Để làm rõ sự việc, PV đã tới 3 xã mất mùa nặng nhất là Suối Kiết, Suối Sâu (Tánh Linh), Phúc Tân (Hàm Thuận, Bình Thuận) tìm hiểu sự việc.
Mất trắng sau ba tháng đầu tư hàng chục triệu
Ba xã Suối Kiết, Suối Sâu và Tân Phúc có đến 90% dân số làm nông, diện tích trồng cao su chiếm tới 70%, còn lại là mì, bắp, điều, đậu, thanh long, xoài… Do cao su mất giá, những năm gần đây, nông dân phải đẩy mạnh trồng những cây ngắn ngày như bí đỏ, sắn, bắp (ngô)… để bù đắp.
Thế nhưng hiện nay, người nông dân lại rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất phải chạy ăn từng bữa do nông sản, hoa màu đồng loạt mất mùa, mất giá.
Bên cạnh đó, nhiều tin đồn lan rộng như có cặp vợ chồng phải tự tử vì nợ nần, nhiều gia đình bị ngân hàng hóa giá nhà cửa tài sản, phải trốn đi xứ khác làm ăn… khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Theo người dân và các nhà đầu tư, có khoảng 70% người dân trồng bí đỏ mất trắng do dịch bệnh, thời tiết. Số còn lại cũng chỉ thu được 10- 30% số vốn bỏ ra ban đầu.
Điều này khiến cho rất nhiều người dân ở xã khác tới thuê đất trồng hoa màu, khi thấy hiện tượng mất mùa đã âm thầm bỏ đi để trốn nợ.
Người dân trong cảnh trắng tay vì mất mùa, rớt giá |
Một số gia đình quá khó khăn như nhà ông Hải, bà Mãi (xã Suối Kiết)… phải đóng cửa nhà đi xứ khác làm ăn, còn những gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần phải chạy ăn từng bữa thì nhiều vô số.
Nông dân Lê Thanh Chung (thôn 1, xã Ruối Kiết) thở dài bế tắc: “Năm nay nông sản vừa mất mùa vừa mất giá. Giá bí đỏ chỉ bằng 1/4 giá mọi năm, mì (sắn-PV) bán có 700đ/kg.. mà không có người mua. Gia đình tôi trồng 3ha bí đỏ chi hết 45 triệu mà chỉ thu được hơn 1,9 triệu đồng. Nhưng còn hơn nhiều hộ, chẳng thu được đồng nào”.
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Trần Công Hải (xã Suối Sâu) cho hay: “Nhà tôi trồng 3,5 ha bí đỏ, khoảng 1ha mì vụ đông xuân. Bí đỏ thì mất trắng, còn mì mất giá nên còn để ngoài rẫy chờ giá lên chứ bán bây giờ không bõ công đi nhổ.
Nếu như giá không lên thì đành chờ đến mùa nắng sẽ thu hoạch để cắt phơi bán mỳ khô nhưng cũng hên xui lắm. Mì đã đến vụ mà không thu hoạch, gặp phải độ mưa nhiều là thối hết”.
Anh Hải cho biết thêm, em trai của mình cũng trong tình trạng tương tự nên phải bán luôn con bò mới mua trước vụ màu để trả một phần chi phí.
Nông dân và nhà đầu tư tự “bơi” với nhau
Theo người dân, bí đỏ mất mùa là do một loài sâu làm xoăn ngọn khiến cây không thể ra hoa nhưng bà con chưa tìm ra cách phòng chống. Loài sâu này mấy năm trước đã xuất hiện nhưng chỉ lẻ tẻ nhưng năm nay bùng phát khắp nơi khiến 80% hộ mất trắng.
Nhiều người dân vô cùng bức xúc phản ánh rằng, khi người dân lao đao vì mất mùa thì chính quyền lại thờ ơ, bàng quan như không nghe, không thấy. Đây không chỉ là bức xúc của anh Hải mà là bức xúc chung của người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư, hiện đang phải gánh trên vai nhiều tỷ tiền nợ do nông dân mất mùa.
Anh Cao Trọng Hiếu – một nhà đầu tư chia sẻ: “Các nhà đầu tư thường ứng trước phân, giống, thuốc, thậm chí cả cày bừa … cho nông dân để cuối mùa được ưu tiên mua nông sản mới trừ nợ.
Khi nông sản mất mùa, mất giá, chúng tôi không những không thu hồi được vốn mà còn phải ứng tiền ăn, tiền tái đầu tư vụ sau cho nông dân mới mong lấy lại tiền.
Nhà đầu tư thì lời ăn lỗ chịu là lẽ thường tình vì dẫu sao họ cũng có kinh tế hơn, nhưng hầu hết người nông dân mất mùa là trắng tay, nợ nần chồng chất. Chỉ bức xúc là vì sao chính quyền lại quá thờ ơ trước tình cảnh đó của nông dân” .
Người dân trong cảnh trắng tay vì mất mùa, rớt giá |
Không chỉ mình anh Đạt, nhà đầu tư của Công ty Nhật Phát, Kim Quy, Kim Nhung cũng cho biết, họ đang phải tự “bơi” cùng nông dân giúp họ vượt qua khó khăn.
“Cây mì đến vụ thu hoạch mới biết rớt giá thì không nói, nhưng riêng cây bí đỏ biết mất mùa do sâu bệnh khi mới trồng được 1,5 tháng. Thế nhưng từ lúc đó đến cuối vụ không ai thấy các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, hướng dẫn cho bà con nông dân.
Đến nay, bí và mì đã vào cuối vụ, thiệt hại của nông dân ai cũng thấy rõ nhưng chỉ có nhà đầu tư và người dân tự “bơi” với nhau vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi”, một nhà đầu tư khác chia sẻ.
Hầu hết các nhà đầu tư trên địa bàn các xã trên cũng đang gánh một khoản nợ khổng lồ do nông dân mất mùa và cũng đang phải “bơi” cùng với người dân để tìm cách “lên bờ”.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thanh Ly – Phó chủ tịch UBND xã Suối Sâu cho rằng, việc người dân nói chính quyền không quan tâm là không đúng.
Bởi thời gian qua, xã cũng đã tổ chức các đợt vận động, tuyên truyền về cách phòng ngừa sâu bệnh, định hướng cây trồng ít rủi ro, có lợi nhuận nhưng người dân không nghe mà chỉ làm theo kinh nghiệm, theo nhu cầu nhất thời của thị trường.
Theo ông Ly, do đang trong thời gian thống kê nên UBND xã chưa có con số thiệt hại cụ thể. Trong khi đó, khi được hỏi về tình hình sản xuất của nông dân, ông Minh Mang - Phó chủ tịch hội Nông Dân xã Suối Kiết lại khẳng định việc người dân khó khăn là do: “Năm nay người dân được mùa nhưng rớt giá”.
Khi phóng viên nói rõ tình hình hiện tại của người dân, ông Mang mới sửa lại là “vừa mất mùa, vừa mất giá”.
Tuy nhiên, việc mất mùa trắng chỉ độ 50% chứ không phải 80% như thu thập của phóng viên. Việc mất mùa được ông Mang giải thích ngoài nguyên nhân do sâu bệnh, thời tiết còn do người dân trồng cây tự phát, bỏ qua những đợt tập huấn, khuyến cáo của chính quyền.
Cũng cho rằng việc mất giá, mất mùa do sâu bệnh là vì người dân không chịu tin chính quyền, ông Đồng Sĩ Ân – Phó chủ tịch và ông Nguyễn Thanh Sang – Cán bộ nông-lâm nghiệp xã Tân Phúc cho biết, ngoài bệnh đốm nâu trên cây thanh long là chưa có thuốc đặc trị còn tất cả các loại sâu bệnh trên cây trồng hiện nay đều có thuốc đặc trị.
Bệnh khiến cây bí đỏ mất mùa năm nay là do một loại sâu gây ra vào ban đêm, nên khi bệnh bùng phát phát hiện thì đã muộn.
Hàng tháng, xã có tổ chức các lớp dạy, chia sẽ kinh nghiệm, tuyên truyền, định hướng liên quan đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, mời người dân tham gia nhưng không ai đi. Bởi vậy, việc phát hiện sâu bệnh và cách phòng ngừa thường không hiệu quả.
Thêm vào đó, người nông dân vẫn hay sản xuất nông nghiệp theo xu hướng thị trường, nên chuyện bị rớt giá, ép giá là không tránh khỏi.
“Vào thứ 4 hàng tuần, đoàn công tác xã gồm phó chủ tịch phụ trách kinh tế, cán bộ nông lâm và các chi hội nông dân vẫn đi khảo sát trực tiếp trên từng cây trồng. Tuy nhiên, do diện tích quá lớn nên các cán bộ không thể đi hết, bởi thế người dân lầm tưởng chính quyền không quan tâm”, ông Thanh Sang cho hay.
Liên quan đến việc hỗ trợ nông dân mất mùa, ông Ân cho biết, UBND xã không đủ thẩm quyền và ngân sách để giải quyết vấn đề trên. Tuy vậy, xã sẽ lên phương án trích quỹ hỗ trợ đột xuất cho các hộ nghèo mất mùa để phần nào ổn định cuộc sống.
Những đống bí đỏ đang chờ người tới thu mua |
Thiết nghĩ, các ngành chức năng huyện, tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương vào cuộc giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân.