Bố của một trẻ được gọi “thần đồng” nói về bé Nhật Nam

"Lúc nào cũng nhìn các cháu như con cái để dạy dỗ, không vừa ý là mắng mỏ thì rất khó thừa nhận các khả năng riêng của các cháu. Thời đại đã khác rồi, người lớn cần phải thích ứng với quá trình trưởng thành của đứa trẻ ở thời đại mới", nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa - cha của cậu bé Nguyễn Bình - người cũng được dư luận coi là “thần đồng”, trao đổi xung quanh hiện tượng Nhật Nam bị cư dân mạng "ném đá".

[links()]Sau hiện tượng cháu bé Đỗ Nhật Nam bị cộng đồng mạng chỉ trích vì câu nói “Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, rất nhiều người tỏ ra bất bình bởi cách nhìn phiến diện của một số người. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa - phụ huynh của cậu bé Nguyễn Bình - người cũng được dư luận coi là “thần đồng” trao đổi những vấn đề liên quan:

- Thưa ông, ông nhận xét thế nào về câu nói của bé Đỗ Nhật Nam trong đoạn clip phỏng vấn em bé này tại Hội chợ sách TPHCM 2012?

- Trong video clip, Nhật Nam nói rằng: “Em không thích đọc truyện tranh, vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Như vậy, chúng ta thấy nhận định “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” là của mẹ Nhật Nam, chứ không phải của Nhật Nam.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa

Mà mẹ Nam nói như thế là nói với con mình, chứ không phải nói với mọi trẻ em khác. Ai đó thấy cần phê phán thì hãy phê phán mẹ của Nhật Nam, chứ không được phê phán Nhật Nam.

Thêm nữa, nếu ai đã đọc cuốn tự truyện Tớ đã học tiếng Anh như thế nào, sẽ thấy Nhật Nam viết thế này: “Mà các ấy biết không, người lớn không thích chúng mình đọc truyện tranh nhiều đâu. Mẹ tớ còn gọi những quyển truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn” - nghe ghê thế! Mẹ thích tớ đọc truyện cổ tích, truyện khoa học... Nhưng dù sao thì thỉnh thoảng đọc truyện tranh chắc cũng không đến nỗi bị đục phá gì đâu (mong là mẹ không đọc chỗ này)” (Đỗ Nhật Nam - Tớ đã học tiếng Anh như thế nào, NXB Dân trí và Cty cổ phần sách Thái Hà, H.2012, tr.19).

Đó là tâm sự rất ngây thơ, hồn nhiên, chứng tỏ dù mẹ có nói như thế thì Nhật Nam đâu có hoàn toàn “kỳ thị” truyện tranh.

Rất tiếc là nhiều người chỉ nhằm vào một câu nói không phải của cháu để “ném đá” và tôi thấy quá bất công, nếu không nói là thiếu chín chắn. Là người lớn, muốn phê phán một cháu bé trước công luận thì phải xem xét cho kỹ, không được vì một câu nói không phải của cháu mà làm tổn thương một đứa trẻ.

Mọi người lớn muốn trẻ em trở thành người tử tế, có khả năng làm việc, thì trước hết hãy là những tấm gương. Đừng đòi hỏi một đứa trẻ phải làm những điều mà chính mình cũng chưa làm được. Những người phê phán cháu Nhật Nam sẽ ứng xử thế nào, nếu một ngày bản thân họ hoặc con cái họ bị “ném đá” như thế?.

- Việc dư luận “ném đá”, chê trách Đỗ Nhật Nam, đứa trẻ mới 11 tuổi như thế có là quá đáng?

- Theo tôi là không nên, hoàn toàn không nên. Muốn các cháu kính trọng, chúng ta cần phải ứng xử cho đàng hoàng. Videoclip này xuất hiện lâu rồi, giờ người ta mới lôi ra, rồi hè nhau “ném đá”. Và khi “ném đá”, người ta quên rằng, có phải cháu Nhật Nam tự kể đâu, phóng viên phỏng vấn thì cháu trả lời.

Mà trẻ em thì nghĩ gì nói nấy, đâu biết tự “biên tập” trước khi nói như người lớn chúng ta. Ấy là chưa nói, nếu phóng viên hỏi mà Nhật Nam không trả lời, có khi ai đó lại bảo là… “tinh tướng”.

Khi phóng viên hỏi chuyện Nhật Nam, cháu có vị trí bình đẳng với người phỏng vấn. Cháu nói năng tự tin là hoàn toàn bình thường. Vả lại, phải nhìn vào bối cảnh câu chuyện, của hai người nói chuyện với nhau. Theo tôi, dường như thói ích kỷ, không chấp nhận người khác hơn mình, cộng với cái nhìn khắt khe của người lớn, không nhìn nhận, đồng cảm với tâm lý trẻ em đã làm cho nhiều người có thái độ không đúng mực trong chuyện này.

Đỗ Nhật Nam.

Muốn đứa trẻ có bản lĩnh, phát triển toàn diện và ngày càng hoàn thiện, có khả năng sáng tạo, thì phải nhìn nhận nó như một chủ thể, một cá tính dù đang hình thành thì cũng phải được tôn trọng. Lúc nào cũng nhìn các cháu như con cái để dạy dỗ, không vừa ý là mắng mỏ thì rất khó thừa nhận các khả năng riêng của các cháu. Thời đại đã khác rồi, người lớn cần phải thích ứng với quá trình trưởng thành của đứa trẻ ở thời đại mới.

- Ông có cậu con trai Nguyễn Bình được dư luận gọi là “thần đồng tiểu thuyết”. Ông có cách dạy con thế nào để em không bị ảo tưởng, hoặc sốc bởi những lời khen chê của dư luận?

- Trước hết, xin nói luôn là tôi chưa bao giờ coi con nhà tôi là “thần đồng”, mà cháu cũng không nhận mình là “thần đồng”, cháu tự trào “thần đồng là… thằng đần”. Cháu Nhật Nam cũng vậy. Các cháu có chút khả năng, nhưng “thần đồng” là chữ mà báo chí, dư luận sử dụng để gọi các cháu.

Vì thế, chúng ta đừng tự đẩy mình vào tình huống phi lý là sau khi gọi các cháu là “thần đồng” là lại đòi hỏi các cháu phải thế này, phải thế kia; cần khuyến khích, động viên chứ không nên bắt bẻ, mắng mỏ.

Cháu Bình nhà tôi có sở thích viết văn thì tôi động viên, tôi coi đó là sở thích cần tôn trọng. Nay mai cháu không thích viết văn nữa, cũng chẳng sao. Ở tuổi thiếu niên, các cháu đam mê gì thì cứ để các cháu tự chọn, miễn là đam mê lành mạnh, có ý nghĩa. Cha mẹ đừng vì “tiếng tăm” của mình mà làm cho con có ảo giác về tài năng.

Cũng may là con tôi không có dấu hiệu gì khác thường. Cháu vẫn như mọi bạn bè cùng lứa, vẫn là trẻ con. Trong sinh hoạt hằng ngày, tôi luôn ứng xử, uốn nắn, dạy dỗ một cách bình thường, như với các chị, giúp cháu phát triển tự nhiên.

So với bạn bè cùng tuổi, các cháu có chút khả năng nổi trội hơn, nhưng chưa có gì bảo đảm sau này các cháu sẽ thành người tài năng. Làm cha mẹ cần nghĩ như thế, để con mình không ảo tưởng. Trong khả năng của mình, cần tạo ra các điều kiện để bảo đảm cho các cháu trưởng thành một cách lành mạnh, đừng biến các cháu thành “công dân đặc biệt” được ưu tiên, vì dễ hoang tưởng, kiêu căng.

- Xin ông chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm nuôi dạy con của mình, nhất là dạy một “thần đồng”?. Ông có từng nghĩ, trường hợp bé Nhật Nam bị “ném đá”, có thể xảy ra ở một đứa trẻ đang “nổi tiếng” khác?.

- Bố mẹ nào chả chẳng muốn con mình giỏi giang, có khả năng hơn bạn cùng lứa. Nhưng điều đó không có nghĩa là bằng mọi giá để biến con mình thành “thần đồng”. Muốn con phát triển, cần gần gũi con, hiểu con, đi cùng với con. Con làm được điều có ý nghĩa thì động viên, đừng vội hoắng lên.

Năm 3 tuổi, hai chị của cháu Bình cũng đọc thông viết thạo, tôi coi đó là bình thường. Đến cháu Bình cũng vậy. Chỉ tới khi cháu Bình viết sách và sách xuất bản thì tôi phải chấp nhận để cháu xuất hiện trước công chúng. Trước khi cháu xuất hiện, tôi dặn cháu rất cụ thể: “Con phải chịu trách nhiệm về mọi điều con nói, bố không thể thay con”.

Tôi nghĩ, dường như để trở một người bạn lớn của con cái là điều rất khó. Nhưng cố gắng thì sẽ làm được, vì dù thế nào thì tài sản có ý nghĩa nhất mà mọi bậc cha mẹ để lại cho đời chính là sự trưởng thành của các con.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa.

Ngô Thục Miên (thực hiện)

Đọc thêm