Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai 3 điều của Luật Thi hành án dân sự

(PLVN) -Để triển khai kịp thời, thống nhất, toàn diện các nội dung của Luật; góp phần xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2022. Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung 09 Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự về ủy thác thi hành án và bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Để triển khai kịp thời, thống nhất, toàn diện các nội dung của Luật; góp phần xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, nâng cao kết quả THADS nói chung, hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự.

Theo đó, nội dung kế hoạch gồm rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản QPPL để phù hợp với các điều nêu trên (đã được sửa đổi bổ sung năm 2022); tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến nội dung và những điểm mới của các điều luật; tổ chức tập huấn các quy định về ủy thác thi hành án, xử lý tài sản; chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc áp dụng quy định về ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản.

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả chất lượng.

Đọc thêm