Hôm qua, bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp. Với phương châm “Chủ động về phương án, thuần thục kỹ năng ứng cứu, cơ động nhanh, xử lý có hiệu quả khi có tình huống xảy ra”, ở đâu xảy ra thiên tai, thảm họa, ở đâu có yêu cầu của nhân dân, dù khó khăn, nguy hiểm, lực lượng vũ trang (LLVT) luôn có mặt kịp thời, là lực lượng nòng cốt đi đầu, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trước thiên tai trên địa bàn.
Nửa đêm đội mưa di dời dân vẫn đảm bảo phòng chống Covid-19
Lúc 4h sáng qua (18/9), bão số 5 có tên quốc tế là Noul đã đổ bộ vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, một số nơi ở miền Trung mưa kéo dài đến hết 20/9.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ với khoảng 1.177.486 người với kịch bản bão cấp 10, 11. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5, từ trưa 16/9, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã thường xuyên có mặt tại các địa bàn xung yếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán hàng nghìn người dân đến khu vực tránh trú an toàn.
Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ không ngại hiểm nguy, gian khổ, căng mình giúp dân chống bão đã để lại tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương nơi bão số 5 sắp đổ bộ.
Thừa Thiên - Huế có hơn 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5. Đêm 17/9, lực lượng công an, bộ đội, dân quân, cán bộ địa phương vẫn đội mưa đến từng nhà để nhắc nhở người dân đưa cụ già, trẻ em đến điểm sơ tán tập trung. Đến 22 giờ ngày 17/9, toàn tỉnh đã di dời 3.267/8.833 khẩu, đặc biệt là các cụ già, trẻ em đến nơi an toàn. Trước bão, đã sơ tán được 100% hộ dân ra khỏi vùng xung yếu.
Chiều 17/9, tại cuộc họp bàn phương án phòng chống bão số 5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu các lực lượng, ban, ngành, địa phương phải hoàn thành di dời 72.000 người dân tại các khu vực dự kiến chịu thiệt hại lớn khi bão số 5 đổ bộ trước 20 giờ cùng ngày.
Theo đó, Đà Nẵng có hơn 19.000 hộ (khoảng 62.500 người) phải sơ tán cùng hơn 9.500 sinh viên, công nhân. Đối với các hộ nuôi cá lồng bè trên các sông, vịnh, Đà Nẵng yêu cầu neo đậu và di dời người trên các lồng bè lên bờ an toàn trước 20 giờ.
Thượng tá Phạm Văn Tám, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) quận Sơn Trà cho biết: “Với phương châm 4 tại chỗ, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng các ngôi trường kiên cố trên địa bàn làm điểm sơ tán tập trung.
Trong trường hợp cần thiết, doanh trại của các đơn vị quân đội cũng được sử dụng để tiếp đón bà con đến tránh bão. Hai ngày nay, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân cơ động tăng cường cho Ban CHQS các phường, tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con, ngư dân phòng chống bão, phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát bảo vệ an ninh, an toàn các khu vực”.
Tại Quảng Ngãi, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã giao nhiệm vụ cho 2.000 cán bộ, chiến sỹ; triển khai 10 ô tô các loại; 20 tàu, xuồng; 4 xe lội nước sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Đến 20 giờ tối 17/9, 4 tỉnh thành (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) đã tổ chức sơ tán 11.457 hộ với 34.811 người tại 16 huyện, thị, thành phố ven biển. Tại các địa phương, công tác di dời dân được triển khai nhanh chóng, bảo đảm vừa phòng tránh bão, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Người dân sử dụng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn và bảo đảm giãn cách phòng chống dịch theo quy định.
Đảm bảo tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, tính đến 6 giờ sáng 17/9, lực lượng BĐBP các tỉnh ven biển đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện với 285.384 lao động; đồng thời duy trì 5.000 cán bộ, chiến sĩ và 240 phương tiện sẵn sàng ứng phó bão khi có tình huống xảy ra.
Theo báo cáo tổng hợp của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng qua (18/9), không còn tàu cá nào hoạt động tại khu vực nguy hiểm trên Biển Đông. Hiện tàu thuyền neo tại bến là 52.417 tàu với 241.779 người. Hoạt động ở khu vực khác: 5.928 tàu với 43.605 người.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có 23.627 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Trong đó, Thừa Thiên - Huế không còn lồng bè trong khu vực ảnh hưởng của bão; Đà Nẵng đã di chuyển lồng bè về nơi an toàn, không còn lồng bè trong khu vực ảnh hưởng của bão; Tại Quảng Nam, toàn bộ lồng bè đã được di dời đảm bảo an toàn; Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã chỉ đạo chủ cơ sở chủ động thu hoạch sớm để giảm thiệt hại.
Tất cả tàu thuyền được đưa về khu neo đậu an toàn và được chằng néo để tránh bị va đập, bị chìm. Các lực lượng kiên quyết không để xảy ra tình trạng người có mặt trên tàu thuyền, nhà tạm ở các khu nuôi trồng thủy sản để tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Các đơn vị LLVT chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” trong mọi tình huống và triển khai khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có hàng nghìn tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ và hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Trước khi bão đổ bộ, Ban CHQS quận Sơn Trà đã phối hợp cùng các đơn vị thuộc Vùng 3 Hải quân, Lữ đoàn 83 (Quân chủng Hải quân), Đồn Biên phòng Sơn Trà, kêu gọi, hỗ trợ ngư dân kêu gọi, tời kéo, di chuyển, neo đậu hơn 2.000 tàu cá; tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán được gần 6 nghìn người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Âu thuyền Thọ Quang nằm trên địa bàn quận Sơn Trà có thiết kế đủ chỗ neo đậu cho 700 tàu thuyền, nhưng thời điểm hiện tại có hơn 1.200 tàu cá của Đà Nẵng và các địa phương bạn vào neo đậu. Vì thế, một số tàu được yêu cầu di dời theo sông Hàn lên phía thượng nguồn để neo đậu.
Ngoài ra, âu thuyền còn có 28 tàu dịch vụ xăng dầu neo đậu chung với tàu cá, nếu xảy ra sự cố chìm tàu, cháy nổ thì có thể gây cháy lan hàng nghìn tàu cá đều bằng gỗ đang neo đậu.
Để bảo đảm an toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã giao cho lực lượng biên phòng thành phố chủ trì, cùng các đơn vị, ban ngành ngay trong chiều tối 17/9, di dời 28 tàu dịch vụ xăng dầu ra khởi khu vực âu thuyền Thọ Quang, neo đậu tách biệt ở khu vực cảng Tiên Sa hoặc bờ sông Hàn, tránh thiệt hại nếu sự cố cháy nổ xảy ra do bão lớn.
Thực hiện chỉ đạo, BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp di dời các tàu dịch vụ xăng dầu đến nơi an toàn.