Bình Định: Trưởng xóm chiếm bãi bồi trồng keo, gây ngập úng đất canh tác của người dân

(PLVN) - Nhiều năm nay, Trưởng xóm Đá Mài (thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cùng nhiều hộ dân khác đã tự ý lấn chiếm đất bãi bồi nằm giữa lòng sông An Tượng để trồng keo, hoa màu, làm cản trở dòng chảy tự nhiên, gây ngập úng đất canh tác của người dân. 
Bình Định: Trưởng xóm chiếm bãi bồi trồng keo, gây ngập úng đất canh tác của người dân

Chiếm bãi bồi trồng keo, cản trở dòng chảy

Sông An Tượng bắt nguồn từ hồ Núi Một chảy qua địa phận xóm Đá Mài với chiều dài gần 5km. Qua thời gian, do mưa lũ nên đã tạo thành bãi bồi nằm giữa lòng sông. Đến nay, diện tích đất bãi bồi rất rộng, trong khi diện tích mặt nước lòng sông bị thu hẹp rất nhiều.

Lợi dụng điều này nên khoảng từ năm 1995 đến nay, nhiều hộ gia đình ở xã Nhơn Tân đã tự ý chiếm bãi bồi giữa lòng sông để trồng keo, hoa màu. Trong đó, người chiếm nhiều nhất là ông Lê Văn Dương - Trưởng xóm Đá Mài. Hiện nay, ông Dương đã chiếm gần 5.000m2 diện tích đất bãi bồi giữa lòng sông An Tượng để trồng keo. 

Đến thời điểm hiện tại, ông Dương đã thu hoạch hai lứa keo và đã trồng lứa thứ ba. Cây keo cao vút, rễ mọc bám sâu vào đất bãi bồi che chắn hết dòng sông. 

Đáng nói hơn, để bảo vệ keo, trưởng xóm Đá Mài đã tự cải tạo, trồng nhiều lùm tre lớn và dựng hàng rào tre cao gần 2m xung quanh bãi bồi nhằm không cho người lạ hay gia súc, xe chở keo, bạch đàn, hoa màu của các hộ dân đi vào đất mình lấn chiếm. 

Do bị keo chắn nên sông An Tượng bị ngăn dòng, nước không thể chảy. Vì vậy, vào mùa mưa, nước từ trên núi đổ xuống không thoát được ra sông nên gây ngập úng ruộng của người dân.

Trong mùa mưa lũ năm trước, bãi bồi trên sông thường xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở đất nên ông Dương đã lợi dụng việc này, chặt ngang thân toàn bộ các lùm tre dọc nhánh sông, rồi vùi xuống dòng chảy tự nhiên dài hàng trăm mét. Việc này không những làm mất đi dòng chảy tự nhiên, mà còn lấp kênh thoát nước tưới tiêu, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân trồng dọc nhánh sông.

Hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn (ngụ xóm Đá Mài) chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc lấn chiếm, trồng keo trên đất bãi bồi của ông Dương, cho biết. “Trong những đợt mưa lũ vừa qua, vì tình trạng nhánh sông bị lấp mất nên nước lũ từ hồ Núi Một đổ về không chảy được. Do đó, nước lũ đã tràn vào gần chục sào đất trồng cây lâu năm của gia đình tôi, gây ngập úng, sa bồi thủy phá”, ông Sơn cho biết.

Đất trồng cây lâu năm của ông Sơn bị sa bồi thủy phá
 Đất trồng cây lâu năm của ông Sơn bị sa bồi thủy phá

Ông Sơn cho biết thêm, dù ông đã nhiều lần làm đơn phản ánh việc Trưởng xóm Đá Mài lấn chiếm, trồng keo trên đất bãi bồi, làm ảnh hưởng đến đất canh tác của gia đình ông lên chính quyền địa phương nhưng UBND xã Nhơn Tân chậm giải quyết.

Cực chẳng đã, ngày 10/9, ông Sơn có đơn phản ánh sự việc đến Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định). Trong đơn, ông Sơn nêu rõ: “Tháng 6/2020, UBND xã Nhơn Tân có tổ chức tiếp dân và tiến hành giải quyết vụ việc, Chủ tịch UBND xã có kết luận, chỉ đạo trong vòng 15 ngày, ông Dương phải phá bỏ keo và tre trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu ông Dương không tự ý tháo dỡ thì giao cho ngành địa chính và môi trường phối hợp cùng Công an xã Nhơn Tân sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế và mọi thiệt hại, chi phí gia đình ông Dương chịu trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết”.

Ngày 14/9, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định có văn bản gửi Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân về việc giải quyết đơn phản ánh của ông Sơn. Văn bản nêu: “Sau khi xem xét nội dung đơn phản ánh, vì mùa mưa lũ đã đến gần, để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian đến, Chi cục Thủy lợi đề nghị Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân khẩn trương xử lý vụ việc trước ngày 20/9”.

Cũng theo văn bản, nếu sau ngày 20/9, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân chưa chỉ đạo xử lý xong vụ việc, Chi cục Thủy lợi sẽ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã An Nhơn tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Kết quả xử lý, đề nghị UBND xã Nhơn Tân báo cáo bằng văn bản gửi về Chi cục Thủy lợi trước ngày 21/9”, văn bản nêu.

Đến bao giờ mới giải quyết dứt điểm?

Mặc dù Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định đề nghị báo cáo kết quả xử lý vụ việc trước ngày 21/9 nhưng ngày 22/9, UBND xã Nhơn Tân mới tiến hành họp hội đồng xét duyệt đất đai của xã để giải quyết vụ việc.

Sau đó, UBND xã Nhơn Tân kết luận hộ ông Lê Văn Dương tự ý lấn chiếm lòng sông để trồng keo, làm cản trở dòng chảy sông An Tượng là vi phạm Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2016. 

Do vậy, UBND xã Nhơn Tân đề nghị hộ ông Dương trước ngày 30/9 phải thu dọn số keo đã trồng tại diện tích đất bãi bồi giữa lòng sông An Tượng, trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu ông Dương không thực hiện thì xã sẽ xây dựng hồ sơ và phối hợp với các phòng, ban chuyên môn để cưỡng chế nhổ bỏ cây keo theo quy định pháp luật hiện hành. 

Hiện nay, dù đã quá thời hạn một tháng nhưng ông Dương vẫn “án binh bất động”, không thực hiện việc thu dọn số keo đã trồng trên diện tích đất bãi bồi giữa lòng sông An Tượng. 

Theo quan sát của chúng tôi, hộ ông Dương chỉ mới chặt một vài lùm tre rồi bỏ ngổn ngang giữa lòng sông; hàng chục lùm tre xanh tốt khác vẫn đang “án ngữ” xung quanh diện tích đất bãi bồi trồng keo này. Bên cạnh đó, số nhánh tre, đoạn tre được ông Dương chặt rồi vùi xuống lòng sông dài hàng trăm mét trước đây vẫn nằm “chễm chệ”, ngăn dòng chảy tự nhiên, gây ngập úng một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hiện ông Dương chỉ mới chặt một vài lùm tre rồi bỏ ngổn ngang giữa lòng sông An Tượng
 Hiện ông Dương chỉ mới chặt một vài lùm tre rồi bỏ ngổn ngang giữa lòng sông An Tượng

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân Nguyễn Huỳnh Nguyên cho biết, đất bãi bồi giữa lòng sông An Tượng đoạn từ hồ Núi Một đến giáp ranh với xã Nhơn Thọ bị người dân lấn chiếm canh tác từ lâu. Việc nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm đất bãi bồi để sử dụng trồng cây cối, hoa màu là vi phạm Luật Đê điều. Do lịch sử để lại trong thời gian dài nên công tác quản lý, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. 

“Mới đây, chính quyền xã đã làm báo cáo vụ việc gửi lên UBND thị xã An Nhơn. Sau đó, UBND thị xã đã chỉ đạo cho Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã và các cơ quan liên quan kiểm tra, cũng như đề xuất hướng giải quyết về việc ông Dương và một số hộ dân lấn chiếm lòng sông, cản trở dòng chảy sông An Tượng”, ông Nguyên cho biết.

Theo ông Hồ Đắc Chương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, trước đây, những năm mưa lũ lớn, Chi cục Thủy lợi mới cho xả lũ về sông An Tượng để tránh nước lũ làm hư hỏng đập ngăn hồ chứa nước Núi Một, còn lũ nhỏ thì không xả nước. 

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định không xuất hiện lũ lớn nên sông An Tượng cạn trơ đáy. Lợi dụng điều này, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm trồng hoa màu, cây lâm nghiệp trên nhiều diện tích bãi bồi của lòng sông, gây cản trở dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên, nếu có lũ lớn sẽ bị ách tắc dòng chảy, làm cho nước lũ tràn bờ gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất và sa bồi thủy phá diện tích đất trồng lúa, hoa màu của các hộ dân.

“Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi Bình Định sẽ làm báo cáo gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thị xã An Nhơn phối hợp kiểm tra thực tế, lập kế hoạch và tìm phương hướng giải quyết rốt ráo tình trạng này. Đồng thời, xử lý nghiêm các hộ dân vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của lòng sông An Tượng nhằm đảm bảo tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian đến”, ông Chương cho biết.

Đọc thêm