Tính đến chiều 3/11, TP HCM đã ghi nhận có 21 ca mắc dịch Zika và 9 ca nghi ngờ tại 11/24 quận, huyện.
Theo PGS.TS Phan Trọng Luân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, trong 5 tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 5 ca nhiễm Zika, trong đó có 4 thai phụ có xét nghiệm dương tính với vi rút Zika, có một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Vào tháng 4 vừa qua, tại TP HCM phát hiện 1 thai phụ mang bầu dưới 3 tháng nhiễm Zika ngụ quận 2. 1 tháng sau thai phụ này sảy thai.
Trước tình hình đó, UBND TP HCM đã có buổi họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika. Sở Y tế TP HCM cho biết, trong quá trình tổ chức tầm soát virus Zika, thành phố đã xét nghiệm 921 trường hợp, phát hiện 21 trường hợp và còn gần 56 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nghi ngờ 9 mẫu nhiễm Zika.
Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả hơn, TP HCM sẽ tiếp tục chương trình giám sát phòng dịch bệnh Zika tại 30 bệnh viện trên địa bàn. Tất cả các trường hợp nhiễm vi rút Zika, nhất là phụ nữ có thai bị nhiễm Zika đều được chăm sóc, theo dõi trong suốt thai kỳ.
Như vậy, Việt Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika ở 7 tỉnh, thành. Ngoài TPHCM chiếm số lượng cao nhất, Đắk Lắk 3 ca, Bình Dương có 2 ca, Khánh Hòa 2 ca. Các địa phương Phú Yên, Long An, Trà Vinh mỗi nơi phát hiện một bệnh nhân. Một em bé ở Đắk Lắk được ghi nhận bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, người dân không khỏi lo lắng, đặc biệt là với những phụ nữ đang có ý định mang thai và đang trong thời gian thai kỳ vì loại vi rút này có thể gây dị tật đầu nhỏ đối với thai nhi.
Theo thông tin từ WHO, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi trẻ bị dị tật đầu nhỏ không chỉ bị thiểu năng trí tuệ mà còn bị khuyết tật vận động, bị liệt và nhiều bệnh khác.
Theo các chuyên gia y tế, khoảng 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, kể cả phụ nữ mang thai. Một số trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện như phát ban dát sần, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày. Đặc biệt, trên phụ nữ mang thai khi nhiễm vi rút Zika thì thời gian tồn tại của vi rút trong máu lâu hơn so với người khác.
Nghiên cứu cho thấy trên phụ nữ mang thai không có biểu hiện lâm sàng vi rút trong máu có thể tồn tại đến 53 ngày kể từ lần phơi nhiễm. Còn với phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng thì vi rút tồn tại trong máu lên đến 62 ngày sau khi khởi phát. Khi có vi rút Zika trong máu ở phụ nữ mang thai thì đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, không giống như thai nhi bị dị tật do virus Rubella có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ, có thể xử lý nếu siêu âm thấy thai nhi có dị tật, nhưng bệnh đầu nhỏ ở thai nhi do mẹ mắc virus Zika chỉ phát hiện ở những tháng cuối thai kỳ khiến trẻ sinh ra có thể bị mắc nhiều khiếm khuyết và lúc này cũng chỉ có thể sinh con ra vì thai nhi đã lớn.
TS.Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cũng cho biết các biện pháp sàng lọc dị tật đầu nhỏ là khám, hỏi bệnh và phát hiện qua siêu âm đo vòng đầu thai nhi phát hiện kích thước đầu nhỏ so với tuổi thai. Tuy nhiên phải cuối thai kỳ thứ 2, đầu thai kỳ thứ 3 - tức là tháng thứ 6, 7 mới siêu âm đo vòng đầu thai nhi thì mới phát hiện đầu nhỏ. Hiện có 4 cơ sở có thể thực hiện sàng lọc nhiễm vi rút Zika cho phụ nữ mang thai gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời. Cùng với đó, toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản 6278/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” lần thứ 2 trong tháng 11/2016. Hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động diệt muỗi, diệt bọ gậy để phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika. Hoạt động được thực hiện tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai và xã Đại Thành, huyện Quốc Oai nhằm bắt được nhiều muỗi nhất để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, tăng cường kiểm tra thân nhiệt của hành khách, đặc biệt là hành khách đến từ các vùng đang có dịch bệnh do vi rút Zika; áp dụng các biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.