Những trận “mưa đá tinh thần”
Trận “mưa đá” khủng khiếp đang trút xuống đầu một MC của VTV gần đây dường như vẫn chưa làm thỏa mãn cơn giận của công chúng. Có ý kiến yêu cầu dừng chương trình do MC này dẫn dắt bởi nó quá… vô duyên. Ý kiến khác thì cho rằng, bản chất thực sự xoay quanh câu chuyện trên chỉ đơn thuần là trò câu kéo sự chú ý của dư luận, đánh bóng tên tuổi chương trình.
Xét cho cùng, trường hợp bị “vùi dập” tương tự như MC của VTV trên không phải đến bây giờ mới manh nha xuất hiện. Trái lại, suốt một thời gian dài đã có rất nhiều người là nạn nhân của “trào lưu ném đá” trên mạng.
Chẳng hạn, cách đây vài năm, ca sỹ Thái Thùy Linh được chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu cho các hoạt động xã hội tại Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 82 bí thư đoàn cơ sở xuất sắc nhất toàn quốc năm 2012.
Ngay sau đó, không ít ý kiến trái chiều đã bùng nổ cho rằng bà mẹ đơn thân Thái Thùy Linh được nhận danh hiệu là không thỏa đáng. Trên diễn đàn nhà báo trẻ, một nickname Bút Lông đăng đàn: "Trung ương Đoàn cổ vũ giới trẻ làm mẹ không cần lập gia đình bằng cách trao “Gương mặt trẻ tiêu biểu” cho ca sĩ Thái Thùy Linh. Hoan hô Đoàn!” đã tạo làn sóng tranh luận dữ dội.
Nếu như MC của VTV và ekip thực hiện chương trình im lặng trước “cơn mưa đá” quất vào mình thì ca sĩ Thái Thùy Linh lại viết bức tâm thư “phản pháo”. Trong bức tâm thư chị có nói: “Làm mẹ đơn thân là xấu?
Một người là mẹ đơn thân thì không được, không nên đóng góp cho xã hội? Nếu có đóng góp tích cực, hiệu quả thì các cơ quan ban ngành và toàn thể xã hội cũng không nên ghi nhận?”… Chị nói: "Sẽ chiến đấu đến cùng nếu có ai xúc phạm mình".
Dĩ nhiên, sau bức "tâm thư" của ca sỹ Thái Thùy Linh, phía Bút Lông cũng đã nhanh chóng có lời xin lỗi công khai trên Diễn đàn nhà báo trẻ. Một trường hợp khác là bé Đỗ Nhật Nam, dù chỉ mới 13 tuổi cũng bị trận “công kích” mỉa mai từ phía cộng đồng mạng khi em làm vlog đầu tiên bằng tiếng Anh.
Mới 13 tuổi, Đỗ Nhật Nam làm vlog khá hay, phong cách tự tin, vốn từ lưu loát thế nhưng bé bị nhiều “anh hùng bàn phím” lao vào chửi rủa em là đua đòi, khoe khoang tiếng Anh với những ngôn từ “vỉa hè”. Thậm chí có những hành động cực đoan như chế tranh, chế clip để giễu cợt đã gây “bạo lực tinh thần” đối với cậu bé đang trong độ tuổi vị thành niên này.
Nạn nhân của trò “ném đá tập thể” không chỉ với người Việt mà còn những người nổi tiếng ở thế giới. Chỉ cần có một đoạn clip, hình ảnh hay câu nói đáng chú ý bị tung lên mạng xã hội, nhân vật chính trong đó sẽ phải hứng chịu “hàng tấn gạch đá” Bill Gates đăng tải bức ảnh chụp trụ điện dây nhợ chằng chịt ở Việt Nam, hình ảnh này đã thu hút gần 40.000 lượt yêu thích và gần 6.000 bình luận. Trong đó phần lớn bình luận là của dân mạng Việt Nam.
Họ cùng rủ nhau vào “ném đá”, điểm danh và cãi nhau bằng hàng ngàn bình luận khiếm nhã, có cả những câu chửi thề, nói tục… bằng tiếng Việt.
Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của hotboy người Ả Rập Omar Borkan Al Gala, nữ MC người Thái Lan Peaw Sumaporn Wandee… cũng từng bị “tấn công” bởi bình luận phản cảm, vô văn hóa của một số dân mạng Việt Nam. Không ít thành viên người nước ngoài đã “nổi đóa”, bày tỏ bức xúc trước cách hành xử vô văn hóa này của người Việt.
Từng có thời gian Thái Thùy Linh bị một số cư dân mạng mạt sát |
Mạt sát người khác để…xả stress?
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng facebook, và mỗi người dành trung bình 2,5 giờ để lướt facebook mỗi ngày. Thế nhưng mạng xã hội không có tội mà tội ở đây xuất phát từ văn hóa ứng xử của người dùng.
Điều này phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi người.Vấn đề cốt lõi ở đây là việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người. trong đó, 3/4 người dùng độ tuổi từ 18-34. Đối tượng sử dụng Facebook nhiều nhất, thường xuyên nhất và bị ảnh hưởng nhất là giới trẻ, trong đó, chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình.
Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình.
Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt, nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận không cần biết đúng, sai.
Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng.
Họ lợi dụng cảm tính và đám đông, dựa vào quần chúng, dựa vào bạo lực là cách nhiều “trẻ trâu” chọn để tranh cãi, thay vì tìm cách chứng minh cách nhìn nhận của mình đúng mà vô tình hay hữu ý gây ức chế, “tra tấn” tinh thần người khác.
Một người dùng lời lẽ thô tục để nói về ai đó có thể biểu thị đó là người kém văn hóa, thiếu lịch sự. Ngoài ra, khi ứng xử thiếu tôn trọng nhau thì có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đã có trường hợp vì bình phẩm nhau trên facebook dẫn đến mâu thuẫn và “giải quyết” mâu thuẫn bằng bạo lực.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Trong các lời bình luận ác ý, ngôn ngữ được sử dụng thật sự không thể chấp nhận được. Chúng ta có cả một kho tàng ngôn ngữ phong phú và tuyệt đẹp.
Tại sao chúng ta lại giao tiếp với nhau bằng cách kinh khủng như vậy? Những ngôn ngữ ấy có thể hiện rằng người phát ngôn có văn hóa cao hơn mấy nhân vật bị “ném đá” kia không hay ngược lại? Cách a dua “ném đá” ầm ầm có phải là hướng cư xử đẹp hay không?
Có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta nên dừng lại ngẫm nghĩ xem chúng ta cần phải làm gì để thay đổi cái hiện trạng văn hóa ứng xử, khen chê rất lệch lạc này”.
PGS, TS Lê Quý Đức- nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và định hướng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ hiện nay một cách nghiêm túc.
Văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, không được mạt sát, công kích đối phương bằng việc quy chụp, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ.
Tôi nghĩ, chúng ta cần nêu tên tuổi, chức danh, nơi ở người dùng mạng khi có hành vi này. Nói về cách ứng xử trên mạng xã hội, PGS, TS Lê Quý Đức nhắn nhủ: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.