Mỗi mùa tháng 7 là lúc những người làm báo Pháp luật Việt Nam hành hương qua những chặng đường hy sinh đấy để soi mình vào những linh hồn bất tử với một tâm thức biết ơn. Để rồi trên con đường nghề nghiệp, trong văn hoá và ứng xử phải sống sao cho không thẹn với lòng mình…và nhất là không sống vô ơn!
Sâu như những chuyến đi bồi đắp tâm hồn
Đã nhiều lần hành hương cùng đoàn trong những chuyến đi mùa tháng 7, nhưng mỗi một chuyến đi lại có những xúc cảm khác nhau mỗi khi về đến các địa chỉ đỏ. Như một bài hát mình nghe, mỗi bài thơ mình đọc, khi những trải nghiệm cuộc sống khác nhau thì cảm nhận về nó mỗi lần đọc, mỗi lần nghe một khác.
Bạn đọc chắc hẳn đã nghe ca khúc “Bài ca không quên” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn. Nhưng bài hát ấy vang lên trong thời khắc tưởng niệm và nhớ thương 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc thì những giai điệu và ca từ làm cho người nghe lặng đi và trào dâng những niềm xúc động khó tả.
|
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo PLVN dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ |
Trong cái nắng, trong sâu thẳm của trời xanh Đồng Lộc, trong khói hương nghi ngút, cứ lặng lại, nhắm mắt và nghe khúc ca này cảm giác như cả trời đau thương và quá khứ hiển hiện trong tâm khảm. Như nghe cả tiếng khúc khích nói cười của những cô thanh niên xung phong nằm lại nơi này.
“Có một bài ca không bao giờ quên
là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên
Có một bài ca không bao giờ quên
là lời mẹ ru con đêm đêm
Bài ca tôi không quên, tôi không quên tháng ngày vất vả
Bài ca tôi không quên, tôi không quên gót mòn hành quân hối hả
Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya
Có một bài ca không bao giờ quên
là mẹ dõi bước con bạc tóc thời gian
Có một bài ca không bao giờ quên
là rừng lạnh sương đêm trăng suông
Bài ca tôi không quên, tôi không quên những ngày đã ngã
Bài ca tôi không quên, tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả
Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương …
Nhưng giờ đây có giây phút bình yên
Sao tôi quên, sao tôi quên
Bài ca tôi đã hát với quê hương, với bạn bè với cả cuộc đời
Tôi không thể nào quên ... tôi không thể nào quên…” .
Cứ mỗi lẫn vào Ngã ba Đồng Lộc, là mỗi lần trong tôi vọng lại hai tiếng “Cúc ơi!”. Khi các bạn của chị Cúc đã tìm thấy xác và đã xếp “một hàng ngang” thì vẫn chưa thấy hình hài o Cúc đâu. Nhà thơ Yến Thanh đã khóc thay cho bao con tim thương đau khi đào bới mãi chưa tìm thấy Cúc.
Cứ vào Đồng Lộc để nghe bài thơ này thì mãi mãi nó trở thành một niềm xúc động đến ám ảnh, làm cho chúng ta khóc ngon lành vì thương, vì trân trọng và cả vì biết ơn:
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần biết
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?...”
Khi xe dời Đồng Lộc, tôi nhắn cho TS Đào Văn Hội mấy câu, rằng mỗi lẫn đi đều đem lại cho mình những cảm xúc rất khác. Lạ hơn và sâu hơn. Anh gật đầu bảo, chính anh cũng có cảm giác như vậy, dù đã 13 mùa anh dẫn đoàn của Báo Pháp luật Việt Nam đi hành hương. Tổng Biên tập còn cao hứng làm thơ:
“Tháng 7 nắng lửa gọi về
Ngát hương Ngã ba Đồng Lộc
Vẫn nghẹn ngào như mươi năm trước
Một lòng ơn nặng tình sâu
Chở đạo cho đời trên từng con chữ…”
Bài học từ sự biết ơn
Bồi đắp tâm hồn, sâu xa nhất chính là sự biết ơn tiền nhân, biết ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc, cho độc lập dân tộc. Bồi đắp tâm hồn chính là gầy dựng một thế hệ trẻ không vô ơn. Cũng vậy mà đoàn đi của Báo có rất nhiều phóng viên trẻ. Trẻ đến độ khó để hình dung về chiến tranh, về hy sinh mất mát.
Có phóng viên lần đầu được đến với những địa chỉ đỏ miền Trung. Để rồi họ như ngơ ngác không tin vào mắt mình khi đứng trước bát ngát những ngôi mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn hay Nghĩa trang Đường 9 Nam Lào. Sau 9 tiếng chuông tưởng niệm, không ai bảo ai cứ cầm hương và nến đi tìm “đồng hương” của mình.
Khu vực của các liệt sỹ Hà Nội ngay cạnh sát đài tưởng niệm, phóng viên trẻ Nguyễn Ngọc Sinh còn tình cờ tìm được một đồng đội của bố mình, là người cũng phường, cùng lên một chuyến xe ra trận cùng bố của mình. Sinh bảo: “Họ thì nằm lại, may mắn hơn bố em được trở về. Vào đây, đứng tại nơi này và thắp một nén nhang, em hiểu hơn về những cái giá quá đắt chúng ta phải trả cho cho hoà bình và cho thế hệ hôm nay.
Người ngã xuống lúc đó còn trẻ hơn em bây giờ. Họ đã làm nên những điều phi thường, không biết tụi trẻ bọn em có làm được điều này? Chỉ biết soi mình vào các thế hệ cha chú để sống như một thế hệ trẻ không vô ơn!”.
|
Phóng viên Báo PLVN trên hành trình tri ân. |
Bằng cách này hay cách khác, những cán bộ, phóng viên của Báo đều thể hiện niềm xúc động của mình qua những chuyến đi này. Trên trang facebook cá nhân của anh chị em cán bộ, phóng viên sau chuyến đi đều để lại những tình cảm và lòng tri ân đối với những người nằm xuống cho Tổ quốc.
Huy Thiện, Trưởng đại diện của Báo PLVN tại duyên hải phía Bắc dẫn lại một câu danh ngôn. “Trở về sau chuyến đi miền Trung càng thấm thía: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”.
Chỉ cần vậy, đấy là thành công có ý nghĩa nhất của Pháp luật Việt Nam trong hành trình bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn. Sau mỗi chuyến đi ấy, cái tôi sẽ dần tan biến đi cùng những hèn mọn vô ơn, để những người trẻ trưởng thành hơn trong nhận thức và tâm hồn của mình. Để cái tôi bỗng hóa thành cái ta mà sống, viết và làm báo có trách nhiệm với cuộc đời. Và hơn cả là một sự biết ơn để phụng sự lẽ phải, phụng sự Tổ quốc và dân tộc mình trong hành trình làm báo.
Còn với những người sau nhiều chuyến hành hương, để ý bước chân của họ mỗi khi vào thành cổ Quảng Trị như khẽ khàng hơn. Bởi họ biết rằng dưới bước chân mình vẫn còn có nhiều người yên nghỉ, nhiều người chưa được quy tập trở về. Máu xương họ hòa lại nơi này để tạo nên một thảm cỏ non xanh tơ, đau đớn và day dứt như cách viết của nhạc sỹ Tân Huyền.
“Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ
Bình minh thành cổ cỏ mềm theo gió đung đưa
Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ.
Người mẹ nào, người vợ nào.... ngậm ngùi nuốt lệ
Khi chồng con không trở về...
Cho tôi hôm nay vào thành cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ.
Cỏ xanh non tơ - cỏ xanh non tơ
Xin chớ vô tình với người hy sinh
Trên mảnh đất quê mình...”.
Vỹ thanh
Tri ân không phải là một hành động biết ơn kiểu đến hẹn lại lên, mùa tháng 7 về thì đi tặng nhà tình nghĩa. Nó phải thực sự là những chuyến hành hương bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị sống trong tâm hồn của mỗi con người. Để sau những chuyến đi là cả những thay đổi và trưởng thành trong nhận thức.
Đi để nhận lấy về mình những trải nghiệm để sống tử tế hơn với đời, với nghề và với chính bản thân mình. Pháp luật Việt Nam 13 năm liên tục đã có những chuyến đi như vậy. Nhiều thế hệ cán bộ phóng viên, nhất là phóng viên trẻ đã được tham dự những chuyến đi này và thực sự với họ đó là những kỷ niệm đáng nhớ.
Tháng 7 tri ân, tháng 7 của những chuyến đi để mình không sống một cuộc đời vô ơn. Đó sẽ là điều còn mãi trong văn hóa và nhận thức của những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam.