Bình Dương: Cho rằng đền bù không đúng luật, gần 10 năm người dân đeo đẳng khiếu kiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gia đình ông Trần Văn Hai (SN 1958, ngụ KP Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Tân Uyên) có đất nằm trong diện giải tỏa để phục vụ triển khai dự án của địa phương. Tuy nhiên, ông Hai cho rằng công tác đền bù, giải tỏa chưa đúng luật nên gần 10 năm nay ông làm đơn khiếu kiện đến nhiều cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Hai đeo đăng khiếu kiện các quyết định của chính quyền địa phương.
Ông Trần Văn Hai đeo đăng khiếu kiện các quyết định của chính quyền địa phương.

Vì sao người dân chưa đồng tình?

Theo hồ sơ vụ việc, gia đình ông Hai bị thu hồi 2.899 m2 đất trong công trình BOT ĐT-747B đoạn đi xã Khánh Bình (nay là phường Khánh Bình) huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên). Dự án được triển khai từ năm 2010.

Tại buổi làm việc đầu tiên ngày 18/12/2014, ông Hai không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng việc thực hiện giải tỏa, bồi thường trái các quy định của pháp luật. Sau đó, ông có đơn khiếu nại.

Ngày 10/4/2015, Trung tâm phát triển đất thị xã Tân Uyên tiến hành đối thoại giải quyết khiếu nại. Ngày 29/5/2015, UBND thị xã Tân Uyên ban hành công văn số 3131/UBND-TD trả lời đơn cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định.

Sau đó, ông Hai tiếp tục khiếu nại yêu cầu hủy bỏ văn bản trên; yêu cầu UBND thị xã Tân Uyên giao Quyết định thu hồi đất cho ông theo đúng trình tự quy định của pháp luật; hủy Quyết định của UBND huyện Tân Uyên về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định lại giá đất bồi thường theo giá đất thị trường tại thời điểm thu hồi đất hoặc hoán đổi đất khác có cùng vị trí, mục đích sử dụng và giá trị tương đương.

Ngày 30/12/2015, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên ban hành quyết định 6465/QĐ–UBND bác đơn khiếu nại, giữ nguyên Công văn số 3131/UBND-TD của UBND thị xã Tân Uyên và Quyết định 10492/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 của UBND huyện Tân Uyên về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại trên, ông Hai đã gửi đơn khiếu nại lần 2 tới Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ngày 11/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 2731/QĐ- UBND tiếp tục bác đơn khiếu nại của ông. Sau đó, ông Hai đã tiến hành khởi kiện ra toà.

Tòa phúc thẩm tuyên hủy một loạt quyết định

Tại Bản án phúc thẩm số 427/2019/HC-PT ngày 09/7/2019 của TAND Cấp Cao tại TP.HCM “căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện, ý kiến của kiểm sát viên", Hội đồng xét xử xét thấy:

Ngày 18/12/2014, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất công bố và bàn giao Quyết định số 10492/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 cho ông Trần Văn Hai. Ông Hai không đồng ý giá bồi thường vì cho rằng theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Giá đất để tính bồi thường quy định tại Điều 11 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP là giá đất theo mục đích đang sử dụng của loại đất bị thu hồi, được UBND cấp tỉnh quy định và công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm” thì ông phải được bồi thường theo giá đất năm 2015 nhưng Quyết định số 10492/QĐ-UBND lại áp giá theo giá đất năm 2012. Mặt khác, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định thì giá đất tính bồi thường là giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Hơn nữa, cho đến nay ông Hai vẫn chưa được Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND thị xã Tân Uyên giao quyết định thu hồi đất.

"Do đó, ông Hai đề nghị được bồi thường giá đất tại thời điểm thu hồi đất là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật", tòa phúc thẩm nhận định.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 69/2009/NĐ-CP, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT quy định về giá đất để tính bồi thường và xác định giá đất trong một số trường hợp cụ thể thì giá đất tại thời điểm thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể để quyết định giá đất tính bồi thường cho phù hợp và không bị giới hạn bởi quy định về khung giá các loạt đất.

Ngày 18/12/2014, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất mới công bố và bàn giao Quyết định số 10492/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 của UBND thị xã Tân Uyên cho ông Hai. Lý do sau hai năm mới triển khai quyết định bồi thường theo Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Tân Uyên là do nguồn vốn phân bố cho dự án không đủ để chi trả bồi thường cho dân nên không mời ông Hai đến để giao quyết định và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

"Như vậy việc ông Hai không được nhận tiền bồi thường tại thời điểm có Quyết định thu hồi đất số 8493/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 của UBND huyện Tân Uyên không phải lỗi từ phía ông Hai mà lỗi từ cơ quan chủ quản".

Riêng đối với việc ông Hai yêu cầu bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất, cấp Phúc thẩm cho rằng không có cơ sở xem xét, giải quyết vì Nghị định số 69/2009/NĐ-CP không quy định phải bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất, chỉ quy định gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Người dân mong mỏi một quyết định thấu tình, đạt lý sau nhiều năm khiếu kiện.Người dân mong mỏi một quyết định thấu tình, đạt lý sau nhiều năm khiếu kiện.

"Tuy nhiên trong trường hợp này, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tân Uyên không “gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” đến ông Trần Văn Hai là người có đất bị thu hồi mà chỉ mời ông đến UBND xã Khánh Bình để công bố và bàn giao quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật", Tòa nêu.

Ngoài ra theo khoản 1 Điều 93 Luật đất đai năm 2013 quy định “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi” và khoản 2 Điều 93 quy định “Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả”.

Như vậy có căn cứ pháp lý để xem xét xác định việc ông Trần Văn Hai khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định là đúng quy định của pháp luật, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn Hai.

Từ các nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao thấy cần chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn Hai, sửa Bản án sơ thẩm, hủy các quyết định về thu hồi đất về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyết định giải quyết khiếu nại, giao cho UBND thị xã Tân Uyên giải quyết lại.

Người dân vẫn chờ công lý

Có thể nói, vụ việc của ông Trần Văn Hai là một trong những vụ tiêu biểu liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện thu hồi đất. Bản án của cấp phúc thẩm TAND Cấp cap TP.Hồ Chí Minh được nhiều người đánh giá là thỏa đáng. Trên trang Công bố bản án (congbobanan.toaan.gov.vn), bản án này nhận được gần 1200 lượt bình chọn làm nguồn phát triển án lệ.

Từ kết quả của phiên toà phúc thẩm, ông Hai và gia đình cũng hết sức vui mừng và phấn khởi, những tưởng vụ việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý, đem lại công bằng cho gia đình ông sau hành trình dài "dân kiện quan". Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, phía chính quyền địa phương đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm lên TAND Tối Cao.

Ngày 07/06/2021, Chánh án TAND Tối Cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 25/2021/KN-HC theo hướng huỷ bản án phúc thẩm số 427/2019/HC-PT. Đến ngày 14/9/2021, TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm chấp nhận Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân tối cao.

Trong các đơn đề nghị xem xét gửi các cơ quan chức năng, ông Trần Văn Hai cho biết: “Tôi cho rằng bản án Phúc thẩm của Tòa Cấp cao tại TP HCM là đúng pháp luật nhưng nay bị tuyên hủy khiến gia đình tôi hết sức hoang mang, không biết tin vào đâu. Gia đình tôi tin "ông trời có mắt", ông tòa án là cán cân công lý sẽ đưa ra quyết định chính xác, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”.

Đọc thêm