" bờ biển thành phố Quy Nhơn (phía Đông đường An Dương Vương) để lấy đất xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng. Các khách sạn này gồm: Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao). 

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất với Bộ Quốc phòng về chủ trương di dời toàn bộ khách sạn Bình Dương, đang trong quá trình kiểm kê, bồi thường giải tỏa. Tỉnh dự kiến sẽ cấp đất cho Binh đoàn 15 xây dựng mới khách sạn ở một khu đất phù hợp tại TP Quy Nhơn. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp tính toán giá trị đầu tư trên đất để bồi thường cho việc di dời khách sạn Bình Dương.

Đối với khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến sẽ căn cứ vào thời hạn hợp đồng cho thuê đất để di dời.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng khi đó nhấn mạnh: "Sau khi di dời 3 khách sạn này, tỉnh lấy lại đất để xây dựng công viên công cộng, trả lại không gian bờ biển cho cộng đồng". Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thì nói: “Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết”.

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn. Trong đó, đoạn công viên từ KS Hải Âu đến KS Hoàng Gia sẽ được nâng cấp chất lượng cảnh quan, quy mô khoảng 7,25 ha; công trình KS Hải Âu, KS Hoàng Yến phải giải tỏa, di dời chậm nhất đến hết thời hạn thuê đất của từng dự án.

Thông tin này đã được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm, vẫn chưa có khách sạn nào được di dời.

Trả lời vào đầu năm nay, Chủ tịch tỉnh Bình Định bày tỏ: “Chủ các KS Bình Dương, Hải Âu, Hoàng Yến là những nhà đầu tư tiên phong, được lãnh đạo tỉnh Bình Định cấp phép xây dựng theo đúng quy định chứ không phải tự ý lấn chiếm bãi biển. Các KS này được xây dựng trong khoảng thời gian tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, và trong quá trình hoạt động đã có đóng góp rất lớn cho du lịch của tỉnh. Vì vậy việc di dời, giải tỏa các KS cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể “sáng nói, chiều dời” làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Phải có lộ trình để người ta còn xây dựng lại KS khác rồi mới trả lại đất chỗ KS cũ cho mình xây dựng công viên, chứ không thể nói xong làm liền được. Biết bao nhiêu lao động trong đó, nếu tháo dỡ, di dời KS cái ào thì họ làm việc ở đâu?”, ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.

“Dậm chân tại chỗ” vì chờ cơ chế?!

Một trong những nguyên nhân khiến việc di dời chậm trễ là các bên còn đang chờ cơ chế “ưu đãi”. Theo các thông tin đã được công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký Văn bản số 2185/UBND-KT ngày 7/4/2020 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận căn hộ khách sạn và cho thuê đất để di dời các khách sạn ven biển Quy Nhơn.

Theo văn bản này, trước đây, trong thời kỳ tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả tại khu vực ven biển trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, địa phương đã chấp thuận chủ trương cho một số đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, với hình thức Nhà nước cho thuê đất và đơn vị trả tiền thuê đất hàng năm; các dự án này đã xây dựng phù hợp với quy hoạch đô thị, pháp luật về đất đai tại thời điểm cho thuê đất và đi vào hoạt động ổn định một thời gian dài. 

Tuy nhiên, theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Không gian du lịch vịnh Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 3676/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 và Quyết định số 3663/QĐUBND ngày 10/10/2019 thì khu vực dọc bãi biển Quy Nhơn (phía Đông đường An Dương Vương) được quy hoạch làm công viên để sử dụng vào mục đích công cộng, tạo cảnh quan và không gian cho người dân và du khách sử dụng bãi biển với phương châm: toàn bộ không gian biển dành cho người dân hưởng lợi chung.

Nhằm triển khai thực hiện các quy hoạch nêu trên, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương di dời các khách sạn ven biển nêu trên (01 khách sạn còn thời hạn và 01 khách sạn hết thời hạn cho thuê đất nhưng giá trị sử dụng còn lại tốt), đồng thời UBND tỉnh quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới phù hợp với quy hoạch đô thị thành phố Quy Nhơn và dự kiến cho các đơn vị này thuê đất (đất sạch) để di dời, xây dựng lại khách sạn theo hình thức cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất (không thông qua hình thức đấu giá).

Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng khách sạn (theo hình thức chỉ định) để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định: trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn nhưng không được gia hạn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các khách sạn này đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn (trên 10 tầng, công trình xây dựng cấp 2), cho nên căn cứ quy định nêu trên không được bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (đối với khách sạn hết thời hạn thuê đất), dẫn đến các chủ khách sạn (nhà đầu tư) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng công trình khách sạn tại vị trí mới.

Nhằm tạo điều kiện sớm di dời các khách sạn, chỉnh trang đô thị và xây dựng công viên bãi biển Quy Nhơn phục vụ cho người dân, UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quan tâm, có văn bản hướng dẫn các nội dung nêu trên.

Cần tránh nguy cơ trục lợi

Theo các chuyên gia, việc thu hồi đất phải được tiến hành theo quy định pháp luật. Cụ thể như đã nêu: “Khoản 1, Điều 92, Luật Đất đai 2013, quy định, trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn, nhưng không được gia hạn, theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai 2013, thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất”.

Giải quyết khó khăn của doanh nghiệp bằng cách cho thuê đất công không qua đấu giá là câu chuyện đã có nhiều bài học nhãn tiền. Rất nhiều lãnh đạo các địa phương đã bị kỷ luật hoặc ra “vành móng ngựa” vì làm trái quy định về các trường hợp phải đấu giá đất, gây thất thoát ngân sách. Do đó, nếu không cẩn thận, từ mục đích tốt đẹp của việc thu hồi đất, sẽ trở thành câu chuyện buồn cho những cá nhân muốn trục lợi từ sự thiếu minh bạch, của cơ chế không đấu giá. 

Đọc thêm