Bộ đội tiếp tục lên đường vào vùng “nóng” tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suốt hai năm qua, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch, cứu dân. Sự có mặt của các anh trên khắp các mặt trận, từ công tác y tế đến chăm lo an sinh xã hội đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân... Khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, những người lính lại hăm hở lên đường vào các vùng “nóng” tâm dịch.
Cán bộ, sinh viên Học viện Quân y tiếp tục lên đường vào Nam chống dịch.
Cán bộ, sinh viên Học viện Quân y tiếp tục lên đường vào Nam chống dịch.

Bộ đội tiếp tục vào vùng tâm dịch

Ngày 16/12, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3, Quân khu 1 đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các cá nhân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, lực lượng y, bác sĩ của Sư đoàn 3 cùng với đoàn công tác của Quân khu 1 phối hợp với lực lượng quân y địa phương phục vụ điều trị, cách ly cho 10.476 bệnh nhân mắc COVID-19, chữa khỏi bệnh cho 8.787 người; lấy mẫu xét nghiệm 75.000 lượt; tiêm 60.000 mũi vaccine; vận chuyển gần 2.400 ca bệnh đi cấp cứu và chuyển tuyến.

Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y và 3 viện, bệnh viện quân đội gồm Viện Y học cổ truyền Quân đội, Bệnh viện Quân y 354 và Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) tiếp tục tổ chức lễ xuất quân, điều động 410 cán bộ, bác sĩ, học viên, nhân viên quân y tăng cường giúp các địa phương trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 phòng, chống dịch COVID-19.

Theo quyết định điều động, 410 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, học viên quân y của các đơn vị trên sẽ được chia thành 133 tổ quân y, trong đó, 122 tổ quân y được biên chế 3 thành viên, các tổ còn lại biên chế gồm 4 thành viên.

Trong số này, 67 tổ quân y cơ động thuộc Học viện Quân y, mỗi tổ 3 thành viên sẽ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại địa bàn Quân khu 7. Lực lượng còn lại là các tổ hồi sức, truyền nhiễm sẽ được phân bố làm nhiệm vụ tại các tỉnh trên địa bàn Quân khu 9.

Nhiệm vụ chính của các tổ quân y là hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; trực tiếp tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà; phối hợp với lực lượng y tế địa phương phát hiện triệu chứng, hướng dẫn người dân phương pháp tự chăm sóc, điều trị; kịp thời phát hiện các F0 có diễn biến chuyển nặng để xử trí, cấp cứu kịp thời.

Đối với Học viện Quân y, hầu hết các đồng chí tham gia phòng, chống dịch lần này đều là bác sĩ và sinh viên năm cuối; rất nhiều cán bộ, học viên đã từng tham gia tăng cường chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh.

Đợt điều động, tăng cường lực lượng cán bộ, nhân viên, học viên Quân y giúp các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19 thêm một lần nữa thể hiện vai trò, tinh thần xung kích, đi đầu, hết lòng vì nhân dân phục vụ của lực lượng Quân đội trong mọi hoàn cảnh.

Đây cũng là sự tiếp nối tinh thần “Bộ đội chủ động tìm đến với nhân dân chứ không để nhân dân khó khăn tìm đến bộ đội” đã được những người lính Cụ Hồ thực hiện trong suốt thời gian qua.

Khi có dịch có thể thấy, chỉ trong vài giờ đồng hồ từ khi có lệnh, một bệnh viện dã chiến truyền nhiễm được thiết lập, một trung tâm xét nghiệm dã chiến được hình thành; chưa đầy 48 giờ, một cuộc hành quân thần tốc được triển khai với máy móc, trang thiết bị hiện đại và nhân lực từ Hà Nội vượt hàng nghìn ki-lô-mét vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam giúp các địa phương phòng, chống dịch.

Phòng, chống dịch gia tăng trong các đơn vị Quân đội

Theo báo cáo tại Hội nghị Giao ban trực tuyến toàn quân về phòng, chống dịch COVID-19 do Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) tổ chức, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Ngay trong các cơ quan, đơn vị quân đội, dịch Covid-19 cũng gia tăng, đòi hỏi toàn quân phải kịp thời có các biện pháp phòng, chống triệt để, phù hợp, linh hoạt.

Nguyên nhân dịch COVID-19 xuất hiện, lây lan trong các đơn vị quân đội chủ yếu là do 80% người bệnh không có triệu chứng nên công tác quản lý sức khỏe bộ đội, truy vết, xét nghiệm sàng lọc nhóm nguy cơ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc các đơn vị ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm còn được huy động tăng cường phòng, chống dịch giúp địa phương làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Chưa kể, các doanh nghiệp quân đội có số lượng lao động hợp đồng lớn, làm việc phân tán, phải thường xuyên tiếp xúc với người dân nên nguy cơ lây nhiễm cao…

Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y đánh giá, đây là thời điểm công tác phòng, chống dịch trong quân đội gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất kể từ khi dịch xuất hiện đến nay.

Mặc dù vậy, với ý chí, quyết tâm, nỗ lực của mình, các cơ quan, đơn vị đã tập trung triển khai nhiều biện pháp vừa phòng, chống dịch tại chỗ hiệu quả, hạn chế tối đa dịch lây lan vào quân đội, đồng thời, tham gia hỗ trợ tích cực giúp các địa phương phòng, chống dịch, được chính quyền và nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Qua thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch, năng lực của ngành quân y, nhất là hệ thống y học dự phòng toàn quân được nâng lên một bước, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.

Thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các biến thể mới xuất hiện làm cho công tác phòng, chống dịch trong quân đội sẽ khó khăn hơn trước. Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch lây lan rộng trong quân đội, Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Xuân Kiên yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và các công văn, văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng, Cục Quân y.

Chỉ huy các đơn vị quản lý nghiêm quân số, đặc biệt là các địa bàn có dịch bệnh phức tạp; quản lý chặt chẽ người và hàng hóa từ ngoài vào đơn vị. Những đồng chí đi công tác, đi phép, nhập học và khách đến liên hệ công tác phải được khai báo y tế, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho bộ đội kiến thức về phòng, chống dịch, nhất là quy định về thực hiện “5K”; chủ động tạo nguồn test nhanh kháng nguyên, hóa chất khử trùng, vật tư tiêu hao và các vật tư khác để định kỳ tổ chức xét nghiệm sàng lọc luân phiên cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên.

Các đơn vị thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; tiếp tục củng cố, mở rộng địa điểm cách ly tập trung, bổ sung nhân lực, hóa chất, vật tư tiêu hao, sẵn sàng tổ chức cách ly F1, F2 khi dịch bùng phát.

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại cho bộ đội; các bệnh viện quân y làm tốt công tác phân luồng, xét nghiệm sàng lọc cho bệnh nhân, người nhà có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nghi ngờ…

Đọc thêm