Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, "hố tử thần" xuất hiện có thể do hoạt động của hang động caster dưới lòng đất. Hiện tượng này từng xảy ra ở một số nơi trên lãnh thổ Việt Nam như Tuyên Quang, Phú Thọ…, những vùng địa hình có nhiều núi đá vôi. Hiện tượng này xảy ra lần đầu tại huyện Yên Định nên đã gây hoang mang cho người dân.
Do không có các thiết bị, máy móc hiện đại để kiểm tra, đánh giá, nên Thanh Hóa không thể tìm ra nguyên nhân chính xác của sự việc. Nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân, Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài nguyên cử cán bộ vào thực địa xác minh và chỉ đạo xử lý vụ việc.
Trước thực tế nhà dân chỉ nằm cách vị trí bị sụt lún khoảng 20 m, sáng 31/10 Bộ Tài nguyên đã chỉ đạo Sở có biện pháp cách ly, bảo vệ người dân khỏi nguy hiểm. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng chỉ đạo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tại Thanh Hóa đo đạc, khảo sát để xác định quy mô “hố tử thần”.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nguyên tắc khi xây dựng khu dân cư đều có các số liệu địa chất phục vụ việc có hay không xảy ra tai biến địa chất. Hiện Bộ TN&MT có đầy đủ số liệu điều tra về các tai biến địa chất với tỷ lệ 1/50.000 không chỉ phục vụ phát hiện khoáng sản mà còn phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng.
“Do vừa rồi xảy ra tương đối nhiều các vụ sụt lún tại các địa phương, sắp tới Bộ sẽ rà soát tất cả các quy hoạch có liên quan, đến các số liệu, thông số về địa chất xung quanh việc xác định khu vực có khả năng xảy ra trượt lở, đứt gãy, tai biến. Bộ TN&MT cũng đang thực hiện đề tài có nhiệm vụ xây dựng bản đồ xác định các khu vực trượt lở đất đá, đặc biệt chú ý đến vấn đề tai biến địa chất. Kết quả này thực hiện xong đây sẽ là thông tin quan trọng giúp việc hoạch định quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời xác định khoanh vùng khu vực có khả năng xảy ra tai biến để phòng ngừa", Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.