Bố né nghĩa vụ cấp dưỡng, mẹ xin đổi họ cho con

(PLO) - Sau gần chục năm chung sống, họ chia tay. Cô nhận nuôi cả hai con, anh có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng. Nhưng khi lấy vợ mới, anh không thực hiện nghĩa vụ mà còn trả lời tệ bạc: “Đó không phải là con của tôi”. 
Minh họa nguồn Internet. 
Cưới nhau vì chữ hiếu!
Ai cũng khen Thủy là người may mắn và hạnh phúc, bởi vợ chồng Thủy lấy nhau từ sự chọn lựa của mẹ chồng. Thủy lại được mẹ chồng ưng ý và chấm điểm ngay từ khi cô chưa về làm con dâu của bà. 
Bà Lê và Thủy vốn là giáo viên dạy chung một trường. Khi Thủy về trường dạy học thì bà Lê đang giữ chức Phó Hiệu trưởng. Thủy không chỉ vững chuyên môn mà còn hiền lành, bởi vậy bà Lê đã có ý định se tơ, kết tóc cho Thủy và Minh - con trai út của mình. Sau vài ba lần dẫn “con dâu tương lai” về thăm nhà và cũng để cho con trai có cơ hội tiếp xúc, bà Lê đã nói cho con về ý định của mình. 
Về phần Thủy, cô cũng xiêu lòng trước sự lựa chọn làm dâu út của “sếp”. Dù chưa hiểu hết tính cách của Minh ra sao nhưng nhìn vào gia cảnh của người yêu lúc đó, cô tự nhủ: “Sống trong môi trường gia giáo ấy chắc người ta không thể có tính cách nổi loạn hoặc hư hỏng được”. Tự mình an ủi mình như thế, Thủy nhận lời làm con dâu của bà Lê.
Minh lấy Thủy không phải vì tình yêu mà vì sự báo hiếu cha mẹ. Lúc ấy, anh đang si mê một cô gái kém mình gần chục tuổi và làm nhân viên cho một khách sạn trong thị trấn. Cha mẹ anh kịch liệt phản đối mối tình này, bởi nói như lời mẹ anh thì “nhà con đó dột từ nóc dột xuống”. Anh trai người yêu Minh trước đó vì tội  gây thương tích cho cha ruột mà phải chịu mức án 5 năm tù giam. Hai năm sau, cha cô gái cũng chịu mức án 7 năm tù vì liên quan đến một vụ án buôn bán, tàng trữ ma túy. Biết vậy nhưng Minh vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên can của cha mẹ. Cản con không được, có lần bà Lê dọa sẽ tự tử. Đang trong thời điểm này thì Thủy chuyển về trường của bà. 
Chối bỏ trách nhiệm làm cha
Thấm thoắt thoi đưa, vợ chồng Thủy lấy nhau cũng đã gần mười năm và họ đã có hai con, đủ cả trai lẫn gái. Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến, vì không có tình yêu với vợ nên cuộc sống của vợ chồng Thủy luôn trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Minh luôn tìm cớ xa lánh và hắt hủi vợ, còn Thủy thì âm thầm chịu đựng. Rồi sự chịu đựng đến đỉnh điểm khi Minh công khai nối lại tình cảm với cô người yêu xưa. Không thể nhẫn nại thêm được nữa, họ chính thức chia tay. 
Lúc ấy, nhiều người biết chuyện cũng chỉ thở dài và thương cho Thủy, vì họ biết cuộc hôn nhân không tình yêu kéo dài như vậy cũng là quá lâu. Ra tòa, Thủy xin được nuôi cả hai con, Minh đồng ý chu cấp cho các con 3 triệu đồng một tháng.
Thời gian đầu, Minh luôn làm tròn nhiệm vụ của người cha, thậm chí nhiều tháng anh còn mua thêm cho các con những bộ đồ chơi và quần áo đẹp- ngoài khoản tiền cấp dưỡng nuôi con. Nhưng chỉ khoảng hai năm, khi lấy vợ mới và có thêm một cậu con trai, Minh gần như quên trách nhiệm làm cha. Thủy đã nhiều lần liên lạc điện thoại, rồi cả gặp trực tiếp để yêu cầu cha của các con chị thực hiện đúng theo những gì đã cam kết trong bản án. 
Mới đầu Minh còn hứa cho qua chuyện, sau đó thì thẳng thừng tuyên bố anh ta không có đủ khả năng cáng đáng nữa (mặc dù lương tháng của Minh gần 20 triệu đồng). Tệ bạc hơn, Minh còn trả lời: “Con của cô thì cô nuôi, chúng nó không phải là con tôi. Nếu cần, cô cứ nói là bố của nó đã chết rồi để từ nay đừng làm phiền tôi nữa”.
Càng nghĩ, Thủy càng thấy uất ức. Chị tủi thân cho phận mình thì ít mà thương cho các con thì nhiều. Tưởng Minh không thương vợ thì cũng thương con, nhưng đến nước này thì Thủy không thể cam chịu hơn. “Nếu anh đã chối bỏ quyền thăm nuôi, chăm sóc các con và không thừa nhận các con là máu mủ của mình thì tôi sẽ thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ. Lúc ấy anh sẽ hối hận không kịp”. 
Thủy đến Phòng Tư pháp của huyện làm thủ tục đổi họ cho con dù bố mẹ chồng cũ của cô kịch liệt phản đối.  Tuy nhiên cán bộ tư pháp giải thích rằng, họ không thể đáp ứng yêu cầu này, bởi chị không có lý do chính đáng để thay đổi họ cho con. 
Muốn đổi họ cho con, phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng cũ
Các quy định pháp luật hiện hành có cho phép thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại trong một số điều kiện nhất định.
Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực quy định: việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ... Với trẻ từ 9 đến 16 tuổi phải được sự đồng ý của trẻ.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung nên cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Về nguyên tắc, việc thay đổi họ cho con cần phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ. Do đó, việc chồng cũ của chị tuyên bố (bằng miệng) không phải là con đẻ không được coi là “lý do chính đáng” để chị có thể tự đổi họ cho con. Nếu muốn đổi họ cho con, chị cần phải có văn bản đồng ý của người chồng cũ. 
Việc chồng cũ chị Thủy không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của Tòa án, chị có quyền yêu cầu buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Hành vi vi phạm về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. 
Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Luật Lê và Liên danh

Đọc thêm