Bộ cấm vẫn cố treo biển “Gia đình văn hóa”

Mặc dù từ năm 2010, Bộ VHTTDL đã có quy định không treo và tiến hành tháo gỡ biển “Gia đình văn hóa” tại các địa phương trên cả nước. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tại nhiều hộ gia đình, đơn vị ban ngành của huyện này vẫn đang tồn tại biển hiệu Gia đình văn hóa và Đơn vị văn hóa.

Dù từ năm 2010, Bộ VHTTDL có quy định không treo và tiến hành tháo gỡ biển “Gia đình văn hóa” tại các địa phương trên cả nước. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tại nhiều hộ gia đình, đơn vị ban ngành của huyện này vẫn đang tồn tại biển hiệu Gia đình văn hóa (GĐVH) và Đơn vị văn hóa (ĐVVH).

Việc làm này không những trái với quy định của Bộ mà còn gây ra sự phản cảm, bức xúc trong dư luận. Cụ thể, ngày 15/3/2010 Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 785/BVHTTDL - VHCS gửi Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc yêu cầu không gắn biển GĐVH.
Theo đó, Bộ VHTTDL yêu cầu các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có văn bản chấn chỉnh việc này, không thực hiện việc treo biển GĐVH. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn 1313/VPCP-TCCV thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, kiểm tra, đánh giá việc gắn biển GĐVH tại một số địa phương.
Năm 2005, huyện Hương Sơn đã tiến hành treo biển tập trung ở các khối 1, khối 2, khối 3, khối 4, khối 5 với hơn 500 hộ gia đình và đơn vị được gắn biển GĐVH và ĐVVH trước cổng. Ngoài việc treo biển cho các hộ gia đình thì huyện Hương Sơn còn treo biển ĐVVH cho các trường học và một số ban ngành.  
Một người dân ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn cho biết thấy phiền phức với biển “Gia đình văn hóa” của nhà mình.
Tuy nhiên, việc làm này đã nhận được rất nhiều ý kiến không đồng tình của người dân. Việc làm biển được huyện giao cho các khối để vận động người dân. Để làm một tấm biển các khối phải tự đi thuê người, đặt biển, rồi thuê người tới lắp ráp. Mỗi tấm biển như vậy người dân phải đóng 20 nghìn và lấy thêm kinh phí từ các khoản đóng góp của người dân. 
Một người dân ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn là một gia đình văn hóa từ nhiều năm nay cho biết: “Gia đình văn hóa thì miễn sao trong ấm ngoài êm, gia đình hạnh phúc là được. Không nhất thiết phải treo biển phô trương như vậy. Vừa lãng phí, vừa phiền phức, gây áp lực cho người dân”.
Theo quy định của pháp luật  thì 3 năm tiến hành bình xét gia đình văn hóa một lần. Chính vì vậy, mà năm nay gia đình này được công nhận là gia đình văn hóa nhưng 3 năm sau vì một lý do nào đó không giữ được danh hiệu, nên nhiều khi xảy ra tình trạng “gia không đạt danh hiệu nhưng vẫn có biển GĐVH”.
Ông Tống Văn Khiên, khối 4, thị trấn Phố Châu cho biết: “Việc treo biển trước cổng cũng là một việc tốt nhưng nó vẫn còn nhiều hạn chế. Việc năm nay treo biển năm sau lại tháo vì mất danh hiệu hết sức phiền phức.
Ông Lê Nhật Tân - Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Sơn cho biết: “Ban đầu chúng tôi chủ trương gắn biển cho những GĐVH, ĐVVH cũng chỉ nhằm mục đích khuyến khích động viên các gia đình phấn đầu xây dựng gia đình văn hóa, tiến tới khối văn hóa nhưng trong quá trình tiến hành đã bộc lộ nhiều bất cập bởi danh hiệu gia đình văn hóa không có tính bền vững cao”. 
Biển “Đơn vị văn hóa cấp tỉnh’ được gắn ngay trước cổng một cơ quan lớn trong huyện
Ông Tân cũng cho biết thêm năm 2010 đã nhận được công văn của Sở VHTTDL Hà Tĩnh yêu cầu tiến hành ra soát lại toàn bộ và phải tiến hành tháo bỏ tất cả những tấm biển đang được treo ở nhà dân để tránh gây phản cảm và lãng phí. Gần đây Sở VHTTDL Hà Tĩnh cũng có liên hệ với  phòng Văn hóa huyện nhắc nhở lại công văn và yêu cầu việc tháo biển. Cũng theo ông Tân thì việc tháo gỡ không phải là quá khó khăn phòng đã có phương án và đã tháo gỡ một số nơi.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, ngay trước cổng các công trình trực của huyện thuộc đáng lẽ phải "đi đầu” tháo dỡ từ những năm 2010 như: huyện ủy, phòng GDĐT huyện Hương Sơn nhưng vẫn đang treo biển ĐVVH. Bên cạnh đó tại các hộ gia đình vẫn đang tồn tại biển GĐVH. Câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra đó là dù đã có quy định từ năm 2010 nhưng không hiểu vì sao đến thời điểm hiện tại những tấm biển trên vẫn đang tồn tại gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân? .
Phan Quyên

Đọc thêm