Bóng áo xanh thân thương trong lòng người dân vùng biên Nghệ An

(PLVN) - Có được cuộc sống mới ngày càng đủ đầy, ấm no hơn tại Huồi Sơn, ngoài sự nỗ lực vươn lên của bà con dân bản thì những người thầm lặng, luôn bên cạnh họ để giúp đỡ ngay từ ngày mới đặt chân đến là các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Một trong những người gắn bó lâu nhất với bà con, được bà con dân bản coi như con trong nhà là thiếu tá Lê Văn Hà.
Thiếu tá Lê Văn Hà luôn được nhân dân tin yêu, trẻ con trong bản Huồi Sơn xem bộ đội biên phòng như người thân trong gia đình

Bộ đội mở đường, khai hoang ruộng lúa

Hơn 40 hộ dân đồng bào Mông trước kia sống tại hai cụm dân cư Huồi Sến và Tân Sơn (thuộc địa phận xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) theo kiểu “du canh, du cư” trong khu rừng già nơi tiếp giáp biên giới Việt  - Lào, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Cảnh thiếu ăn, đói rét, bệnh tật luôn là những thứ họ phải đối mặt quanh năm, đặc biệt trẻ em không được biết đến cái chữ. Không ít người đã bị những đối tượng xấu lôi kéo chặt phá rừng trồng cây thuốc phiện, vượt biên trái phép… 

Năm 2006, các cấp chính quyền đã vào cuộc vận động tái định cư tại Huồi Sơn. Để vận động bà con gắn bó, ổn định với khu tái định cư, BĐBP Nghệ An đã quyết định xây dựng nơi đây làm bản điểm, củng cố cơ sở chính trị, an ninh quốc phòng để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, thì một tổ công tác biên phòng được thành lập ở Huồi Sơn để sống cùng, ăn cùng, làm cùng, ở cùng bà con. Một trong những cán bộ được lựa chọn về đây là thiếu tá Lê Văn Hà, cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An.

Thiếu tá Hà được giao phụ trách tổ thợ mộc giúp bà con làm nhà gỗ kiên cố, khi kiến thức về mộc trong tổ người có người không. “Cũng từng biết đến làm mộc, nhưng cũng chỉ làm những thứ còn đơn giản như cái bàn, cái ghế. Còn làm nhà thì nhiều người hơi e ngại, nhưng anh em động viên nhau nên mọi người cũng yên tâm. Sau thời gian học hỏi, giúp đỡ nhau, đến nay “tay nghề” anh em cũng thuộc dạng khá khá…”, thiếu tá Hà cười nhớ lại.

Một đặc điểm đặc trưng tại đỉnh Huồi Sơn là mưa thường kéo dài dầm dề khiến mọi công việc cũng chậm hơn. Theo thượng úy Nguyễn Đình Chuyên, một thành viên của tổ, những ngày nắng anh em tạc cột, bào hoành, tranh thủ làm cả đêm để kịp có vật liệu đầy đủ làm nhà vì thời tiết thất thường “không chiều lòng người”.

Những chiếc lán dã chiến được dựng lên che mưa, mà nói đúng hơn là che máy móc khỏi hỏng, còn những người lính thì vẫn ướt đẫm. Trung bình cứ khoảng già nửa tháng (17 -18 ngày), một ngôi nhà mới được dựng lên cho bà con. Những ngày dựng nhà, cả bản như một ngày hội, tiếng đồng thanh dựng những cây cột nặng hàng tạ, tiếng người nói râm ran, tiếng đục đẽo vang cả một khu rừng.

Một kỷ niệm đáng nhớ là hôm dựng nhà của ông Xồng Bá Ảnh, dân bản mỗi người một vị trí, khi khung nhà gần hoàn thành thì trời đổ mưa tầm tã. Quân và dân ai nấy đều lạnh tím tái người nhưng không dám bỏ vị trí, vì chỉ cần thiếu một vài người, công trình có thể đổ sập. Gấp rút, cần mẫn đến gần 12 giờ trưa, bộ khung gỗ của ngôi nhà được dựng xong, mọi người mới thở phào, rời cột, rời kèo chạy đi tìm bếp lửa vì rét run người. 

Con của bản làng

Gần một năm làm việc cật lực, tổ thợ biên phòng cùng dân bản đã hoàn thành được 41 căn nhà cho các hộ dân. Cùng thời điểm, tổ công tác vận động nhân dân, phối hợp với hàng trăm chiến sĩ thuộc Trung tâm huấn luyện BĐBP Nghệ An được điều động về cùng mở đường giao thông nội bản, khai hoang ruộng lúa nước. 

Đã hơn 10 năm trôi qua, bản Huồi Sơn đang ngày một khởi sắc, cuộc sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ ngày về bản Huồi Sơn tái định cư, con em trong bản được đến lớp học con chữ, nên trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Trong sự đổi thay của người dân bản làng biên giới đó mang nặng dấu ấn của những người lính biên phòng. Đặc biệt là Thiếu tá Lê Văn Hà có cả quá trình dài bám bản, cầm tay, chỉ việc cho nhân dân. 

Trưởng bản Xồng Bá Lỳ còn trẻ tuổi, sinh năm 1984 nhưng được bà con tin tưởng, được đánh giá là người chịu khó, nhanh nhẹn, có tâm với dân bản. Theo chân thiếu tá Hà đến nhà trưởng bản Xồng Bá Lỳ, bên bát nước ấm, câu chuyện giữa hai người xoay quanh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những nội dung quan trọng mà Chi bộ bản Huồi Sơn đã đặt ra trong cuộc họp gần đây như: Bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trong những ngày lạnh giá; Có phương án chống rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của bản trong mùa đông… 

Chi bộ Đảng của bản Huồi Sơn được thành lập chỉ sau hai năm di dân về định cư, ban đầu có bốn đảng viên gồm cả cán bộ biên phòng và giáo viên cắm bản sinh hoạt ghép. Sau một thời gian, được thiếu tá Hà cùng đồng đội bồi dưỡng thì hàng năm đều có thêm đảng viên mới là người trong bản được kết nạp.

Đến nay, Chi bộ Đảng bản Huồi Sơn đã có 14 đảng viên, trong đó có hai đảng viên nữ là người Mông. Đồng thời các tổ chức hội như thanh niên, phụ nữ cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả, góp phần trong việc xây dựng đời sống văn hóa bản làng biên giới.

Thiếu tá Hà cùng trưởng bản đến nhà văn hóa thông báo bằng tiếng phổ thông những nội dung đã được thống nhất trước đó qua loa truyền thanh, sau đó được Xồng Bá Lỳ đọc lại lần nữa bằng tiếng của đồng bào Mông.

Cả hai tiếp tục xuống gặp gỡ người dân trong bản, đến đâu thiếu tá Hà cũng đón nhận sự thân thiện, tin tưởng của dân bản. Dạo một vòng quanh bản, có thể dễ dàng nhận thấy gần như nhà nào cũng có trâu, bò, dê, lợn, gà… Trong nhà có vô tuyến, xe máy, máy xát gạo và nhiều vật dụng có giá trị.  

Khoảng ba năm trước, gia đình anh Xồng Lầu Tó được Đồn Biên phòng Tam Hợp tặng một cặp dê, thiếu tá là người Hà trực tiếp hướng dẫn gia đình chăm sóc, phát triển. Đến nay, gia đình anh Tó đã có đàn dê gồm 16 con lớn, nhỏ.

“Được bộ đội tặng dê giống, lại cử cán bộ Hà bám bản hướng dẫn chăm sóc nên việc chăn nuôi gia súc không mấy khó khăn. Vừa rồi bán được sáu con dê lớn có tiền mua được ti vi, máy xát gạo. Nhiều nhà trong bản cũng được tặng dê và phát triển tốt như nhà mình”, anh Tó phấn khởi nói.

Tối đến, tiếng ti vi bà con mở xem thời sự, các chương trình giải trí khác trong những ngôi nhà gỗ rộn vang cả núi rừng, át luôn cả tiếng mưa rơi. Đám trẻ nhỏ bên cửa sổ học bài dưới ánh đèn điện. Đâu đó, bóng dáng thiếu tá Lê Văn Hà cùng đồng đội ngày đêm bảo vệ bình yên cho bản làng. 

Đọc thêm