Bố chánh Nguyễn Thông: Quan lộ thăng trầm vẫn yêu nước thương dân

(PLO) -Dẫu gia cảnh bần hàn, nhưng không ngăn được chí lập thân, lập nghiệp của Nguyễn Thông. Dù chỉ là ông cử, nhưng quan họ Nguyễn vẫn đủ sức thi thố tài năng ở đời, để lại tiếng thơm với hậu thế. 
Chân dung Nguyễn Thông
Chân dung Nguyễn Thông

Việt Nam danh nhân từ điển tóm lược tiểu sử, sự nghiệp của Nguyễn Thông (1827-1884) là “Tự Hi Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. Danh sĩ dưới triều Tự Đức. Người Gia Định (Nam phần). Đỗ Cử nhân năm 23 tuổi (1849; Tự Đức thứ hai); làm quan đến chức Bố chánh”. 

Ấy nhưng, để có danh vị ấy, văn nhân họ Nguyễn phải cố gắng hết mình chứ chẳng vài dòng mà tỏ hết được đời ông. 

Mầm xanh vươn lên trên khô cằn

Tên thật của Nguyễn Thông theo Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ cho hay, là Nguyễn Thới Thông. Lúc nhỏ, lại có tên là Chiểu. Quê ông, ở thôn Bình Thanh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường, nay thuộc đất Long An. 

Về đường xuất thân, cha Nguyễn Thông là nhà Nho nghèo Nguyễn Hanh, mẹ là Trịnh Thị Mầu. Thuở nhỏ, Thông được cha kèm cặp, dạy dỗ, nên chí lập thân cũng nảy nở sớm. Theo lời kể trong Những danh sĩ miền Nam, tương truyền mỗi khi nghe cha đọc một bài thơ nào đó, hỏi lại Thông đều nhớ, thuộc vanh vách. Tiếc rằng, cha mất sớm, nên việc học của Thông có thời gian bị gián đoạn.

Cái chí học hành của Nguyễn Thông, thật đáng quý, như lời ghi trong Giai thoại làng Nho, thì “nhà rất nghèo, nhưng chí hiếu học, ông nhờ người làng chu cấp cho mới có phương tiện sôi kinh nấu sử”. Theo Tác phẩm Nguyễn Thông, có lược qua cuộc đời ông, cho hay rằng năm Bính Ngọ (1846), Nguyễn Thông ra Huế “sôi kinh nấu sử”. 

Khoa thi Hương năm Kỷ Dậu (1849), chàng trai 23 tuổi thi đỗ Cử nhân tại trường thi Gia Định. Năm ấy trường thi Gia Định lấy đỗ 17 người, Nguyễn Thông là Á khoa, sau Võ Thế Tri. Chứng cứ còn được chép trong Quốc triều Hương khoa lục:

“Nguyễn Thới Thông (đổi là Nguyễn Thông). Người thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh. Làm quan tới chức Bố chánh Quảng Ngãi, bị cách, được phục hàm Quang lộc tự thiếu khanh sung Phó sứ Điển nông…”.

Đến khoa thi Hội năm Tân Hợi (1851) “bài Chiếu, bài Biểu và bài Luận của ông ở kỳ đệ tam rất xuất sắc xong chẳng may, quyển thi bị lấm mực, không hợp thức nên bị đánh hỏng”. Theo Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long, một số người đọc bài thi của ông, “thấy văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên tiếp tục học”.

Dẫu không ghi danh tiến sĩ, nhưng ông cử họ Nguyễn vẫn là một người tài năng, học vấn uẩn súc chẳng kém cạnh ai. Vì nhà nghèo, nên sau dạo ấy, Nguyễn Thông dừng hẳn việc đèn sách như tiền nhân lâu nay, mà bước chân vào chốn quan trường triều Nguyễn. 

Sách của Nguyễn Thông
Sách của Nguyễn Thông

Ông tú làm quan

Ban đầu, Nguyễn Thông nhận chức Huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang. Trong Nguyễn Thông, con người và tác phẩm còn ghi lại: “Trong thời gian bốn, năm năm ấy, ông tích cực giảng dạy, xây dựng lại văn miếu, liên lạc với Trịnh Quang Nghị, theo dõi cuộc chiến đấu của Trương Định, đồng thời liên lạc với những sĩ phu các tỉnh miền Đông, không sống được trong đất bị địch chiếm đóng, dời gia đình về các tỉnh miền Tây”. Ấy là thời gian ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc Pháp.  

Làm Huấn đạo 7 năm, Nguyễn Thông được triều đình triệu về kinh làm việc ở Nội các. Chính ở đây, ông tham gia biên soạn sách Nhân sự kim giám. Sau đó, ông về dưới quyền của Tổng thống quân vụ đại thần Tôn Thất Cáp cùng chống thực dân Pháp xâm lược, được tín nhiệm lắm.

Sau, Nguyễn Thông được cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long. Ở đâu ông hiện diện, ở đó tiếng tốt lưu dấu. Tại đây, nhân sĩ Lục tỉnh dựng văn miếu thờ Khổng Tử, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ ghi “ông bèn tập hợp học trò đến đó giảng dạy”.

Nhờ đó mà “sau mấy năm sĩ tử Nam Kỳ lo vác súng đánh giặc, việc học bị phế khoáng, nay lại nghe tiếng đọc sách, bình thơ”. Ở đất Vĩnh Long, ông còn cùng Phan Thanh Giản cải táng mộ nhà giáo Võ Trường Toản từ vùng giặc chiếm về đất Vĩnh Long. 

Sau khi Vĩnh Long mất vào tay giặc, ông đưa gia đình “tị địa” ra Bình Thuận năm Đinh Mão (1867) rồi được bổ làm Án sát Khánh Hòa. Đến năm sau triều đình triệu về kinh giữ chức Biện lý bộ Hình.

Rồi bổ làm Bố chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi, được tiếng là thanh liêm, cương trực nên bọn cường hào ghen ghét, vu oan. Năm Quý Dậu (1873), chán cảnh quan trường, ông xin tạm nghỉ, lập thi xã ngâm vịnh nhưng năm sau triều đình lại triệu ra làm Tư vụ, Chủ sự ty Thù ứng thuộc bộ Lễ. 

Dẫu sinh trưởng đất Tây Nam đất nước, nhưng ông có duyên với Bình Thuận. Lúc làm Dinh điền sứ, lúc Bố chánh tỉnh. Năm Kỷ Mão (1879), theo Liệt truyện “ở địa phương có dân Mọi nổi lên, nhà vua sai ông với Điển nông sứ Phan Trung xử trí. Khi việc đã yên, ông được thăng hàm Hồng lô tự khanh giữ chức Điển nông phó sứ kiêm việc học chính”. 

Nghiệp quan trường của ông lúc lên, lúc xuống, lúc trắc trở vì cương trực, nhưng ông không lấy làm buồn, vẫn một lòng vì quốc dân, đại cuộc. Nhận xét về ông, Đại Nam chính biên liệt truyện viết “Nguyễn Thông học vấn sâu rộng, những điều tâu lên tỏ ra là người có kiến thức, các quan trong triều đều quý trọng”. 

Điều trần đổi mới

Dẫu là người xuất thân từ giáo dục Nho học, nhưng Nguyễn Thông có cái nhìn thực tế vào hiện tình đất nước chứ không thờ ơ với thời cuộc như nhiều đồng liêu đương thời. Năm Mậu Thìn (1868), ông dâng lên vua Tự Đức tờ sớ điều trần bốn việc ích nước lợi dân. 

Xét việc bổ nhiệm quan lại chủ yếu gửi gắm, tập ấm dẫn tới chất lượng kém, tham ô nhũng lạm, ông đề nghị việc bổ nhiệm “nếu có khuyết thì bộ Lại phải xét trước những người đáng được điều bổ, phẩm hàng ngang nhau thì xét hạnh kiểm, hạnh kiểm ngang nhau thì xét tài năng, tài năng ngang nhau thì xét công trạng tùy theo thứ tự tâu lên để được bổ dụng”. Việc này quy trách nhiệm ở tinh thần của bộ Lại rất nhiều. 

Di tích Mộ Nguyễn Thông trên đất Bình Thuận
 Di tích Mộ Nguyễn Thông trên đất Bình Thuận

Đối với việc binh bị, võ lược, nhận thấy đương lúc ngoại xâm, cần kíp phải xem việc võ là đứng đầu, trong khi đó quan coi việc binh chủ yếu là quan văn, gặp giặc thì nhát sợ, nên Nguyễn Thông “khẩn khoản xin nên xét xem các vị võ quan ai có dũng lược thì cất lên cho làm chủ tỉnh, chuyên coi việc quân, được quyền tiện nghi hành sự, được hưởng lộc cao hậu, để họ vừa có oai, vừa có ân, thì quân lính mới phấn khởi, ngoài dẹp yên giặc cướp, trong giữ vững đất đai, để dần dần lo tính mưu kế hoàn thiện”. 

Lại bởi tiền tài, ngân khố quốc gia không đủ chi dùng, thì nước không có tiềm lực, ông đề nghị giao trách nhiệm cho bộ Hộ tư cho các địa phương kê những sản vật, khám xét thực để không sót thuế, tăng mối lợi cho tài chính quốc gia. Thấy hình phạt có phần làm dân sợ, ông chỉ rõ “chính sách khoan hậu thi hành thì ân huệ phổ cập, mà ân huệ phổ cập thì lòng người mừng vui”. 

Bốn điều trần ấy, thể hiện tấm lòng vì quốc dân của Nguyễn Thông. Vua tiếp nhận những lời gan ruột, giao cho các quan đại thần xét duyệt tính khả thi. Tuy nhiên sau đó, bốn đề xuất ấy không được chấp thuận.

Về sau, Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long còn cho biết, ông có thêm những đề xuất nữa, và “có hai việc ông đề xuất được triều đình chấp thuận: tổ chức trồng cây và định rõ việc học sử cũng xin ban cấp sách học các trường”...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 74, ngày 10/10/2016)

Đọc thêm