Vợ chồng rủ nhau nhặt rác
Hơn 3 năm nay, ngoài công việc lái máy xúc tại mỏ đá Nghi Sơn, anh Hồ Phi Quyết (37 tuổi, ngụ xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) lại có thêm nghề tai trái khác. Chỉ có điều, đây là nghề không lương, không thưởng, lại bị nhiều người dị nghị: nghề nhặt rác.
Nói về công việc bao đồng của mình, anh Quyết cho hay, do đặc thù công việc lái máy xúc làm vào ban đêm nên buổi ngày anh khá rảnh. Do vậy, anh đã tham gia câu lạc bộ thiện nguyện ở địa phương. Thỉnh thoảng câu lạc bộ tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường ở các điểm công cộng. Các hoạt động đó diễn ra định kỳ ở một vài địa điểm trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra khắp vùng, nhất là ở nông thôn, khi rác thải không được thu gom thường xuyên.
Từ những lần đi thực tế ấy khiến anh luôn thôi thúc việc làm việc gì đó cho quê hương mình. “Tình nguyện ở đâu bằng tình nguyện ở ngay nơi mình sống”, anh Quyết nghĩ thế nên xắn tay vào việc nhặt rác. Dù đã xác định trước tư tưởng, nhưng người đàn ông này không ngờ việc làm của mình lại gặp phải nhiều xì xèo, dị nghị đến thế.
Gia đình hạnh phúc của anh Hồ Phi Quyết (ảnh: Báo Nghệ An) |
Anh kể, có lần thấy tôi cầm bao tải sục xuống lòng kênh, lội vào từng đống rác đổ đầy ặp ven đường, nhiều người bảo tôi dở hơi, rúc vào nơi bẩn thỉu, hôi thối. Lúc đầu tôi khá ngại, mặc cảm nhưng rồi nghĩ mình làm việc này chẳng vi phạm pháp luật, cũng chẳng ảnh hưởng đến ai nên cứ thế làm. Tôi lại tự động viên bản thân đừng bận tâm người khác, rồi mọi người sẽ hiểu. “Những lời bàn tán của họ không đáng ngại bằng những vỏ lon, bỉm trẻ em, túi bóng không phân hủy… vứt tứ tung, cứ một trận gió lại bay đi khắp, vừa chướng mắt, vừa gây hại cho môi trường.
Mình chịu khó “cúi xuống” để môi trường được sạch, hơn hết để người khác thay đổi thói quen và có ý thức bảo vệ môi trường thì cũng đáng”, anh chia sẻ. Từ đó đến nay đã ngót nghét 3 năm, người đàn ông này vẫn quyết tâm làm “nghề tay trái” này. Gần đây, khi đứa con út được hai tuổi thì người vợ cũng trở thành bạn đồng hành với anh trên hành trình đi nhặt rác, làm sạch môi trường. Dịp này, hai đứa con được nghỉ học nên mỗi khi nhặt rác, vợ chồng anh đành gửi nhờ người thân trông giùm.
Hơn 3 năm đi nhặt rác nên trong đầu hai vợ chồng định hình rõ tuần này khu vực nào nhiều rác thải hơn để “ưu tiên” dọn trước. Tại khu vực xóm 9, anh Quyết đứng bên vệ đường “đánh giá” lượng rác thải bị người dân đổ tràn xuống lòng mương.
“Nhiều túi ni lông, có cả bỉm trẻ con nữa. Chắc phải 3 bao tải mới hết đó”, anh nói với vợ. Nói đoạn, hai vợ chồng mang găng tay, đi ủng nhựa, bịt khẩu trang, cầm chiếc kẹp sắt lội xuống lòng mương. Chỉ tầm 5 phút, chiếc bao tải đã nhận đầy rác thải mà người dân vứt bừa bãi xuống kênh nước, vỉa hè.
Tiêu đúng từng đồng, sống ý nghĩa từng ngày
Vợ chồng anh Quyết có với nhau 2 mặt con thì bé Hồ Phi Quang (7 tuổi) không may mắc bệnh nan y, phải điều trị suốt đời. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào thu nhập của anh Quyết khiến cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.
Nhiều người ác khẩu, bảo thời gian đi nhặt rác đó để dành mà kiếm tiền lo cho gia đình nhưng anh vẫn đều đặn dành thời gian nghỉ cuối tuần để làm công việc chẳng giống ai ấy. Đó là chưa kể phải mất 1 khoản chi tiêu để mua bao tải đựng rác. Anh kể, lúc trước hai vợ chồng đi xin bao tải cũ của người dân về giặt dùng dần nhưng xin mãi cũng hết, phải mua thôi. Cứ 4 nghìn đồng 1 cái, tưởng nhỏ nhưng cũng không phải nhỏ.
Ba năm qua, anh Quyết đã miệt mài làm công việc tự nguyện này |
“Tiêu đúng từng đồng, sống ý nghĩa từng ngày”, tôi nghĩ làm được cái gì đó cho đời thì làm thôi”, anh Quyết nói về phương châm sống của mình. Thường anh chị chỉ nhặt rác tải không phân hủy, đóng lại thành từng bì, chở đếm điểm gom rác tập trung của từng xóm để thứ 2 hàng tuần công nhân công ty vệ sinh môi trường đến mang đi.
Cũng bởi còn phải mưu sinh nên vợ chồng anh chỉ có thể tranh thủ nhặt rác vào hai ngày cuối tuần. Với lượng rác thải lớn của một tuần thì hai vợ chồng nhặt 2 ngày không xuể nên cứ phải nhặt cuốn chiếu, một vài hôm thì rác lại đã chất đống bên đường.
Được biết, xã Quỳnh Lộc thường tiến hành thu gom rác vào thứ 2 hàng tuần. Quy định là thế nhưng không phải người dân nào cũng chấp hành nghiêm túc, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan.
Vừa nhặt rác, chị Mai tâm sự: trước đây, rác người ta vứt lung tung, cứ nhét đầy 1 túi ra vứt toẹt bên vệ đường. Chó mèo cắn rách túi hay túi không buộc miệng, một vài bữa tả tơi, rác bay khắp, đi nhặt mệt lắm. Mà người dân không có thói quen phân loại rác, cái gì cũng nhét hết vào 1 bao, nhiều khi nhặt mà lợm hết cả giọng.
Thay đổi thói quen xả rác cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân không dễ nhưng ít nhất cũng đã có sự chuyển biến rồi. Giờ nhiều người cho hết vào túi bóng lớn, buộc miệng cẩn thận, rác không bay lung tung mà mình gom lại cũng nhanh hơn. Đến giờ, sau 3 năm đi nhặt rác, tiếng ì xèo chưa hẳn đã hết, thậm chí có cả bạn bè thân thiết. Người ta bảo nhặt làm gì vài cái rác ấy, nhặt rồi người ta cũng vứt tiếp, nhặt mất công.
Nghe vậy, anh Quyết dù buồn nhưng luôn bỏ ngoài tai những lời nói không hay và vẫn cần mẫn với công việc của mình với niềm tin rồi sẽ đến ngày người dân sẽ thay đổi những hành động gây hại cho môi trường sống. Và mong ước của anh đã phần nào thành hiện thực khi giờ đây ngoài sự đồng hành của vợ còn có vài người khác trong làng cũng tham gia gom rác.
Hơn hết, bà con lối xóm bắt đầu có cách nhìn khác về công việc “không giống ai” của vợ chồng anh Quyết. Họ bắt đầy thay đổi thói quen bằng những điều nhỏ nhặt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình như phân loại rác từ gia đình, vứt đúng chỗ tập kết để công nhân công ty môi trường thu dọn.
Ông Hồ Quốc Úy - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết: Hành động của vợ chồng anh Hồ Phi Quyết đã góp phần lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành động trong việc bảo vệ môi trường xung quanh. Cái quý nhất là hiện nay không chỉ mỗi vợ chồng anh Quyết mà đã có nhiều người tự nguyện tham gia vào việc thu gom rác, để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch hơn.