Hội nghị tập huấn có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các đơn vị và các Sở Tư pháp địa phương |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp cho biết: Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách là một trong những nội dung quan trọng của mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đây cũng là chỉ số đánh giá mức độ tiến bộ của từng quốc gia.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện và động viên phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực chính trị, trong đó bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham gia giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.
Chủ trương này được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới…
Bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp cho biết: "Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp tục lồng ghép giới hiệu quả vào quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy hơn nữa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ công chức, viên chức nữ Bộ, ngành Tư pháp" |
Cũng theo Vụ trưởng Phan Thị Hồng Hà, cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Chiến lược quốc gia, Chương trình, Đề án liên quan đến bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, trong đó có Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện các giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật; hướng dẫn việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
“Quán triệt đầy đủ yêu cầu của Chính phủ, trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vai trò của sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp tục lồng ghép giới hiệu quả vào quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy hơn nữa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ công chức, viên chức nữ Bộ, ngành Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng đã ban hành và triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của ngành Tư pháp, qua đó phát huy tối đa vai trò của phụ nữ nhằm góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH” – bà Phan Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Giảng viên của Hội nghị tập huấn là bà Phan Thị Lan Hương, Giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Đây đều là các chuyên gia về giới, về pháp luật có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú về các lĩnh vực liên quan. |
Để tiếp tục đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Bộ Tư pháp, trên nền tảng Tài liệu hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới trong hoạch định chính sách cho đội ngũ cán bộ nữ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý gồm 3 phần chính. Một là, khái niệm, nội dung về giới và bình đẳng giới. Hai là giới thiệu về phương pháp lồng ghép giới. Ba là thực hành lồng ghép vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Học viên đến từ Sở Tư pháp nhiều địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cùng phân tích, thảo luận các tình huống về giới và bình đẳng giới |
Giảng viên của Hội nghị tập huấn là bà Phan Thị Lan Hương, Giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Đây đều là các chuyên gia về giới, về pháp luật có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú về các lĩnh vực liên quan.
Các học viên hào hứng tham gia tình huống, bài tập do các Giảng viên đưa ra |
Phương pháp giảng dạy chủ đạo của Lớp tập huấn là phương pháp cùng tham gia, qua đó sẽ tạo môi trường tương tác chủ động, tích cực giữa giảng viên với học viên, giữa các học viên với nhau dựa trên nền tảng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, tập trung trí tuệ để cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất trước các vấn đề cụ thể.
Dự kiến, Hội nghị sẽ bế mạc sau 1 ngày trao đổi, thảo luận và thực hành các tình huống lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.