Bỏ cả tuổi xuân vì... chữ 'Hiếu'

(PLVN) - Ở Việt Nam, không thiếu những “xóm Hàn Quốc”, “xã Đài Loan”, hay “làng châu  Âu”. Những tên gọi ấy xuất phát từ việc thi nhau xuất ngoại của người làng. Trong đó, có không ít người vì phận làm con, vì chữ hiếu mà từ bỏ tuổi thanh xuân để dấn thân vào con đường xuất ngoại.
Một trang trại tại Hàn Quốc, nơi có những lao động Việt đang sinh sống.
Một trang trại tại Hàn Quốc, nơi có những lao động Việt đang sinh sống.

Xuất ngoại để được như “con nhà người ta”

Ngô Thị Thùy Nhi (SN 1984), ngụ phường Tân Long, TX Lagi, Bình Thuận từng là một lao động nhập cư bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Năm 2015, vì gánh nặng nợ nần do làm ăn phá sản, chị xin đi du lịch Hàn Quốc, sau đó ở lại suốt 4 năm để làm một lao động trái phép trên đất nước này, kiếm tiền trả nợ. Thâm nhập vào cuộc sống của những người Hàn xa xứ, chị Nhi đã gặp nhiều câu chuyện éo le, nhiều cảnh đời buồn của người nhập cư, mà chỉ có họ mới biết với nhau.

Lao động phổ thông sống ở xứ Hàn có nhiều xuất thân, nhưng phổ biến nhất từ 3 hoàn cảnh: Xuất khẩu lao động, kết hôn và lao động nhập cư trái phép (từ con đường du lịch, thăm thân…).

Theo chị Nhi, cảnh nghèo chỉ là một phần trong số những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người quyết định dấn thân vào hôn nhân không tình yêu hay con đường nhập cư bất hợp pháp. Trong câu chuyện kể của chị, có không ít trong số đó, ra đi chỉ vì trách nhiệm dành cho gia đình, vì áp lực nặng nề mang tên “con nhà người ta”.

“Tôi từng chứng kiến có những cô gái, gia đình ở quê cũng đủ ăn, đủ mặc, có bao mơ ước, dự định cho tương lai, nhưng vẫn bị cha mẹ ép phải đi lấy chồng Hàn Quốc theo mai mối để kiếm nhiều tiền về cho gia đình. Có những người được học hành đàng hoàng, công việc ổn định, vẫn tìm cách đi du lịch và trốn luôn, làm một lao động nhập cư bất hợp pháp, nay đây mai đó, với mục tiêu là “cày” để dành dụm, một thời gian về nước có nhiều tiền dễ làm ăn”.

Lê Thị Thúy Mỹ, năm nay 28 tuổi, quê Cần Thơ, lấy chồng từ năm 22 tuổi. Cô học khá giỏi, sau khi tốt nghiệp phổ thông làm hồ sơ thi vào Đại học Cần Thơ. Thế nhưng, cái không may của Mỹ là cô sinh sống tại một xóm mà hơn 70% con gái đã đi lấy chồng Hàn Quốc, cứ người này kéo người kia đi. Cha mẹ Mỹ khi biết cô muốn đi học Đại học, đã suốt ngày đay nghiến, lấy chuyện cái Huệ, cái Lan của những nhà khác trong xóm, lấy chồng Hàn về đổi đời cho cả gia đình.

Trong nhà Mỹ còn 2 người anh trai, cả hai đều lông bông, người thì làm lái xe tải thuê, người thì làm thợ bánh mì, nhưng thích thì làm không thích thì nghỉ. Cha mẹ Mỹ muốn cô giống như những cô gái trong xóm, đi lấy chồng ngoại để gửi tiền về cất nhà cao cửa rộng cho họ, rồi mua xe tải cho anh trai thứ nhất, xe bánh mì cho anh trai thứ hai…

Trước áp lực của gia đình, Mỹ chia tay người yêu, dự tuyển lấy chồng Hàn. Cũng phải tham gia buổi “xem mắt” đau lòng, cởi hết quần áo cho họ “xét tuyển”. Rồi gia đình Mỹ cũng được như ý, cô lấy được người chồng hơn mình 25 tuổi, có một nông trại nho nhỏ ở tỉnh vùng xa. Mỹ về đó sinh sống, cùng chồng làm nông, gác lại ước mơ làm một hướng dẫn viên du lịch.

Một mẫu tin tuyển dụng vợ Việt cho người Hàn.
 Một mẫu tin tuyển dụng vợ Việt cho người Hàn.

Gửi được tiền về cho gia đình “đổi đời”, cho hai anh tiếp tục lông bông, hết tiền gọi điện sang xin em gái. Hiện nay, Mỹ, dưới áp lực của gia đình đã làm mai cho em gái con cô ruột lấy chồng Hàn, đồng thời, hai người anh cũng lợi dụng việc sang Hàn Quốc du lịch thăm thân đã trốn ở lại, làm lao động nhập cư bất hợp pháp nơi đây.

Trăn trở đời sống lao động nhập cư

Cộng đồng lao động phổ thông tại Hàn Quốc quả là thu nhập cao, vì chênh lệch giá trị tiền so với Việt Nam, nhưng cuộc sống khá cực tủi. Nếu là cưới chồng Hàn hay xuất khẩu lao động thì còn đỡ, còn lao động trái phép chỉ được làm việc trong những công xưởng hoặc nông trại xa trung tâm, bị đối xử tệ, lương không cao và phải chuyển việc liên tục để tránh bị phát hiện.

Có những người là cử nhân ở Việt Nam, nhưng vì chọn con đường nhập cư bất hợp pháp, nên phải chấp nhận làm rửa chén, trồng rau củ, thậm chí cậy sò. “Nghề cậy sò được khá nhiều người lao động trái phép chọn bởi tuy làm theo mùa nhưng thu nhập cao hơn các nghề khác.

Nhưng thường mùa sò là mùa lạnh, thử tưởng tượng, trời lạnh cắt da thịt, nhưng phải ngâm tay trong nước cậy vỏ sò, có những người làm được một thời gian tay nứt toác ra, chảy máu, không thể làm được nữa. Thế nhưng, những lao động ấy cũng chỉ biết nuốt cơ cực cho mình, để người nhà có thể yên tâm cầm đồng tiền đẫm đắng cay của họ mà không trăn trở.

Ấy thế nên gia đình ở quê hương nào đâu có hiểu, ngoài việc liên tục thúc giục gửi tiền thật nhiều, thật nhiều về, tiêu xài thoải mái, còn khoe khoang khắp nơi… Và gia đình này tạo áp lực cho gia đình khác, thúc ép con mình bước vào con đường “xuất ngoại” đầy chông gai, tủi khổ ấy”, chị Thùy Nhi trăn trở.

Thế nhưng, khổ cực chưa phải là tất cả. Điều đáng nói là chất lượng cuộc sống nơi xứ người mà những lao động nhập cư đang thụ hưởng. Xa quê hương, cách biệt văn hóa, chỉ biết cắm mặt kiếm tiền, thiếu đời sống tinh thần, áp lực tiền bạc từ chính những người thân nơi quê nhà… Nhiều lao động Việt đã đứng trước một cuộc sống nội tâm bếp bênh, không tương lai.

Từ đó, họ sa vào các thú vui thiếu lành mạnh, như rượu chè, ngoại tình, cờ bạc… Mới đây, tại Hàn Quốc, đã xảy ra hàng loạt vụ việc người Việt nhập cư bị vỡ nợ vì cờ bạc, mà con số nợ lên đến vài chục tỉ đồng. Có những người giấu gia đình ở quê đến cùng, chỉ đến khi bị truy sát gia đình mới được biết. Có người không chịu được áp lực nợ nần phải tự tử.

Hy sinh để được gì?

Ép con “hy sinh” để xuất ngoại, nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ rất đơn giản là đi nước ngoài sẽ kiếm tiền nhanh hơn, cuộc sống nước ngoài cũng sung sướng, đầy đủ hơn Việt Nam. Về phía những người con, có người mong muốn ra đi, có người chấp nhận vì gia đình thuyết phục và có cả những người bị ép buộc.

Nhưng ai trong số họ cũng mang theo kì vọng đổi đời, làm giàu nhanh, có thể báo hiếu gia đình. Họ không có đường lùi. Phía sau là kì vọng, áp lực của gia đình. Là số tiền gia đình đã vay mượn để làm dịch vụ xuất khẩu lao động, hoặc làm hồ sơ kết hôn, hoặc thủ tục du lịch. Phía trước là một tương lai mà họ kì vọng là tốt đẹp.

Hầu hết, hành trang của họ là áp lực, mơ ước và tưởng tượng. Chẳng có mấy ai được trang bị những kĩ năng và hiểu biết khi sống, làm việc tại một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Thế nên, họ loay hoay thích ứng, hoang mang sống, bấu víu vào một tương lai vô định. Lớp trước đi, mang tiền bạc về, tạo ra một lớp sau với nhiều so sánh và ảo vọng, lại ôm ước mơ “lên đường”.

“Nhiều người hỏi tụi em đi như vậy chắc sung sướng, hạnh phúc lắm, đến sống ở đất nước giàu có mà. Với những câu hỏi như thế, chỉ biết cười cười mà thôi. Thôi thì phận mình mình biết. Kể làm sao mà hết được, những mùa đông lạnh dưới 0 độ, nhưng ít tiền, phải chen chúc nhau trong căn nhà không có máy sưởi, lạnh đến cắt thịt, cắt da, nước mắt rơi ra mà muốn đông thành đá.

Kể làm sao hết được, chuyện đi khuân vác ở cảng, nặng đến sụn lưng, chủ thì chửi cho như không phải con người. Cũng không thể kể hết chuyện người Việt mình tự kèn cựa, giành miếng ăn với nhau mà đánh nhau toác đầu chảy máu, hoặc lén báo cảnh sát bắt đồng hương nhập cư trái phép. Nhưng, có lẽ không có gì buồn bằng những giấc mơ.

Khi nằm ngủ, mơ thấy những con đường quê hương tràn nắng ấm, những gương mặt người nhà, hình dáng người yêu cũ. Nhớ đến những ước mơ tuổi trẻ của mình bị đánh rơi mất rồi. Ở đây không biết đến ngày tháng nào...”. Đó là tâm sự của Nguyễn Minh Trung, chàng trai quê Bình Thuận, trốn sang Hàn Quốc theo con đường du lịch.

Trung từng học dở dang Đại học Tôn Đức Thắng, từng mơ ước là kĩ sư điện. Nhưng nhà Trung nghèo, họ hàng sang Hàn Quốc nhiều người đã đổi đời, nên cha mẹ muốn Trung đi, mở đường cho các em sau này…

Chỉ những người như Mỹ, Nhi, Trung biết, đời sống người lao động nhập cư nào có sung sướng gì. Sự hy sinh của họ có thể đem lại cho gia đình thêm một vài tầng lầu, thêm nhiều đồng tiền, sống rủng rỉnh. Nhưng, cái họ mất đi nhiều không kém. Đó là những ngày tháng sống bình yên, hạnh phúc. Đó là những giấc mơ mà tuổi trẻ ai cũng từng có. Đó là việc chấp nhận một cuộc sống không có ngày mai…

Ở Việt Nam, không thiếu những “xóm Hàn Quốc”, “xã Đài Loan”, hay “làng châu  u”, nơi có những đứa con phải ra đi vì gánh trên vai hai chữ “hiếu thảo” như thế. Khi mà, từ bao đời nay, người Việt ở các miền quê vẫn còn khá nặng nề với tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”, “con gà tức nhau tiếng gáy”… Bởi thế, vì gia đình, những người trẻ đã phải “đâm lao”, họ không còn cuộc sống của riêng mình, cho những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ…