Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH 'đốc' tiến độ triển khai Nghị quyết 68

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 26 địa phương đang áp dụng việc giãn cách thuộc nhóm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động tự do - đối tượng vốn bị tác động sớm nhất, bị ảnh hưởng sâu và nặng nề nhất - đang được triển khai hiệu quả nhất. 
Hà Nội hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Nghị quyết 68. Ảnh: danvan.vn
Hà Nội hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Nghị quyết 68. Ảnh: danvan.vn

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/8, với 63 điểm cầu trong cả nước về tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tiến độ triển khai, Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu.

Đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành các quyết định chính sách thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, toàn quốc đã đạt những kết quả tương đối tốt, thậm chí có nhóm chính sách đã hoàn thành, như chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như Hải Dương giải ngân tới 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng, Thái Nguyên 57 tỷ đồng… So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc.

Đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng đánh giá công tác phối kết hợp giữa ngành LĐTBXH, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội và BHXH khá nhịp nhàng.

Tính đến ngày 4/8 có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động). Trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng.

“Nhìn tổng quát cho thấy, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách hơn, dễ triển khai”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, địa phương đều có chung nhận xét, chính sách là phù hợp, các thủ tục được hướng dẫn chi tiết, không phát sinh thêm thủ tục mới, chủ trương giao nhóm lao động tự do cho các địa phương tự triển khai là đúng đắn, thực tế đã phát huy hiệu quả. “Chính sách hỗ trợ lao động tự do, đối tượng vốn bị tác động sớm nhất, bị ảnh hưởng sâu và nặng nề nhất, đang được triển khai hiệu quả nhất. Điển hình là TPHCM đang đi đầu dù gặp nhiều khó khăn nhất, cả hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc để hỗ trợ đối tượng này”, Bộ trưởng cho biết.

Việc triển khai hỗ trợ nhóm chính sách hỗ trợ lao động tạm nghỉ việc, nhóm F1, F0 cũng được thực hiện nhanh và có hiệu quả. Chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương và phục hồi sản xuất, thực hiện tốt ở nhiều địa bàn.

Cụ thể, tính đến ngày 4/8, với chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em, 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn cho 65.300 đối tượng, trong đó có 24.500 người là F0 và 40.800 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em, đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là gần 12,1 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.

31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 người sử dụng lao động để trả lương cho 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng

Tính đến ngày 4/8 có 21/63 tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai và 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.

Chia 3 nhóm địa phương, tận dụng 10 ngày vàng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất việc phân nhóm các địa phương để dễ triển khai hỗ trợ theo chính sách.

Cụ thể, nhóm các địa phương không có dịch cần phấn đấu trong 10 ngày triển khai xong các nhóm chính sách hỗ trợ về BHXH và tiền mặt, trừ chính sách vay hỗ trợ đào tạo, ví dụ như Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh…

26 địa phương đang áp dụng việc giãn cách đang thuộc nhóm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ. Ảnh: VGP

26 địa phương đang áp dụng việc giãn cách đang thuộc nhóm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ. Ảnh: VGP

Với nhóm địa phương có dịch, nhưng chưa thuộc diện áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16 cần vận động xúc tiến nhanh việc hỗ trợ tiền mặt, BHXH và cho vay trả lương.

Nhóm thứ 3 là 26 tỉnh đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, điều cần thiết nhất là hỗ trợ ăn, mặc cho người lao động.

Bên cạnh đó, các địa phương cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí 4.500 tỷ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét, về cơ bản, 26 địa phương đang áp dụng giãn cách đang thuộc nhóm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ. Điều này cho thấy, không phải địa phương gặp khó khăn sẽ thực hiện hỗ trợ không tốt. Thực tế cho thấy, những địa phương ít bị ảnh hưởng dịch bệnh lại làm chưa tốt.

“Thậm chí có địa phương cách đây 1-2 ngày mới ban hành quyết định triển khai của cấp có thẩm quyền, còn trước đó mới có chủ trương, xin ý kiến các cấp trong tỉnh”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần rà soát lại công tác thực hiện chính sách, nếu trách nhiệm của ngành thì ngành chịu trách nhiệm. Trong triển khai chính sách cần đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu, bởi người dân khát khao, mong mỏi được hỗ trợ từng ngày.

Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai cần năng động, sáng tạo trong cách làm, trong cái khó cần tìm ra cái mới, trong cái khó ló cái khôn. Bộ trưởng nêu ví dụ về mô hình triển khai nhanh của TPHCM và nhiều tỉnh phía nam đã thực hiện sát quy định Nghị quyết 68 ủy quyền cho chủ tịch UBND tỉnh thực hiện. Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tới các cấp huyện triển khai, tránh dồn ứ.

"Các địa phương rà soát lại công việc đang triển khai. Nếu chưa có kế hoạch cần phân công chi tiết việc theo dõi triển khai nhóm chính sách hỗ trợ cụ thể và chi tiết hóa trách nhiệm cá nhân. Giám đốc sở LĐTB&XH phụ trách mảng gì, phó giám đốc sở phụ trách gì, trưởng phòng phụ trách gì? Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ về chính sách, đặc biệt là chính sách vay vốn trả lương và phục hồi sản xuất. Với chính sách hỗ trợ nhóm lao động tạm dừng hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa nên trong lúc khó khăn địa phương cần chủ động trong công tác hỗ trợ.

Đọc thêm