1.Trong phim “Pursuit of happiness”, vào lúc tuyệt vọng nhất Chris Gardner đã thốt lên rằng, anh hiểu tại sao bản tuyên ngôn độc lập lại viết là “mưu cầu hạnh phúc”, vì làm gì có hạnh phúc thật. Người ta chỉ mưu cầu điều đó như một thứ ảo ảnh đẹp đẽ thôi. Sau đoạn tuyệt vọng, anh ấy vẫn bước tiếp và đến đoạn đời mang tên hạnh phúc. Và rồi anh ấy ngộ ra trong phim đó, anh ấy nói với nhà tuyển dụng rằng: “Khi tôi không biết thì tôi sẽ nói là không biết. Nhưng tôi biết cách tìm câu trả lời và tôi sẽ tìm ra nó”.
Dường như ai cũng thế, có quá nhiều câu hỏi và những khúc mắc đời mình, rồi bằng cách nào đó, sẽ có đáp án thôi! Bởi ai rồi cũng phải “chết” trong lòng một ít, theo thời gian. Có khi chết lặng quá đỗi bất thình lình. Lại có khi “chết” từ từ, mỗi ngày một chút, khi mỗi con người mải mê với những hào nhoáng xa xôi! Hay đơn giản là không còn thành thật với chính mình! Thế nên, có những đoạn, những khúc quanh co, những ngã rẽ, khi chiếc ly của mình đã cạn, bạn chẳng muốn rót thêm những trăn trở vào đời. Một người chị bảo, khi có quá nhiều câu hỏi, ừ thì chỉ cần quên không trả lời là xong. Có ai đòi đáp án từ mình đâu! Giống như một buổi chiều ngơ ngẩn, bạn tự thắc mắc rằng, có phải mình được lắp não của ai đó khác vào cơ thể này không? Hình như não của mình chỉ là một nhúm kẹo bông. Hình như mình chỉ là một đám mây ngớ ngẩn, cứ bồng bềnh trôi qua cuộc đời!
Và khi, bạn đã “mất” nhiều thứ, thì những buông bỏ, tùy duyên, những thứ ở một năm tháng nào đó, là không thể, thì tới một ngày, tất cả nhẹ bẫng như đóa bồ công anh trước gió. Dường như, có quá nhiều những tiêu chuẩn và sự va chạm khiến việc ở lại hay rời đi, trở thành khó đoán đến mức, phải dựa cả vào hai chữ: tuỳ duyên. Những gì từng làm mình vui, đôi khi thời gian lại biến điều đó thành thứ làm mình đau. Đâu ai biết trước được tương lai. Ăn một trái táo như cắn vào quả của cây đời, cái giá là ngã khỏi thiên đàng. Nhưng chẳng ai chối từ…
Vào một ngày nào đó, bạn không phán xét người khác, không phải bởi bao dung. Chỉ là sự hiểu chuyện đến sau khi bạn từng phải khó nhọc bước tiếp như thế... Chuyện chuẩn bị quá kỹ lưỡng cho cuộc đời, một vài ngày xấu trời có thể bỏ quên. Không một ai mãi mãi chuẩn bị đủ kỹ càng, sâu sắc. Có nhiều lát cắt của sự thật mà đứng mãi ở phía của những người an toàn, bạn chẳng bao giờ thấy được. Thế nhưng, rất nhiều những hình ảnh những lát cắt cũng vỡ vụn sau mỗi lần nhớ về một ai đó, một không gian nào đó, một sự việc nào đó, một đoạn đường nào đó, ngoảnh đi ngoảnh lại, cũng xong một đời người…
2. “Khi phụ nữ uống trà, đàn ông nên cẩn thận”, là tên một tựa sách gây chú ý. Phụ nữ uống trà thì sao đàn ông phải cẩn thận?! Ai cũng hiểu, ngọt ngào, chịu đựng nhất là phụ nữ. Mà cay nghiệt hay tàn nhẫn nhất cũng là lòng dạ đàn bà. Các anh nên cẩn thận vì chỉ một chút lỡ làng, cô ấy sẽ tổn thương. Đàn bà khi lạnh lùng, thì chẳng tưởng tượng được mức độ sắt đá và cả sự chịu đựng bền bỉ của cô ấy đâu. Phụ nữ, điều còn lại sau cùng là tình cảm, những cảm xúc sẽ bộn bề hay tĩnh lặng theo thời gian. Cô ấy có thể vì yêu thương mà làm tất cả với niềm vui, ấm áp. Chẳng người phụ nữ nào mang trên đôi vai mình hai từ “hy sinh” khi cô ấy còn có thể yêu thương cả. Cô ấy làm mọi thứ với khả năng làm ấm một căn nhà, làm đầy một cái bụng đói và xoa dịu trái tim thổn thức chỉ với một ly trà ấm. Sự dịu dàng luôn có sẵn trong nó những niềm vui, không phải đánh đổi hay cố làm hài lòng ai. Nếu thế giới chỉ toàn đàn ông, hẳn nhiên mọi sự sẽ thật chán. Các anh sẽ chẳng đánh giặc, làm thơ, nữ sỹ Xuân Quỳnh bảo thế.
Phụ nữ uống trà thường biết trở nên tĩnh lặng đúng lúc. Chờ một chén trà được nước, đầy kiên nhẫn, chậm rãi thưởng trà, như một cái thú tĩnh tại mà tự biết yêu mình! Khi ấy, thương cho đôi tai đối phương. Rằng, cô ấy biết cách làm bạn tri âm. Không gì quý hơn sự im lặng của phụ nữ, cả sự đáng sợ của cô ấy nảy sinh trong im lặng.
Thầy Thích Nhất Hạnh từng viết: “Nếu bạn bỏ một nhúm muối vào trong một cốc nước, nước trở nên không uống được. Nhưng nếu bạn bỏ muối vào trong một dòng sông, chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng nước để nấu ăn, giặt giũ và uống nó. Dòng sông thì rộng lớn. Nó có khả năng nhận, giữ, chuyển hóa. Khi trái tim của chúng ta nhỏ bé, sự thấu hiểu, lòng thương cảm của chúng ta bị giới hạn. Chúng ta đau khổ. Nhưng khi trái tim chúng ta rộng mở, những thứ như thế không khiến chúng ta đau khổ thêm được nữa. Chúng ta có nhiều khả năng thấu hiểu, lòng thương cảm hơn và có thể gắn bó với những người khác. Chúng ta chấp nhận người khác bởi chính bản thân họ. Sau đó, họ có cơ hội để thay đổi”… Thế nhưng, đôi khi chúng ta phải chờ đợi rất lâu, khi trải qua rồi mới biết, những câu trả lời, những đáp án luôn chỉ mang tính thời điểm! Và cuộc đời, cũng chỉ để sống, ngắn ngủi, vô thường! Vậy nên, mỗi con người, nhất định chỉ là người đó, những lựa chọn ấm áp để bạn không phải kiễng chân, không còn là chính mình. Sống thôi mà, đơn giản như nhìn vào đôi mắt trong veo của mỗi đứa trẻ mà thôi…