Như báo Pháp Luật Việt Nam đã đưa tin, vừa qua, UBND TP HCM có tờ trình Thủ tướng, Bộ Xây dựng về việc đề nghị công nhận kết quả rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, đối chiếu với các quy định hiện hành tại Nghị quyết số 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, các khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức đã đảm bảo đạt tiêu chí.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó, Bộ Xây dựng cơ bản nhất trí với đề xuất thực hiện sắp xếp, sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM của UBND TP HCM. Bộ này cũng đánh giá, đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP HCM phù hợp mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 37 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 13 của Thành ủy TP HCM ngày 16/10/2018.
Ngoài ra, căn cứ Báo cáo rà soát đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I của UBND TP HCM, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP HCM hoàn thiện Đề án thành lập thành phố Thủ Đức trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP HCM thực hiện một số nội dung sau đây:
Hiện nay, UBND TP HCM đang tổ chức lập đồng thời các Quy hoạch theo Luật Quy hoạch; Quy hoạch chung TP HCM, do đó, UBND TP HCM sớm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch và phân loại đô thị. Trong quá trình lập Quy hoạch chung khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức, TP HCM cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với nhiệm vụ Quy hoạch TP HCM (theo Luật Quy hoạch) và nhiệm vụ chung về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố (theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức, UBND TP HCM cần tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại I, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 21 l,5km2, dân số hơn 1,5 triệu người (bao gồm cả dân số quy đổi). Đây sẽ là hạt nhân dẫn đầu phát triển kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố và vùng Đông Nam bộ.
UBND TP HCM cũng xác định, căn cứ tiêu chí đô thị loại I theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thành phố Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm.
Trong đó: Tiêu chí 1: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt 20,00/20,00 điểm. Tiêu chí 2: Quy mô dân số đạt 6,69/8,00 điểm. Tiêu chí 3: Mật độ dân số đạt 5,98/6,00 điểm. Tiêu chí 4: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6,00/6,00 điểm. Tiêu chí 5: Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 48,51/60,00 điểm.
Dự kiến thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.