1. 9 giờ sáng, chiếc cano cao tốc đưa khách cập bến tại bãi Làng, hòn đảo lớn có cư dân sinh sống ở Cù Lao Chàm. Những người dân làng chài chân chất đón khách lạ bằng nụ cười thân thiện như đứa con lâu ngày trở về. Người phụ nữ tên Nhung làm nghề cho thuê xe máy vui vẻ đón khách đã hẹn và đưa đến phòng trưng bày truyền thống, chỉ vào tấm bản đồ, bắt đầu làm hướng dẫn viên miễn phí. Bằng chất giọng trầm ấm, một cách chuyên nghiệp, chị chỉ đường tham quan xã đảo. Chưa yên tâm, chị còn tận tình dẫn đoàn khách một vòng quanh bãi Làng, đến thăm giếng cổ trăm năm trước khi giao hẳn xe máy cho khách với chỉ một cam kết giản đơn: “Khi nào không muốn đi nữa, tới chỗ bến thuyền trả xe cho chị!”.
Thấy vài vị khách nửa tin nửa ngờ, chị cười: “Ở đây cửa ngõ đều mở cả ngày đêm không mất đồ, huống chi chiếc xe máy nặng nề ri”. Tò mò trước câu chuyện của chị, chúng tôi dạo một vòng quanh bãi Làng. Những ngôi nhà san sát nhau, hướng mặt ra biển, tựa lưng vào núi đá. Nhà nào cũng mở toang cánh cổng. Đến đâu cũng nhận được lời mời đon đả với ấm nước lá ủ nóng sẵn sàng dù chủ và khách chưa một lần gặp gỡ.
Ở cù lao, lá là thứ đặc sản làm thức uống và hàng bán bên góc chợ dành cho du khách. Thứ nước hãm từ những lá cây bám rễ trên đá, thẩm thấu đủ vị mặn mòi của đại dương, của gió, của đá tạo nên mùi vị đặc biệt. Lấy lá rừng trở thành nghề của một số phụ nữ buổi Giêng Hai, ngày biển động, khi con thuyền nhỏ của gia đình không thể ra khơi bắt con tôm con cá.
Cù lao yên bình. Những con sóng bạc đầu mải miết vỗ vào bờ cát trắng. Trên cung đường bê tông chạy dọc bãi biển đi qua bãi Làng, bãi Hương, bãi Ông… dưới những rặng dừa tỏa bóng, những ngư dân, phần lớn cánh phụ nữ ngồi mải mê đan lưới. “Người cù lao không phải đi xa, với con thuyền nhỏ và chục tấm lưới, cất neo thuyền một đoạn, có thể buông lưới bắt cá. Mấy trăm năm qua, cuộc sống của người cù lao vẫn diễn ra như thế. Chưa ai bỏ xứ mà đi!”, bà Hoa, một cư dân của đảo vừa thoăn thoắt đan lưới vừa nói. Cuộc mưu sinh của cư dân xứ đảo lặng lẽ, êm đềm theo mùa trăng, theo con nước lớn ròng.
Nghề đan võng ngô đồng trứ danh ở Cù Lao Chàm |
2. Thả hồn trong khung cảnh mộng mơ, bất chợt du khách thấy lòng xốn xang bởi giọng ngâm vang bổng trầm giữa bãi Làng: “Ngô đồng một chiếc lá rơi/ Câu thơ cổ độ ngâm lời thu phong”. Bên hiên ngôi nhà hứng mặt về phía biển, người phụ nữ tầm ngoài 60 tuổi vừa nhanh tay se võng ngô đồng vừa ngâm nga. Hết khúc ngâm, bà đon đả chào khách, đôi tay vẫn không ngừng se nối những sợi dây ngô đồng màu mỡ gà mỏng manh. “Nghề đan võng ngô đồng có từ thuở cha ông đi mở đất, mở biển. Để có chiếc võng nằm nghỉ mát buổi trưa hè, người dân xứ đảo đã tìm cách lột vỏ cây ngô đồng để đan võng. Nghề có từ đó!”, cụ bà tên Ngô Thị Lê (62 tuổi) giới thiệu.
Từ đan võng nằm chơi, nghề đan võng ngô đồng trứ danh được du khách thập phương biết đến khi Cù Lao Chàm mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài. Kể cũng lạ, loài cây ngô đồng mọc ở núi đá cheo leo, bất chấp gió mưa, thiên tai bão gió, trở thành “đặc sản” của hòn đảo nổi giữa biển khơi này.
Nghề đan võng ngô đồng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu nên nghề dường như chỉ dành cho phụ nữ. Để hoàn thành một chiếc võng ngô đồng, đòi hỏi rất nhiều công sức. Từ việc lên núi cây, đốn cây, bóc vỏ rồi đem ngâm dưới suối cả chục ngày, đưa về xé sợi mảnh, phơi lấy vài cái nắng giòn mới bắt đầu khâu đan.
“Mỗi chiếc võng hoàn thành mất tròn một tháng. Với giá hiện tại 2,5 triệu đồng/chiếc, tính ra chỉ lấy công làm lãi”, bà Lê cho biết. Nhưng người cù lao không ai muốn bỏ nghề. Võng ngô đồng được nhiều người biết đến không chỉ ở độ bền dẻo dai hàng chục năm, mà còn bởi tấm lòng giữ nghề của người xứ đảo.
3. Ở Bãi Hương, du khách ấn tượng bởi người phụ nữ tên Ngôn, 60 tuổi: “Trưa rồi ghé lại má nấu cơm cho mà ăn. Ở đây tìm hàng quán phải về bãi Làng, đường sá khó khăn!”. Bữa cơm của người mẹ xứ cù lao vỏn vẹn có bát canh rau cải nấu muối với dĩa cá sơn nhỏ thó bắt vội bên mé biển buổi sớm thật ấm tình. Câu chuyện của bà khiến người nghe cảm động.
Sinh ra và lớn lên ở cù lao. Hai mươi tuổi, bà kết duyên với một người con trai làng chài này. Có với nhau ba mặt con, khi đứa út được hai tuổi, chồng bà mất đột ngột. Mình bà một nách ba đứa con, phận gái không thể vươn khơi, đành buôn thúng bán bưng với mớ cá, hoặc ai kêu chi làm đó.
Thời du lịch, bà mở cái quán tạp hóa cùng cà phê cóc để mưu sinh. Nghĩ đời con không thể vất vả như bố mẹ, bà quyết tâm cho con ăn học. “Cứ lên cấp Hai là tui vay mượn cho con vào đất liền theo học. Chừ hai đứa đầu tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ở đất liền. Đứa út năm nay lên lớp 11 rồi”, giọng bà trầm trầm, không như những đoạn đường đời gian khó mà bà và các con vượt qua. Cuộc đời 60 năm của bà, số lần rời đảo tính trên đầu ngón tay, đó là những lần đưa ba đứa con vào Hội An xin nhập học. Bà ví những chuyến đi ấy như hành trình thoát khổ cực.
Khát vọng con chữ của bà Ngôn cũng là nỗi khát vọng chung của bà con ngư dân xã đảo này. Cô giáo Hồ Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hiệp tâm tư: “Sống ở đảo, điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần cư dân đều làm nghề chài lưới bằng những con thuyền công suất rất bé, nhưng rất quan tâm việc học của con em. Bây giờ việc vận động trẻ ra lớp dường như không phải thực hiện, đầu năm phụ huynh đều tự giác đưa con em tới trường.
Dẫu rằng đường sá đi lại rất khó khăn, các em học sinh ở bãi Hương khi lên cấp Hai, bắt đầu một chặng đường tự lập với việc xa gia đình vào đất liền hoặc theo học ở bãi Làng. Thi thoảng vài ba tháng mới về thăm nhà được một bận. Khó khăn vậy, nhưng mấy năm lại đây, trường không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ vào đại học của học sinh xã đảo cao dần theo từng năm. Điều đáng mừng, nhiều em trước đây học ở trường này, nay quay về tiếp tục giảng dạy với ước nguyện truyền con chữ cho thế hệ sau”, đôi mắt người giáo viên bám đảo suốt 30 năm rạng niềm tin.
Cuộc sống bình yên |
Không đủ để nói hết về người, về biển cù lao trong vỏn vẹn một ngày. Nhưng khép lại hành trình khởi đầu của năm mới 2019 bằng niềm tin, khát vọng của những người dân xứ đảo về một tương lai tươi sáng cho con trẻ và những chuyến tàu công suất lớn vươn khơi, vừa mưu sinh, vừa giữ biển, lòng du khách cảm thấy bình yên đến lạ.