Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí quay về với giá trị cốt lõi nhất để đi xa hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chia sẻ về hướng đi để tăng nguồn thu, để phát triển trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi nhất của báo chí, để đi xa hơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Kênh phản ánh dòng chảy chính tích cực của một Việt Nam đổi mới

Tính đến ngày 20/6/2021, cả nước có tổng số 798 cơ quan báo chí, trong đó 139 báo (66 báo trung ương, 73 báo địa phương), 659 tạp chí (566 tạp chí trung ương, 93 tạp chí địa phương).

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ bản các cơ quan báo chí bám sát thực hiện quy định pháp luật về báo chí, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong điều chỉnh liều lượng, nội dung trong thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH.

Các cơ quan báo chí, các Đài PTTH đã tích cực thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước… Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đồng thời tích cực tuyên truyền đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, đẩy mạnh các tuyến bài tuyên truyền nhận diện, đấu tranh với các thông tin chống phá Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp...

Trong thời gian tới, báo chí Việt Nam tiếp tục là kênh phản ánh dòng chảy chính tích cực của một Việt Nam đổi mới, khơi dậy sức mạnh tinh thần, tạo sự đồng thuận, nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam phát triển, thịnh vượng. Sức mạnh tinh thần giúp hiện thực hoá Khát vọng Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của báo chí, truyền thông là cầu nối giữa chủ trương và thực tiễn, giữa ý Đảng và lòng Dân.

Bộ TT&TT sẽ sớm hoàn thiện và trình Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng thời, tổ chức sơ kết 2 năm triển khai quy hoạch báo chí và đánh giá mô hình cơ quan báo chí tại Quảng Ninh, Bình Phước. Bộ cũng sẽ triển khai chương trình hành động bảo vệ quyền lợi báo chí Việt Nam trước các nền tảng xuyên biên giới.

Còn nhiều dư địa cho sự phát triển đột phá của báo chí, truyền thông

Tại Hội nghị Sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, nói về hoạt động của báo chí thời gian qua, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, báo chí vừa qua đưa nhiều tin về dịch gây hoang mang cho người dân, tỷ lệ tin gây hoang mang chiếm tới trên 20% tổng số tin về COVID. Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã thống nhất format mới về đưa tin cho báo chí theo hướng nhiều thông tin hơn, chứ không chỉ là số ca nhiễm, phân tích nhiều hơn, có nhìn rộng ra tình hình phòng chống dịch của thế giới.

Đưa tin để người dân biết cách phòng chống dịch để tuân thủ. Đưa tin để những kinh nghiệm tốt được chia sẻ, vì chống dịch COVID là chưa có tiền lệ. Đưa tin để người dân có niềm tin và ủng hộ chính quyền chống dịch. Đưa tin để tinh thần tương thân tương ái Việt Nam được lan toả. Đưa tin để Việt Nam tận dụng cơ hội COVID để chuyển đổi nhanh lên môi trường số, để sau COVID chúng ta sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới - một xã hội được số hoá toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo ông Hùng, báo chí gần chục năm qua đã giảm gần 3 lần nguồn thu và lâm vào khó khăn. “Vậy có cách nào để nguồn thu tăng 3 lần không? Nếu vẫn cứ là quảng cáo dựa trên view thì chắc là sẽ giảm. Nếu vẫn cứ bảo hộ ngược, tức là ưu ái các nền tảng xuyên biên giới và siết chặt báo chí trong nước, thì chắc không phải giảm 3 lần mà sẽ là 4-5 lần. Nếu cứ tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng của doanh nghiệp khác, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, thì không phải giảm 4-5 lần mà tờ báo sẽ biến mất”, Bộ trưởng Hùng đặt vấn đề.

Nhiều năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật.

Nhiều năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật.

Bộ trưởng nhận định: “Nếu vẫn để người khác quảng cáo gì cũng được trên mặt báo của mình thì tờ báo sẽ không còn thương hiệu nữa. Nếu cứ tiếp tục giật tít, câu view thì thành lá cải. Mà lá cải thì giá cũng lá cải thôi. Nếu vẫn tiếp tục đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì tờ báo chắc không thể bằng một phần ngàn mạng xã hội (MXH), vì họ có hàng chục triệu phóng viên ở khắp mọi nơi.”

Vậy thì báo chí sẽ làm gì?” Đưa ra lời giải cho trăn trở này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Làm ngược lại những gì đang làm. Và quay về với những giá trị cốt lõi nhất của báo chí, của báo chí cách mạng Việt Nam. Quay về để đi xa hơn. Chỉ có quay về thì mới biết đường đi.

Và đường đi đó có thể là vừa làm giống, vừa làm khác với MXH. Làm giống là hãy biến mỗi tờ báo thành một MXH nhỏ. Làm giống là tờ báo phải công nghệ nhiều hơn (15-30% lao động là dân công nghệ). Làm khác là tin xác thực, là phân tích, là dữ liệu nhiều hơn, là dẫn dắt, định hướng, là giải pháp nhiều hơn. Làm khác là nguồn thu không chỉ dựa vào quảng cáo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Theo Bộ trưởng, đã đến lúc tất cả chúng ta cùng nhau suy nghĩ lại những việc mình đang làm, những cách mình đang làm: “Cái bất biến là mục tiêu chứ không phải cách làm. Cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra cơ hội cho những thay đổi lớn. COVID-19 là cú huých mạnh để thúc đẩy chúng ta thay đổi nhanh hơn, theo hướng xanh hơn và số hơn. Tất cả chúng ta hãy cùng suy nghĩ để kiến tạo một tương lai mới cho chính mình.”

Đọc thêm