Bóng cười, người khóc

(PLO) - Thời gian gần đây, nhiều tụ điểm ăn chơi bị lực lượng chức năng “phá” và khách chơi ở các tụ điểm đó phần lớn là dương tính với ma túy sau khi kiểm tra. Tuy nhiên, có “phá” mà không “triệt” được, các tụ điểm đó mọc lên như nấm, hồi sinh nhanh chóng và tiếp tục tái diễn những khách làng chơi ma túy như chưa hề có vụ triệt phá nào.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một thứ không phải ma túy nhưng gây ảo giác và gây nghiện được gọi là “bóng cười” khá thịnh hành và công khai tại các quán giải trí cùng với Shisha nhưng cũng chẳng ai triệt phá nó cả. Những khách lui tới quán này thường là những người trẻ tuổi, trong đó có cả các em học sinh. Một quả bóng cười có giá trên dưới 100.000 đồng, mỗi lần “vui chơi” hít dăm bảy quả là chuyện thường, hàng triệu đồng bay theo khí độc vào người.

Người ta không chú ý đến bóng cười cho đến khi xảy ra chuyện tại lễ hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây khiến 7 người chết và 5 người khác nhập viện. Những người này đều được xét nghiệm và kết quả cho thấy họ đã “chơi” bóng cười và các viên ma túy tổng hợp. Bóng cười - thứ kích thích ảo giác đó đã trở thành phần không thể thiếu trong các lễ hội âm nhạc và cả những viên ma túy tổng hợp nữa.

Cũng trong thời gian này, liên tục diễn ra các vụ phá án ma túy, chặt đứt các đường dây vận chuyển ma túy vào nước ta. Mới nhất là lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phối hợp với nước bạn Lào “đánh chặn” từ xa một đường dây ma túy và số lượng khiến người ta kinh ngạc: 200.000 viên ma túy tổng hợp đang trên đường “nhập khẩu” vào nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng ở nước ta cao đến mức nào và tất nhiên điểm đến của nó sẽ là các tụ điểm ăn chơi và cả những đêm nhạc hội.

Điều đáng ghi nhận là “đánh” ma túy hiện nay đã nhằm vào những đường dây buôn bán lớn và triệt phá đến tận “sào huyệt ma túy” như vụ Lóng Luông (Sơn La). “Đánh” như vậy mới có khả năng chặn tận gốc thứ chất cấm nguy hiểm này và hơn nữa hạn chế đi những vụ buôn bán lẻ tẻ, “tàng trữ cò con” mà phải chịu một hình phạt nặng nề.

Một phụ nữ nghèo, làm thuê, chồng bỏ đi, nuôi con dại ở địa phương “điểm nóng” ma túy tại một huyện miền núi tỉnh Nghệ An, chị nhận được cú điện thoại của người đàn ông không quen biết nhờ mua ma túy và người đàn bà nghèo khổ cần tiền này nhận lời. Chị lên núi, đến gặp người buôn ma túy, không có tiền mặt, phải “thế” cái nhẫn vàng giữ giúp người khác rồi lấy ma túy về, khi giao cho người đàn ông kia thì bị bắt, còn người đó “trốn thoát”. Chị bị kết án 15 năm tù.

Hệ lụy của ma túy không chỉ khiến con người tê liệt ý chí, tàn phá sức khỏe, mầm mống tội phạm mà cả những người hiền lành, lương thiện cũng “thân tàn, ma dại” vì nó. Vậy nên, phải “đánh chặn” nó như Quảng Trị vừa làm, phải triệt phá toàn bộ các tụ điểm ăn chơi và nên cấm tiệt, từ bóng cười đã khiến bao người phải khóc.

Đình chỉ cấp phép các lễ hội âm nhạc để làm công tác tổ chức chặt chẽ, ngăn ngừa việc sử dụng chất kích thích và “vui quá trớn” cũng là một biện pháp cần thiết và cần thiết hơn cần xử lý nghiêm khắc những người sử dụng ma túy - “đầu ra” và thị trường tiềm năng cho như kẻ buôn bán “cái chết trắng” khai thác.