Nhà cổ họ Đào được xây dựng trên phần đất gia tộc họ Đào thuộc xã Phú Hội. Cuối thế kỷ XIX, gia tộc họ Đào đã là một phú gia có tiếng tại khu vực. Với mong muốn xây dựng một nơi để thờ tự gia tiên, con cháu sum họp mỗi khi dòng họ có công việc, nhà họ Đào quyết định xây dựng công trình.
Trải qua ba năm xây dựng, ngôi nhà cổ - từ đường họ Đào hoàn thành với những kỷ lục trong vùng về số tiền, vật liệu, công thợ… Ngôi nhà có tên gọi Đạt Đức đường (Ngôi nhà của bậc quân tử. Theo học thuyết của Khổng tử, người quân tử nếu có ba điều Nhân – Trí – Dũng thì được gọi là Đạt Đức - NV). Còn người dân vùng Phú Hội thường gọi từ đường họ Đào bằng cái tên Nhà hội đồng Liêu.
Một tích khác lại nói rằng nhà cổ này được ông Huyện Thiền xây dựng ròng rã ba năm trời. Ông Huyện Thiền phải rước thợ từ miền Trung vào nuôi ăn ở và huy động thêm người địa phương làm. Để tìm được gỗ quý, những người thợ phải vào tận rừng sâu Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành chọn lựa đưa về.
Tuy nhiên sau khi ông Huyện Thiền qua đời, ngôi nhà cổ và phần lớn đất đai giao cho ông Đào Mỹ Liêu (tức ông hội đồng Liêu) quản lý. Từ đó nhà cổ trên vừa có tên là nhà hội đồng Liêu, hoặc nhà cổ họ Đào.
Nhà cổ họ Đào nằm trong vườn cây rộng khoảng 5000m2, không gian vô cùng thoáng mát, bình dị, khiến người tới thăm cảm thấy thanh thản an yên. Nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc của Đàng Trong với kiểu nhà được ưa chuộng xưa kia là dạng nhà chữ đinh, không gian sinh hoạt được phân bổ theo bố cục truyền thống.
Nhà trên là nơi thờ phụng, tiếp khách đồng thời là nơi ngủ của các thành viên nam trong gia đình. Nhà dưới là nơi nghỉ và tiếp khách thân thuộc dành riêng cho các thành viên nữ. Phần mở rộng gồm có nhà bếp, nơi nấu nướng, ăn cơm hàng ngày và kho chứa thóc gạo.
Nhà trên chiếm diện tích 188m2 gồm ba gian hai chái với 48 cột gỗ căm xe đen bóng chia thành tám hàng. Nhìn vào nhà trên ta có thể thấy mặc dù tương đối thoáng đãng nhưng vẫn giữ được không gian nội thất cổ kính như bộ trường kỷ, bàn hột xoài, tủ thờ, phản gỗ, hệ thống bao lam… và tuân thủ chặt chẽ cách bày trí: Nội tự (trong thờ cúng) và ngoại khách (ngoài tiếp khách).
Phần nội tự được bố trí ba bàn thờ ở ba gian chính giữa và nằm gọn trong khoảng không gian của 1/2 mái nhà phía sau. Các bàn thờ, tủ thờ được chạm cẩn xà cừ công phu với những đường nét sắc sảo theo các chủ đề: Ngư tiều canh mục, bát tiên quá hải, cúc yến, trúc tước… Ba gian thờ còn đầy đủ bát nhang, chân đèn, đỉnh đồng, bình hoa, chò tứ quả.
Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi nhưng cách bài trí, đồ đạc vẫn như thuở ban sơ |
Ngôi nhà cổ còn có 11 bức hoành phi, tám cặp liễn đối bằng chữ Hán đường nét sắc sảo được sơn son thếp vàng xen kẽ nhau như tạo hồn cho ngôi nhà với đầy đủ tính thâm nghiêm hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa. Vượt lên tác dụng trang trí, nó là những lời khuyên, lời dạy bảo, những nguyện ước của ông cha nhắn nhủ con cháu kế tục phát huy truyền thống hiếu đễ, nghĩa nhân.
Nổi bật là bức hoành phi viết chữ Hán: Thiện tối lạc (rất vui sướng khi làm việc thiện) được khảm xà cừ cách điệu bằng những cành mai, đào vừa có tác dụng trang trí vừa mang tính giáo huấn. Bốn bức liễn đối được khảm xà cừ với những dải dây lá, hoa cỏ, chim muông viền xung quanh, nổi bật lên sáu bài thơ chữ Hán viết theo lối thảo thư …
Nhà dưới có diện tích 159m2 được kiến trúc theo kiểu nhà tứ trụ. Diện tích được mở rộng ra bốn phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết tạo cho nhà dưới không gian rộng rãi, thoáng. Với 40 cây cột gỗ căm xe kết hợp cùng các vì kèo, đòn dông, đòn tay đã tạo nên bộ khung vững chãi cho ngôi nhà. Không gian nhà dưới được bố trí bàn ghế cẩn xà cừ, bàn hột xoài, phản gỗ đen nhánh.
Phần mở rộng có diện tích 119m2 gồm: nhà kho, nhà bếp và sân trong, được xây theo kiểu nhà nọc ngựa (nhà rọi) nằm song song nhau…
Đến nay, trong ngôi nhà cổ họ Đào mọi thứ gần như còn y nguyên, chưa mai một, lưu giữ lịch sử trăm năm. Nét văn hóa ấy luôn được các thế hệ con cháu họ Đào nâng niu, gìn giữ như một thứ tài sản vô giá.
Hàng năm, ngôi nhà đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập, nghiên cứu kiến trúc cổ của dân tộc và những đoàn làm phim đến dựng, quay phim.
Một điều đặc biệt hơn nữa là xã Phú Hội nơi có nhà cổ họ Đào là một trong những địa phương hiện còn gìn giữ được khá nhiều ngôi nhà cổ (khoảng 15 ngôi nhà). Nhưng nổi bật trong đó là nhà cổ họ Đào vẫn còn giữ nguyên những nét tiêu biểu với nhiều vật dụng có giá trị như bàn, tủ, sập…