Những động thái bất thường ở Bình Dương
Ngày 25/4/2020, trao đổi với báo Dân Việt, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết, hiện cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. “Ông Thạnh cho biết thêm, theo quy định tố tụng, khu đất công 43ha trên hiện là vật chứng của vụ án đang được cơ quan công an điều tra”, báo Dân Việt trích dẫn.
Đáng nói nhất trong ý kiến này của ông Bùi Minh Thạnh là việc coi khu đất 43ha là “đất công”.
Trước đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã làm việc với đại diện Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú để thực hiện quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quyết định tố tụng này, chỉ 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định là “đồ vật” được thu giữ để phục vụ điều tra.
Song, trong khi thực hiện quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu, với sự chứng kiến của UBND phường Hòa Phú, Cơ quan điều tra yêu cầu Công ty Tân Phú phải bàn giao khu đất 43ha cho Cơ quan điều tra vì đây là “vật chứng” của vụ án, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Việc làm này của cơ quan điều tra và những gì ông Bùi Minh Thạnh phát biểu trên báo chí là rất giống nhau. Điều này cho thấy, dường như lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết tâm thu hồi lô đất này từ tay doanh nghiệp đang sử dụng đất.
Điều đáng nói nhất, Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng lô đất này từ Tổng Công ty Bình Dương và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa bị tuyên bố vô hiệu và 2 bên chuyển nhượng không tranh chấp. Vụ án hình sự cũng chưa được đưa ra tòa án nên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty Tân Phú đang được pháp luật bảo vệ.
Do đó, việc Cơ quan điều tra đòi thu giữ lô đất và coi lô đất là “vật chứng” là việc là chưa có tiền lệ trong tố tụng hình sự. Còn việc ông Bùi Minh Thạnh tuyên bố khu đất 43ha là “đất công” trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty Tân Phú đang có hiệu lực pháp luật, là một tuyên bố trái pháp luật.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, việc thu giữ 2 sổ đỏ của lô đất để điều tra thì không có gì phải bàn vì đây là biện pháp tố tụng nhằm làm sáng tỏ vụ án. Việc thu giữ sổ đỏ không có nghĩa là sổ đỏ bị thu giữ không còn giá trị và quyền sử dụng đất đó vẫn thuộc về tổ chức được cấp sổ đỏ.
“Đối với việc thu giữ lô đất 43ha là việc làm không có tiền lệ, vì lô đất không phải là vật phải quản lý như các vật chứng khác phải đưa vào kho để quản lý. Cơ quan điều tra chỉ cần thông báo không được giao dịch liên quan đến khu đất và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai là đủ. Do vậy, việc cơ quan điều tra đòi thu giữ lô đất vừa không đúng nội dung quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu, vừa không đúng pháp luật”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhận định.
Quyền lợi của doanh nghiệp trở thành “vật tế thần”
Trở lại nguồn gốc của lô đất này, năm 2004, Tổng Công ty Bình Dương được Nhà nước giao 567,3 hecta đất tại TP Thủ Dầu Một để thực hiện dự án sân golf, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, khu đô thị thương mại và dịch vụ. Trong đó, khu đất có diện tích 43 hecta được giao cho Tổng Công ty Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại và dịch vụ Tân Phú
Toàn bộ diện tích đất được giao này, Tổng Công ty Bình Dương thực hiện giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nên không phải là đất công. Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã có văn bản xác nhận việc Tổng Công ty sử dụng vốn vay, vốn huy động để giải phóng mặt bằng. Do đó, khu đất này không phải là “đất công” như lời Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bùi Minh Thạnh đã nói.
Để thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Tân Phú, ngày 21/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương báo cáo xin chủ trương mời gọi doanh nghiệp có năng lực tài chính để hợp tác thực hiện dự án. Ngày 7/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương góp vốn thành lập doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn với số vốn góp là 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp thành lập mới để phát triển dự án trên khu đất 43 hecta.
Ngày 8/9/2010, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng do hai thành viên góp vốn là Tổng Công ty Bình Dương (góp 30% vốn điều lệ, tương đương 60 tỷ đồng).
Ngày 20/8/2016, Tổng Công ty có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị giữ lại khu đất 43hecta để thực hiện bàn giao cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú thực hiện dự án theo thỏa thuận về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh phát triển dự án ký năm 2010; không chuyển giao cho doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.
Ngày 29/8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương có văn bản đồng ý để Tổng Công ty giữ lại khu đất 43 hecta để chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú.
Trên cơ sở đó, ngày 8/12/2016, Tổng Công ty Bình Dương đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 hecta cho Công ty Tân Phú. Ngày 1/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã làm thủ tục điều chỉnh biến động đất đai đối với khu đất 43 hecta, nghi nhận đơn vị sử dụng đất là Công ty Tân Phú.
Đánh giá lại quá trình thực hiện dự án, nhất là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển nhượng vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương đối với khu đất 43 hecta, ngày 16/8/2018 Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương kết luận, việc chuyển nhượng 43 hecta cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú là phù hợp với quy định của pháp luật, có tình, có lý.
Tại cuộc họp này, Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu Tổng Công ty Bình Dương bổ sung hồ sơ để hoàn thiện theo quy định của pháp luật; liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc đăng ký điều chỉnh biến động đất đai; yêu cầu các Sở, ngành liên quan hỗ trợ Tổng Công ty rà soát, bổ sung hồ sơ liên quan theo quy định của pháp luật; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy thì báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Như vậy, phát ngôn vừa qua của ông Bùi Minh Thạnh phủ nhận những gì Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã kết luận ngày 16/8/2018. Nó cũng cho thấy nhiều bất thường trong vụ việc này cần phải được các cơ quan chức năng ở Trung ương quan tâm, xem xét một cách thật thấu đáo.
Có thể nói chủ trương chuyển nhượng lô đất 43ha đã được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt. Khu đất 43ha không phải là "đất công" và không thuộc đối tượng phải “bán đấu giá” mà tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất là Tổng Công ty Bình Dương được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc này cũng đã được Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ TN và MT xem xét và khẳng định là “đúng”.
Như vậy, Công ty Tân Phú là nhà đầu tư hợp pháp của khu đất 43ha. Nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương lại muốn “thu giữ” lô đất này còn lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy thì tuyên bố đây là “đất công”. Xem ra, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp đang bị một thứ "quyền" khác đè bẹp, bất chấp sự việc đã rõ ràng dưới ánh sáng pháp luật.
Ai bảo vệ doanh nghiệp khi pháp luật không bảo vệ được doanh nghiệp?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.