Theo đó, giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, không quá 200 giờ trong một năm (trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 400 giờ một năm).
Như vậy so với quy định hiện hành, không còn giới hạn giờ làm thêm theo tháng và tăng thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt trên 400 giờ một năm. Dự thảo đồng thời bổ sung việc trả lương lũy tiến thời gian làm thêm giờ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.
Việc bỏ giới hạn giờ làm thêm theo tháng, theo phân tích của bà Nguyễn Thanh Huyền - Giảng viên Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội là rất bất cập. Bởi tình trạng công nhân buộc phải làm thêm giờ là rất phổ biến. Có những lúc cao điểm, công nhân không muốn làm thêm giờ cũng không được. Chính vì vậy, làm thêm giờ mà bỏ khống chế 30 giờ mỗi tháng là rất nguy hiểm.
Nếu quy định làm thêm 4h/ngày, có 26 ngày công thì có thể người lao động phải làm thêm 104 giờ/tháng. “Tôi đồng ý việc nới ra hơn 30 giờ, nhưng phải có mức trần. Còn nếu không có trần thì có những ngành nghề họ chỉ có thể làm rất vội trong vòng 4 tháng. Một tuần chỉ nghỉ có 1 ngày, chưa kể phải huy động cả công nhân nữa thì còn hơn 104 giờ” – bà Huyền kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Bùi Thị An cho biết, mặc dù làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu thực của người lao động, nhưng quy định cần chặt chẽ, vừa phải để đảm bảo sức khỏe và tái tạo sức lao động. Thậm chí, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động, một số ý kiến đề nghị cần quy định tối đa giờ làm thêm trong tuần, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng, gây sức ép cho người lao động.