Bỏ biên chế giáo dục: Coi chừng 'giao trứng cho ác'?

(PLO) - Ông Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng không nên bỏ biên chế trong ngành Giáo dục, Y tế. Bởi khi trao quyền hạn lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng, hoàn toàn có khả năng rơi vào tình trạng trao trứng cho ác.
Bỏ biên chế giáo dục: Coi chừng 'giao trứng cho ác'?

Phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói: "Việc quyết định biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như một mô hình công ty trao quyền rất lớn cho lãnh đạo trực tiếp của đơn vị, tạo ra một mô hình mới ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, khi mô hình ấy chưa được chính thức vận hành đã xuất hiện những vấn đề bất cập ngày càng nhiều như bảo hiểm y tế xuất toán ồ ạt các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương. Rất nhiều các bác sĩ, giáo viên bỏ việc ở vùng sâu, vùng xa, việc lạm dụng bảo hiểm y tế, lạm dụng các kỹ thuật cao trong y tế diễn ra tràn lan. Chính vì vậy, tôi rất mong Chính phủ hết sức thận trọng khi quyết định triển khai chủ trương này."

Chứng minh từ thực tế, ông cho biết: Nếu các vị đại biểu về thăm các xã vùng cao vào các con đường ô tô không thể đến được, gặp các cô giáo, y bác sĩ ngày đêm bám trụ tại các vùng sâu, vùng cao thì các vị có thể thấy không chỉ vì yêu nghề nên họ vẫn ở lại với bà con, vẫn cố gắng làm việc vì có một niềm tin vẫn nằm trong biên chế Nhà nước, vẫn là công chức trong hệ thống. Nếu bỏ công chức trong giáo dục và y tế chúng ta cần chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng, miền theo những đặc thù về địa, chính trị khác nhau, tránh sự sụp đổ mạng lưới rất nhiều năm được xây dựng.

Đặc biệt ông lo ngại: "Khi trao quyền hạn lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng chúng ta hoàn toàn có khả năng rơi vào tình trạng trao trứng cho ác. Việc trao quyền chỉ thực hiện khi có cơ chế rõ ràng, mạch lạc quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Song song với đó là hoạt động nâng cao khả năng, năng lực lãnh đạo quản trị theo cơ chế mới. Hiện nay các khóa đào tạo về quản lý giáo dục thường sử dụng những tài liệu cũ, ít cập nhật vào phục vụ cơ chế hiện tại."

Hiến kế cho công tác quản lý giáo dục, ông nhận định: Chúng ta đang đứng trước thời cơ của cuộc cách mạng khoa học 4.0, hiện nay có rất nhiều các phần mềm giảng dạy và phần mềm quản lý có thể sử dụng trong giáo dục, giúp cho mọi người biết được chất lượng công việc của từng người trong hệ thống, nhà trường có thể dễ dàng theo dõi giáo viên có làm việc tốt hay không, có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Ngược lại, phụ huynh học sinh cũng có thể biết được rõ tình hình học tập của con em mình cũng như chất lượng giảng dạy của từng giáo viên, năng lực của tổ chức và quản lý của hiệu trưởng. "Đừng nghĩ chuyện đó còn lâu mới xảy ra, trước đây có ai nghĩ Urber hay Grab có thể làm khuynh đảo taxi hay xe ôm truyền thống. Do đó, tôi nghĩ việc áp dụng công nghệ mới trong việc quản lý giáo dục là việc nên làm." - ĐB phát biểu. 

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, nếu bỏ biên chế hệ thống y tế và giáo dục thì nên bỏ cả biên chế của toàn bộ hệ thống, ngoại trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đưa tất cả cán bộ viên chức về chế độ hợp đồng có hoặc không có thời hạn. Chế độ an sinh rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới, vì nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm cho ngành y tế, ngành giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế cho các ngành quản lý hành chính, các liên hiệp, các tổ chức lại tốt cho xã hội?. Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy được vào một số biên chế cho người nhà mình để có thể yên ổn suốt đời. 

"Theo tôi, việc bỏ biên chế ngành giáo dục và chuyển sang hợp đồng không quan trọng bằng việc đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý. Đổi mới giáo dục là tất yếu vì nhược điểm ngành giáo dục hiện nay bộc lộ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cần luôn nhớ đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, đổi mới đều phải trả giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mọi quyết định của các nhà quản lý vĩ mô sẽ tiêu một lượng tiền thuế của nhân dân và hiệu quả không phải ngày một, ngày hai mà phải nhiều năm sau mới thấy được. Những nhà lãnh đạo, những người làm chương trình giáo dục khi phê phán các chương trình giáo dục cũ xin đừng quên rằng chính họ đã được đào tạo trong hệ thống giáo trình cũ và họ đã thành công như hiện nay." _ ông bức xúc nói.  

Theo ý kiến cá nhân của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, hãy tạo ra một chương trình giáo dục mở, đừng ép buộc các tiêu chí cứng nhắc bắt tất cả học sinh trở thành bác học với một mớ kiến thức khổng lồ, tài đức vẹn toàn. Hãy đưa các chương trình hỗ trợ kĩ năng ngoại ngữ do các đơn vị độc lập, do các cá nhân, tổ chức dân sự quản lý, phối hợp với các chương trình đào tạo chính thống.

"Riêng tôi, tôi được theo học hệ giáo dục của giáo sư Hồ Đại trong công nghệ giáo dục thử nghiệm từ lớp 1 đến lớp 10. Tôi nhận thấy đây là mô hình giáo dục tương đối tốt, nên kế thừa, phát triển, đừng xóa bỏ gây lãng phí và không chắc chắn mô hình mới có tốt hơn không." - ông tự hào nói về hệ thống giáo dục mà ông đã được đào tạo.