Bình Thuận: Điểm đến an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đồng thời, tạo ra các điểm đến an toàn, thú vị, tỉnh Bình Thuận đã và đang cố gắng triển khai nhiều biện pháp nhằm vực dậy ngành du lịch. 
Cù Lao Câu một hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Cù Lao Câu một hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Một năm với gam màu xám

Ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cho đến đầu năm 2021, hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận dần phục hồi, nhưng chưa thể bằng như trước khi xảy ra dịch Covid-19 trên cả nước và thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 ngành kinh doanh du lịch tăng ở mức thấp, với sự sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế cũng như trong nước đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách. Các tour du lịch không thể thực hiện được theo kế hoạch, khách du lịch nghỉ dưỡng chủ yếu là khách nội địa.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một năm khó khăn cho ngành du lịch. Nhiều chuyến bay cả nội địa và quốc tế phải tạm hoãn sau hai đợt dịch, kéo theo đó là lượng khách quốc tế giảm mạnh.

Theo thống kê từ doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có tới 80 - 90% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng kinh doanh.Riêng các cơ sở lưu trú có quy mô càng lớn thì thiệt hại càng lớn.

Đảo Phú Quý – hòn đảo xinh đẹp được mệnh danh "đảo ngọc" của Bình Thuận.Đảo Phú Quý – hòn đảo xinh đẹp được mệnh danh "đảo ngọc" của Bình Thuận.

Thay đổi cách làm du lịch

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, ngành du lịch Bình Thuận xác định sẽ không ngừng xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn và chất lượng.

Theo đó, Bình Thuận là địa phương tiên phong thực hiện cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Kết quả, tính đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã cấp nhãn nhận diện an toàn cho 20 cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thực hiện đúng các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách.

Việc cấp nhãn nhận diện an toàn này không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách mà còn là mục tiêu hướng tới xây dựng điểm đến Bình Thuận an toàn, hiếu khách. Dựa vào nhãn nhận diện an toàn, du khách có thể nhận diện, biết được cơ sở nào thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, từ đó an tâm đưa ra quyết định lựa chọn. Đồng thời, đơn vị lữ hành có cơ sở bảo đảm an toàn khi thực hiện chương trình quảng bá, giới thiệu “tour” đến với du khách.

Một lãnh đạo Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn đồng loạt đăng ký thực hiện các tiêu chí an toàn để tạo tự lan tỏa và đồng bộ. Song song với đó là việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời tiếp tục tăng cường rà soát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở du lịch; các đoàn khách đã đến và sắp đến để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và thực hiện công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế….

Festival thuyền buồm tại Mũi Né - Bình Thuận.

Festival thuyền buồm tại Mũi Né - Bình Thuận.

Khởi động những điểm đến mới

Cùng với việc xây dựng điểm đến an toàn, ngành du lịch luôn quan tâm xây dựng các khu, điểm du lịch mới, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch. Một số khu du lịch nổi tiếng và độc đáo như: Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né gắn với sản phẩm nghỉ dưỡng biển, thể thao biển; khu du lịch Tiến Thành - Hàm Thuận Nam gắn với du lịch trải nghiệm các thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ; Tuy Phong, La Gi có khu du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh kết hợp tham quan và dã ngoại…

Cùng với đó ngành du lịch tăng cường thực hiện các chiến dịch truyền thông, nhất là truyền thông online các tuyến du lịch mới, các điểm tham quan hấp dẫn, nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá cũng như kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch, ngay khi tình hình dịch bệnh ổn định, du khách có thể an tâm đến Bình Thuận nghỉ dưỡng và trải nghiệm các tour, gói du lịch hấp dẫn, đầy mới mẻ.

Bên cạnh những chính sách mở cửa chào đón khách du lịch, Cơ sở hạ tầng cũng được tỉnh Bình Thuận chú trọng đầu tư, nhiều dự án xây mới và mở rộng các tuyến lưu thông với số kinh phí khủng sẽ góp phẩn đưa du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước như: Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà (tổng mức đầu tư 999,4 tỷ đồng) đã khởi công ngày 25/11/2020, dự kiến hoàn thành ngày 25/01/2024. Dự án đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (tổng mức đầu tư: 419,99 tỷ đồng). Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện (tổng 12 mức đầu tư: 599,6 tỷ đồng)….

Hải đăng Kê Gà của tỉnh Bình Thuận.Hải đăng Kê Gà của tỉnh Bình Thuận.

Chia khó với doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, dự báo ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Bình Thuận nói riêng sẽ tiếp tục chịu tác động xấu trong năm 2021. Trước tình hình đó, phần lớn các doanh nghiệp đã đề xuất, để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt, cụ thể: Chính phủ nên giảm hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến giữa năm 2021; giảm các chi phí điện nước, viễn thông đến hết năm 2020.Đồng thời, cần tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ cho vay mới vì áp lực về nợ vay của các doanh nghiệp rất lớn…

Xác định việc chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức, sớm ổn định kinh doanh, đưa doanh nghiệp trở lại đà phát triển. Thời gian tới, Bình Thuận sẽ chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh để khôi phục kinh tế, đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Dù khó khăn, nhưng năm 2021, du lịch quyết tâm đề ra mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 6,5 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10%) và doanh thu hoạt động du lịch đạt 15.500 tỷ đồng. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận cùng ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành du lịch từ thị trường tới sản phẩm, tận dụng xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, công nghệ 4.0… Bên cạnh đó chú trọng hoạt động quảng bá trực tuyến đối với thị trường quốc tế để duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, sống động và đẳng cấp… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm duy trì môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, mến khách, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận cách mạnh mẽ hơn nữa.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, lượng khách du lịch tháng 6 ước đạt 152,9 ngàn lượt khách, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 281,8 ngàn ngày khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch ước đạt 1.765,6 ngàn lượt khách, tăng 13,77% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách lưu trú ước đạt 3.035,1 ngàn ngày khách, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 6 ước đạt 239,3 tỷ đồng giảm 27,38% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 3.832,3 tỷ đồng, giảm 17,41% so với cùng kỳ năm 2020.

Đọc thêm