Bố có còn yêu mẹ con không?

(PLO) - "Mỗi lúc nhìn bạn bè có bố đến trường đón đưa, nộp tiền học phí, con lại chạnh lòng, con cũng muốn được như các bạn, nhưng mẹ bảo con phải biết bằng lòng với những gì con đang có. Mà con biết, những gì con đang có là của mẹ chắt chiu dành cho con, là cả tuổi thanh xuân của mẹ, bao đắng cay, mẹ đã nuốt hết vào trong, để mỗi ngày, chăm sóc con với tất cả ngọt ngào"...
Bố có còn yêu mẹ con không?

1.Con nhớ, một ngày nào đó xa lắc, hình như con mới 3-4 tuổi gì đó, mẹ về nhà với đôi mắt sưng mọng, mẹ ôm con thì thầm "lẽ ra mẹ sẽ làm những điều thật dại dột, nhưng vì con, mẹ không thể, từ hôm nay, con phải chịu khổ cùng mẹ rồi". Thằng bé ham ăn là con lúc ấy, cười vô tư trong lòng mẹ, thấy cây kẹo xanh đỏ mẹ đưa cho vẫn ngọt lìm lịm.

Các dì và bà ngoại kể, năm đó, mẹ phát hiện bố có người phụ nữ khác, mẹ không đánh ghen, không nói bố câu nào nặng lời, chỉ lẳng lặng viết một lá thư, gói vào giỏ quần áo, gửi con về bà ngoại, rồi mẹ phóng xe đi. Hàng xóm nhà ngoại bảo thấy mẹ đi như mơ ngoài đường, nước mắt ròng rã. Bà ngoại sợ lắm, huy động cô dì chú bác đi tìm, sợ mẹ nghĩ quẩn. Tìm hoài không gặp, bà suýt ngất vì sợ thì mẹ về, mẹ ôm con và bảo mẹ đã nghĩ thông rồi, mẹ vì con, mà không phí phạm bản thân.
Mẹ viết trong nhật ký, khi mẹ ra bờ sông thông thốc gió, khi dòng nước lạnh ngắt trước mặt mẹ, mẹ chỉ thấy hình ảnh con, bé nhỏ, ngây ngô cười hắc hắc sau xe mỗi lúc mẹ đón con từ trường mẫu giáo về. Là bàn tay nhỏ xíu của con ôm lấy cổ mẹ trong những đêm thanh vắng chỉ có hai mẹ con trong ngôi nhà sang trọng, rộng rãi mà thiếu hơi ấm bởi tần suất trực đêm của bố mỗi ngày một nhiều hơn...
2. Ký ức tuổi thơ con là những lần chuyển nhà. Mẹ rất hay chuyển chỗ ở. Sau lần đi ra khỏi nhà của bố, mẹ đưa con về bà ngoại ở một năm, rồi thương bà bị hàng xóm dị nghị "sao lại bỏ chồng", mẹ quần quật làm việc để mua một căn chung cư nhỏ xa lắc xa lơ. Mỗi lần từ nhà về bà ngoại mất 2 giờ đi xe máy.

Hai năm sau, con đi học lớp 1, mẹ bảo phải học trường tốt, thế là mẹ bán nhà cũ, chắt chiu dành dụm, vay nợ bạn bè, mua một căn chung cư nhỏ ở gần trường con học. Quãng đường về bà ngoại cũng gần được hơn 1 nửa, chỉ 1 giờ  là về được bà. Mẹ làm thêm nhiều hơn, đi công tác nhiều hơn, cặm cụi kiếm từng đồng, từng hào để nuôi con ăn học, không muốn con thiếu thốn bất cứ thứ gì. Từ một cô gái tươi tắn, trẻ trung, mẹ trở thành người phụ nữ gương mặt hằn những lo toan, không đêm nào thấy mẹ ngủ đủ 8 tiếng, thường thì mẹ dỗ con ngủ lúc 10 giờ tối rồi 3 giờ sáng mẹ lại trở dậy, rón rén bật đèn bàn và ngồi làm việc trước máy tính cho tới sáng. Nhiều hôm, con tỉnh dậy vì thiếu hơi mẹ, thấy bóng mẹ in trên tường, cô đơn và cô độc, cái bóng ấy cũng có lúc ngủ gục trên bàn, dưới ánh đèn vàng heo hắt, tóc mẹ cứ mờ đi...

 
3. Con tốt nghiệp tiểu học, lên trung học cơ sở, mẹ lại đôn đáo chuyển nhà thêm một lần nữa vì mẹ bảo xung quanh nhà không có trường cấp 2 tốt. Lần chuyển nhà thứ 3, mẹ bảo mẹ yên tâm rồi, ở đây thuận tiện cả cấp 2 và cấp 3, mẹ sẽ không chuyển nhà nữa. Có một điều mẹ không nói nhưng con biết, ngôi nhà thứ 3 này thật gần với nhà cũ của bố, nơi con đã sống cùng bố và mẹ. Bà ngoại bảo mẹ chuyển nhà về gần nhà bố để bố có thời gian đến thăm con nhiều hơn. Bố có biết điều đó không, con nghĩ có lẽ là không vì dù con ở nhà cũ, nhà số 2 hay nhà hiện tại, mỗi năm, bố cũng chỉ đến thăm con với số lần đếm được trên đầu ngón tay. 
Con nhớ bố, nhưng con không dám nói với mẹ, con sợ mẹ buồn, con muốn mẹ được an nhiên để tin rằng con như vô số bạn bè khác ở lớp, là con của những người mẹ đơn thân, của những gia đình không trọn vẹn, đều có thể hạnh phúc theo cách của riêng mình. Nhưng mỗi khi nhìn bạn bè có bố đến đón hoặc nộp tiền học, mỗi lần thấy bạn theo bố đi đá bóng, đánh cầu lông, chơi bóng bàn vào ngày chủ nhật, con lại chạnh lòng, con lại mong được một lần như thế. Mẹ bị đau chân, thoái hóa đốt sống cổ và lưng, mẹ quay người còn khó, đừng nói chơi được cầu lông hay bóng bàn. Mẹ chẳng biết gì về đá bóng, mỗi lần đi xem lớp con đá bóng hoặc xem con chơi bóng rổ, mẹ vỗ tay cả khi đội bạn ghi bàn, và con đá rất tệ mà mẹ vẫn khen nức nở dù con biết tỏng mẹ không hiểu vì sao mấy chục người lại tranh nhau một quả bóng để làm gì.
Bà ngoại bảo bố bận rộn lắm và sức khỏe của bố gần đây sa sút nhiều, đó là lý do bố không thường đến thăm con. Mỗi lần con điện thoại hỏi thăm, bố lại hỏi con học có giỏi không và có muốn gì không? Con chỉ muốn nói với bố rằng con không thiếu thốn gì cả, mẹ đã lo lắng cho con rất đủ đầy, con học giỏi bởi vì mẹ nói với con nếu con yêu mẹ, con không phải nói gì cả, hãy bằng hành động để mẹ biết và ở tuổi của con, hành động thiết thực nhất để mẹ biết con yêu mẹ là con luôn phải cố gắng học tốt...
4. Năm nay, trường học của con có một chương trình "viết thư bày tỏ ước nguyện đầu năm", các bạn con ước nhiều lắm, đa số mơ được đi Hồng Kông và Mỹ. Con viết lên bức thư của mình một dòng ngắn ngủi: "bố! con ước mùa xuân này bố khỏe lại, con ước đêm giao thừa nhìn thấy bố lúi húi giúp mẹ con làm cỗ (hình ảnh Tết cuối cùng con còn nhớ được hồi ở nhà cũ cùng bố). Và khi tiếng pháo hoa lục bục nổ phía xa, màn hình ti vi rực rỡ chào năm mới, con muốn hỏi bố một điều "bố có còn yêu mẹ và con không"?...
(Bức thư "giấu trong ngăn bàn học" của một cậu bé 12 tuổi...) 

Đọc thêm