Trên cơ sở để nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, ngày 19/10, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1599/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh nêu trên, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo.
Do ảnh hưởng của mưa, lũ gây ra thiệt hại quá nặng nề, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, số liệu thống kê về số hộ, số khẩu thiếu đói chưa cụ thể.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thiên tai và để bảo đảm đời sống cấp bách của nhân dân, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và đề nghị hỗ trợ gạo bổ sung của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Quảng Bình; Quảng Trị, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung 6.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, mưa lũ.
Tỉnh Quảng Bình sẽ được cấp phát 2.500, tấn, Quảng Trị 2.000 tấn, Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn và Quảng Nam 1.000 tấn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh tiếp nhận số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và gửi báo cáo kết quả thực hiện cứu trợ gạo cho người dân về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Trước đó, ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1599/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ, mỗi tỉnh 1.000 tấn. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của Nhà nước.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phân bổ gạo cứu đói cho nhân dân, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu đói. Trước mắt các địa phương đã nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình có người chết là 5 triệu đồng/người; người bị thương là 3 triệu đồng/người.
Các địa phương đang tiếp tục tổ chức các lượng để tìm kiếm người mất tích, rà soát các hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, hư hỏng và thiếu đói để xem xét, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Ít nhất 150.000 người dân các tỉnh miền Trung cần hỗ trợ lương thực
Thông tin trên được Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) đưa ra trong kết quả đánh giá nhanh về lũ lụt miền Trung tại cuộc họp sáng 26/10.
Tại cuộc họp, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam – đồng Chủ tịch Đối tác GNRRTT - cho biết, từ ngày 6/10, mưa lớn do bão LINFA và NANGKA đã gây ra lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng.
Trong đó, các tỉnh bị ảnh hưởng gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đối tác GNRRTT đã có những hành động ứng phó đầu tiên. Ba nhóm Đánh giá nhanh cũng đã được thành lập để đánh giá thiệt hại và nhu cầu tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Kết quả cho thấy, ước tính có 7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng; trong đó 1.300.000 người chịu ảnh hưởng trực tiếp, 150.000 người dễ bị tổn thương từ trước. Về an ninh lương thực và sinh kế, hiện có ít nhất 150.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới (thời gian giáp hạt); 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế/sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo trong 6 tháng tới…
Dựa trên mức độ đánh giá thiệt hại và nhu cầu, Đối tác GNRRTT cho rằng, cần lập kế hoạch ứng phó theo ngành với sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để nắm được các nhu cầu cấp thiết và các hoạt động ứng phó ưu tiên; lập kế hoạch ứng phó liên ngành. Ngoài ra, cần phân tích số liệu thứ cấp để nắm được nhu cầu của người dân khi phải tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của những trận bão sắp tới. Bảo An