Thú chơi hại người
Trung úy hải quân Leopolel Pallu (1828) trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861” đã viết về thói mê cờ bạc của người Việt: “Họ ham chơi, khi làm được tiền là sài ngay… Họ ham mê cờ bạc cao độ, thoáng là đã thua sạch, chỉ còn cái cain- chian ở trên người”. (Người dịch giải thích, cain-chian nghĩa là cái chăn, cách Leopolel Pallu gọi miếng vải rộng buộc bằng dây lưng quấn quanh bụng, trang phục của người An Nam thời đó).
Cái nhìn có phần vô tư của một người ngoại quốc đã thể hiện hai điều. Thú chơi cờ bạc đã có mặt từ lâu và nhiều người đam mê đỏ đen. Ham mê đến độ thua bằng sạch, chỉ còn mỗi… “cái chăn” để che thân. Chính máu đỏ đen hay sự ham ăn thua là mảnh đất màu mỡ để cờ bạc tồn tại.
Ở một số nước phương tây, trong khuân khổ nào đó, cờ bạc được hợp pháp hóa. Nổi tiếng nhất có lẽ là Lasvegas (Mỹ) mệnh danh là “thiên đường cờ bạc”, nơi mọi người đều có thể thử vận may hoặc cháy túi.
Một số tài liệu cho rằng nơi này là ý tưởng của một trùm maphia gốc Ý vào những thập niên đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, chính ông ta lại không may mắn. Lúc đầu, các khách sạn cờ bạc do ông ta xây dựng không hề có khách. Tiền do các tập đoàn tội phạm đầu tư bị lỗ là không thể tha thứ. Tay trùm kể trên bị băng nhóm thanh toán, găm đạn lỗ chỗ vào người.
Nực cười là chỉ ít thời gian sau, nơi này khách đỏ đen đến đông nghẹt. Lasvegas phát triển như ngày nay công đầu chính nhờ tay trùm xấu số kể trên.
Còn ở nước ta, cờ bạc không được pháp luật công nhận. Đây là điều vô cùng đúng đắn. Dân gian có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần”, biết bao thảm cảnh nợ nần, tan nhà nát cửa cũng vì thú ham mê đỏ đen mà ra.
Luật pháp điều chỉnh ngăn chặn cờ bạc chính để phòng ngừa những hậu quả như thế. Đương nhiên, cái gì bất hợp pháp thì giang hồ nhúng tay. Như mọi loạt tệ nạn xã hội khác, cờ bạc trở thành một lĩnh vực kiếm tiền “bẩn” của “thế giới ngầm”.
Giang hồ Hà Thành ít năm gần đây nhắc đến T “tài dậu”. Người này cả đời sống bằng nghề cờ bạc, chẳng đâm chém ai bao giờ nhưng lại được coi là “trùm” của “trùm”. Nhân vật kỳ lạ này sẽ được nhắc đến ở các kỳ sau, sẽ giải thích rõ hơn tại sao có thể leo cao đến thế.
Như vậy vị thế không ở số một nhưng dân cờ bạc luôn được các trùm giang hồ o bế, che chở. Có lẽ bởi tiền “bẩn” kiếm từ cờ bạc vừa dễ vừa khá an toàn, trên chiếu đỏ đen, dùng đầu, dùng mẹo là chính chứ mấy khi dùng sức.
Những năm 1980, có một tay cờ bạc luôn được các băng nhóm Hà Thành chào đón. Người này sinh khoảng năm 1956, không rõ họ cũng như quê quán, chỉ biết giang hồ gọi ông ta là Thuật “móng tay dài”.
“Siêu bịp” móng tay dài
Đúng như biệt hiệu, không rõ đã “nuôi” trong bao lâu, Thuật có chiếc móng tay cái ở bàn tay phải rất dài, cuốn lại mấy vòng như xoáy trôn ốc.
Là “bậc thầy” đánh xóc đĩa, Thuật “bật mí” rằng chính chiếc móng tay giúp mình xóc cái cực chuẩn. Vì thế, gã từng nói không sợ bị đánh, thậm chí không sợ bị bắt, chỉ sợ bị bẻ móng tay. Không rõ chiếc móng tay có ma lực gì nhưng sự thật là Thuật đã đưa xóc đĩa lên hàng “nghệ thuật”.
Việc xóc cái, dân trong nghề cần “cân tay ngay bát”, tiếng quân vị “nổ” đều như vắt chanh. Thuật cũng thế, xóc cái trăm lần giống cả trăm nhưng tài là gã bỏ tiền, chỉ cần xóc cho thật đẹp, thật chuẩn, việc “thừa thiếu” chung cho trong sới đã có các đàn anh xử lý.
Cờ bạc khiến bao gia đình tán gia bại sản. (hình minh họa) |
Về nguyên tắc, Thuật chỉ “làm công ăn lương”, làm người xóc cái thuê, thế mà giữa những năm 1980, có ngày gã kiếm cả chục “cây” vàng. Đây là thời hoàng kim của gã và cũng để thấy rằng, “thế giới ngầm” kiếm tiền “bẩn” từ cờ bạc khủng khiếp thế nào.
Nhưng lòng tham của đám trùm chưa dừng ở đó. Sau này, khi đã thân tàn ma dại, Thuật kể rằng, lúc đầu, gã xóc cái thuê hoàn toàn “xanh chín”. Nghĩa là thua được trong sới bạc đúng nghĩa đỏ đen, may rủi, chọn đúng mặt thì phải trông vào “tiếng kết” của gã để đánh với “làng”.
Về sau, đám trùm không muốn trông vào đỏ đen, không muốn dựa quá nhiều vào cái tài của Thuật nữa. Bởi dù rất lão luyện trong nghề nhưng Thuật cũng có lúc sai lầm, chọn nhầm “tiếng kết”. Bốn quân vị chẵn lẻ nằm trong cái bát kín, ai là kẻ dám bảo chẳng bao giờ chọn sai. Thế là một số trùm quyết định đánh bịp. Dù không muốn chơi kiểu bịp bợm, Thuật vẫn phải theo. Gã tài thật nhưng so số má, gã sao sánh được các đàn anh. Cãi lại chỉ có nước mất mạng.
Thuật kể rằng năm 1985, xóc thuê cho đàn anh T “lai” ở khu vực Mai Động (quận Hai Bà Trưng) sới bắt đầu bịp. Cách bịp của T “lai” cũng khá kín kẽ. Không bịp cả mà chỉ chọn những tiếng bạc “làng” “khát nước” đổ dồn vào một mặt.
Nhiệm vụ của Thuật lúc ấy lại không phải là xóc đều tay nữa, mà phải xóc sao cho các con bạc đều “nghe” vị ra tiếng bạc bệt, nghĩa là tiếng trước là chẵn thì tiếng sau vẫn bệt lại chẵn. Khi cả làng đổ xô vào chọn mặt chẵn, hệ thống bịp sẽ vận hành để mở bát, kiểu gì cũng là mặt lẻ. “Công nghệ” bịp bợm ra sao, các bài sau sẽ nói kỹ hơn, chỉ cần biết rằng khi nhà cái bịp, con bạc không có phần trăm nào thắng cả.
Thuật nhớ lại rằng những ngày sới vét sạch tiền mặt của khách, đám bạc có gì trên người mang ra cầm hết. Có ngày đàn anh T. “lai” kiểm kê được hàng áo Nato Mỹ, mũ cối, dép đúc Tàu… những đồ đặc trưng của dân anh chị thời ấy, giá toàn tính “chỉ” vàng.
Chấp nhận đánh bịp, thu nhập của Thuật tăng lên nhưng cùng với đó, nguy cơ cũng đã cận kề. Dù T. “lai” rất cao tay, dù Thuật “móng tay dài” nổi danh xóc cái, nhưng đám giang hồ dần “ngửi” thấy mùi… có gì đó không ổn.
Việc Thuật kết hợp cùng đàn anh bịp bợm không bao giờ bị bắt quả tang, có điều, với “thế giới ngầm”, nhiều việc không cần bằng chứng. “Giết nhầm còn hơn bỏ sót”, nghi ngờ là quá đủ rồi. Cần nói thêm, T “lai” là giang hồ khét tiếng thời ấy, không hề dễ đụng. Nhưng Thuật thì không đủ số má như thế.
Một ngày hè năm 1986, Thuật bị một nhóm bịt mặt phục kích, dính thương tích khá nặng. Tệ hại nhất sau trận đòn, gã gần như điếc và bị … bẻ mất móng tay. Như lời một sát thủ ghé tai Thuật đã nằm gục trên đường để mày khỏi nghe tiếng vị, khỏi xóc cái bịp bợm nữa.
Suýt chết và mất hết lợi thế để hành nghề cờ bạc, liệu Thuật có từ bỏ?
(còn nữa)