Hiện gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân và lực lượng địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm người mất tích, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối. Sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Khẩn trương thông đường, tìm kiếm người bị nạn
Tại Hà Giang, mưa lũ đã gây ra nhiều trận lũ quét nhỏ, cục bộ gây sạt lở đất, ngập lụt tại các huyện Yên Minh, Bắc Quang, Quản Bạ, Đồng Văn, Vị Xuyên. Toàn tỉnh có trên 350 ngôi nhà, 10 điểm trường bị hư hỏng do ngập lụt và bị nước, đất đá tràn vào, cuốn trôi nhiều tài sản giá trị; trên 50 ha lúa bị ngập. Huyện Yên Minh có 6 ngôi nhà bị cuốn trôi. Do mưa lũ đổ về quá nhanh nên nhiều hộ gia đình chỉ kịp hỗ trợ nhau di chuyển về con người lên các điểm an toàn.
Đặc biệt nhiều tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở, ngập sâu khiến giao thông nhiều nơi bị tê liệt nhiều giờ liền như các huyện Bắc Quang, Yên Minh, Quản Bạ. Hàng nghìn m3 đất, đá bị sạt lở vùi lấp mặt đường, 2 cầu dân sinh tại xã Mậu Duệ bị hư hỏng.
Ngay sau khi thiên tai gây ra, lực lượng vũ trang (LLVT) đã phối hợp, sử dụng phương tiện tại chỗ vận chuyển người đi qua điểm ngập. Hiện các huyện bị thiên tai đang tập trung huy động tối đa lực lượng 4 tại chỗ, toàn bộ số máy xúc của các đơn vị doanh nghiệp để phối hợp với nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Tại điểm sạt lở thuộc địa phận thôn Sảng Cán Tỷ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, ước tính có khoảng 100 mét khối đất đá sạt xuống đường. Toàn bộ hiện trường sạt lở gây ách tắc cục bộ. Xã Cán Tỷ đã chủ động tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm dành cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông, phân công lực lượng quân sự, công an xã, cán bộ trực 24/24h tại điểm sạt lở để kịp thời nắm bắt, báo cáo thông tin.
Tại Tuyên Quang, nhất là ở 2 huyện Na Hang và Hàm Yên, mưa lớn đã khiến 3 người trong một gia đình bị lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên; làm đổ 29 ngôi nhà, sập 2 ngôi nhà; 27 nhà bị sạt ta-luy dương; trên 52 ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập, úng, nước lũ tràn qua.
Bên cạnh đó, mưa lớn cũng làm sạt lở 2.350 m3 đường giao thông ở huyện Na Hang, gây ách tắc giao thông. Hiện LLVT các địa phương giúp người dân dựng lại nhà bị đổ, sập, dọn dẹp bùn rác, vệ sinh môi trường.
Khi đi đám cưới về, do nước lũ dâng cao bất ngờ, gia đình anh Hoàng Văn Chinh (SN 1972, trú tại thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên), chị Hoàng Thị Thủy (SN 1972, vợ anh Chinh) và em Hoàng Thị Trang (7 tuổi, con anh Chinh - chị Thủy) và xe máy bị nước cuốn trôi.
LLVT địa phương cùng các đoàn thể và người dân huyện Vị Xuyên, Hà Giang dọn dẹp nhà cửa sau khi lũ quét đi qua. Ảnh: Hà Trang |
Đến 11h ngày 10/9, chính quyền địa phương và người dân đã tìm thấy thi thể của anh Chinh, chị Thủy, còn cháu bé vẫn mất tích. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm bé gái.
Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn
Tại Thái Nguyên, mưa rất to kèm theo sấm sét dồn dập trong thời gian dài đã làm 3 người bị chết và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ. Khẩn trương khắc phục hậu quả, đưa các hoạt động trở lại bình thường, lực lượng quân đội triển khai hơn 600 cán bộ, chiến sĩ, huy động nhiều phương tiện tham gia khắc phục thiên tai, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Lực lượng dân phòng ở các tuyến phố tham gia ứng trực, tích cực thực hiện các biện pháp tiêu, thoát nước nên tình trạng ngập úng trên các tuyến phố đã cơ bản chấm dứt…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, hôm qua và hôm nay, trời vẫn tiếp tục mưa. LLVT và các đoàn thể, người dân địa phương ngoài việc tích cực khắc phục tình trạng ngập úng, tổ chức tuần tra, canh gác tại các đường qua sông, suối bị ngập, bến đò, ngầm tràn để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại, cấm vớt củi, các vật trôi trên sông và đánh bắt cá khi đang có lũ, còn tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ.
Để kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 10/9, Bộ Quốc phòng đã có Điện số 41/TK gửi: Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 1, 2, 3, BTL Bộ đội Biên phòng, chỉ đạo công tác triển khai sẵn sàng các biện pháp phòng chống, ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất ngập lụt vùng trũng và khu đô thị.
Trước tình hình mưa to, lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc là: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái ngày 9 - 10/9, hiện có 1.921 người (968 cán bộ, chiến sĩ và dân quân; lực lượng khác 953 người) tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cũng trong ngày 10/9, BTL Quân khu 4 tiếp tục điều động 900 người (bộ đội: 561, dân quân: 339) và 32 ô tô, phối hợp với các lực lượng tại chỗ giúp nhân dân địa phương các huyện Can Lộc, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dọn dẹp nhà cửa, sửa đường giao thông, vệ sinh thau xúc giếng nước.