Tại cuộc đối thoại trực tuyến xung quanh công tác an sinh xã hội chiều nay, 19/12, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định rất quan tâm tới vấn đề lao động thất nghiệp gia tăng do có nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm qua. Liên quan tới tình hình lừa đảo XKLĐ, Bộ trưởng hứa sẽ trực tiếp kiểm tra, “sai đâu, xử đó, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến chiều nay,19/12 |
Việc làm trong nước khó khăn, lao động nước ngoài trái phép gia tăng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11/2011, doanh nghiệp đã đăng ký 609.907, doanh nghiệp đã thu hồi chứng nhận đăng ký là 76.317, chiếm khoảng 12,6%, chứ không phải 40%. Tuy nhiên, trong số chưa phải thu hồi cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nhất định tới đời sống người lao động hoặc ảnh hưởng tới việc làm.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định ngành LĐTBXH rất quan tâm tới vấn đề lao động thất nghiệp và đã thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người lao động thất nghiệp có việc làm ở nơi khác.“Bộ đã chỉ đạo cụ thể như có văn bản đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia; chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để lao động thất nghiệp có thể tìm được việc làm mới; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với người lao động”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước nhiều câu hỏi của độc giả về tình trạng trong khi nhiều lao động trong nước gặp khó khăn về việc làm hoặc thậm chí thất nghiệp thì tình trạng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam vẫn có chiều hướng tăng, Ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) cho biết, theo báo cáo của các sở lao động- thương binh và xã hội, tính đến tháng 9/2011, ở Việt Nam có 78.440 người nước ngoài làm việc, trong đó 41.529 người được cấp giấy phép. Số không thuộc diện được cấp giấy phép (tức là vào Việt Nam làm việc dưới 3 tháng) là 5.581 người, số còn lại chưa được cấp giấy phép, đang làm thủ tục chiếm khoảng 30%.
Qua kiểm tra của các địa phương, của Bộ, lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn cao hầu hết làm việc cho các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam. Trong số này, phần lớn làm việc dưới 3 tháng, không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Ví dụ, Ninh Bình có 1.363 người, trong đó 1.005 người thuộc diện cấp giấy phép. Tại Cà Mau có 1.600 người, đến nay hầu hết đã được giấy phép và một số đã làm thủ tục cấp giấy phép.
Ông Trung cho biết Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46 để quản lý chặt chẽ các nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đồng thời chúng ta tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút các lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trước hết, xây dựng Luật Việc làm, trong đó có nội dung quan trọng về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, sớm xây dựng Luật Xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu quy định cụ thể vấn đề lao động từ khâu mời thầu, dự thầu, chấm thầu, thực hiện gói thầu các nhà thầu nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng hứa trực tiếp kiểm tra tình hình lừa đảo XKLĐ: sai đâu, xử đó
Trả lời trực tuyến các câu hỏi đề cập đến vấn nạn lừa đảo XKLĐ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết rất quan tâm tới vấn đề này. Bộ Trưởng thừa nhận có những đối tượng đã trục lợi thông qua việc lợi dụng nhu cầu chính đáng và sự thiếu hiểu biết, không nắm rõ thông tin của người lao động.
“Mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý tiếp nhận 15.000 lao động Việt Nam. Kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức, nhưng có tới 67.000 người đăng ký. Do đó, một số cò mồi đã hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng tôi đang phối hợp cùng với Bộ Công an xem xét, xử lý các cò mồi trong kỳ thi này”, Bộ trưởng nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh cho biết thêm lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để tránh bị lừa đảo cần liên hệ ngay tới Cục Quản lý Lao động ngoài nước. Trang web của Cục là www.dolab.gov.vn. “Tại đây, chúng tôi đã đăng tải rất nhiều thông tin về các thị trường xuất khẩu lao động, các chính sách, doanh nghiệp có đăng ký, được phép đưa lao động đi nước ngoài. Lao động có thể liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp này để có thể được lựa chọn đi làm việc phù hợp ở nước ngoài. Cục có đường dây nóng để người lao động có thể liên hệ trực tiếp: 04.38249517, số máy lẻ 511, 512.”, ông Thanh cho biết.
Về biện pháp ngăn chặn nạn lừa đảo XKLĐ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu ý kiến của độc giả và tới đây sẽ chỉ đạo Cục QLLĐNN chỉ đạo các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động phải có thông tin về từng đợt, từng chương trình, từng đối tác được đưa người lao động đi xuất khẩu để hướng dẫn xã và xã có trách nhiệm thông tin hướng dẫn người lao động.
“Bộ LĐTBXH rất mong nhận được góp ý của nhân dân, người lao động và phản ánh kịp thời lên chúng tôi. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ kiểm tra trực tiếp, sai đến đâu, xử đến đó, đúng đối tượng, theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Anh Phương (ghi)