Bóng tối sau nụ cười của người chuyển giới

Rất nhiều người chuyển giới đang phải sống trong cảm giác cô đơn và lạc lõng, thậm chí là cảm giác sợ hãi. Khi những người chuyển giới là thiểu số trong xã hội, và rất khó tìm thấy những người đồng cảnh ngộ, họ không biết chia sẻ, tâm sự những tâm tư thầm kín với ai, nếu nói ra ước muốn của mình thì sẽ bị soi mói, kì thị, nhiều khi bị bạo hành.

[links()]Kỳ I: “Mẹ ơi, con phải trở thành con gái…”*
Khi cậu bé Daniel, nhân vật trong cuốn sách “Mom, I need to be a girl” của Just Everly nói với mẹ: “Mẹ ơi, con phải trở thành con gái”, cậu đã nhận được sự cảm thông và giúp đỡ từ mẹ, hai người anh trai và nhiều người khác, dù trong quá trình ấy cậu gặp không ít khó khăn. Để rồi vài năm sau, Daniel đã trở thành cô gái Danielle xinh đẹp. Còn ở Việt Nam, những cậu bé muốn trở thành con gái thì là một quá trình đau khổ và đơn độc… 
Người đẹp chuyển giới
Người đẹp chuyển giới
Lạc lõng và cô đơn!
Khi tôi tiếp xúc với hai bạn có nhu cầu chuyển giới ở Hà Nội, ấn tượng của tôi hoàn toàn trái ngược so với những gì tôi đã suy nghĩ trước đó. P. và B. không hề tạo cảm giác khó chịu như những diễn viên giả gái lố bịch, khiên cưỡng trên màn ảnh. Phương sinh năm 1991, hiện đang học một trường đại học, cậu để tóc ngắn, mặc quần Jean và áo phông giản dị. Bình sinh năm 1992, học cao đẳng Du Lịch, Bình hơi nữ tính một chút, cậu để tóc dài, đeo khuyên tai, mặc một chiếc áo mềm mại của con gái. Nếu đi ngoài đường chắc chắn tôi sẽ nhầm Bình là một cô gái.
Cuộc gặp mặt trong quán café diễn ra khá gượng gạo, Phương tỏ ra thận trọng khi biết tôi sẽ viết một loạt bài về người chuyển giới. Tôi giải thích lý do viết và đảm bảo an toàn về thông tin thì em mới yên tâm hơn. Phương có cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, chậm rãi. Thoạt đầu mới nhìn người ta chỉ thấy em là một chàng trai hiền lành hơn bình thường, có những nét nữ tính hơn các bạn trai khác; nhưng từ những năm cấp 2 Phương đã cảm thấy mình thích làm con gái hơn. Suy nghĩ đó ngày càng rõ hơn khi Phương lớn lên. “Cho đến tận cấp 2 mọi người chỉ nghĩ là em ít nói, hiền lành và nữ tính, mọi người cũng chỉ nghĩ em còn trẻ con, chưa hiểu biết vậy thôi. Không ai biết em thích là con gái”. Phương tâm sự.
Tôi hỏi Phương có biết tại sao em lại muốn trở thành con gái không, Phương cười và nói rằng không biết, mong muốn ấy của em đến hết sức tự nhiên, chính em cũng không hiểu tại sao mình lại muốn như vậy. Em chỉ biết mình thích làm con gái, và trở thành con gái mới đích thực là trở thành giới tính của mình. 
Khi tôi muốn biết về thái độ của gia đình Phương khi biết em muốn trở thành con gái, Phương thành thật trả lời: “Khi mẹ em biết chuyện, mẹ phản đối, mẹ muốn em quay trở lại với đúng bản chất thể xác mình đang mang. Mẹ không đánh đập em, và mẹ khóc. Em thấy rất thương mẹ nhưng không thể làm thế nào cả”.
Thực tế không phải người chuyển giới hay người có mong muốn chuyển giới nào cũng may mắn như Phương. Có những bạn khi bày tỏ mong muốn chuyển giới đã bị đuổi khỏi nhà, bị cha mẹ từ mặt, bị đánh đập, chửi mắng hoặc bị đưa lên bệnh viện để chữa trị, thậm chí bố mẹ nhiều bạn cầu viện đến cả cúng bái… những mong thay đổi được con mình, khiến con mình trở lại với thể hiện mà giới tính sinh học các bạn có.Thực tế những biện pháp ấy không có tác dụng gì mà còn ảnh hưởng rất nặng đến tinh thần và thể xác của con cái họ.
Tôi đã từng biết những câu chuyện thương tâm khi các bạn có nhu cầu chuyển giới bị phát hiện ra ước muốn của mình. Bạn L.L. - ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị bố mẹ biết, đã bị xích dưới chân cầu thang, bạn không được tắm rửa và phải ăn cơm với nước mắm trong một chiếc bát con một thời gian dài; cho đến khi L.L. thừa nhận những mong muốn của mình là sai mới thôi.
Hay như T.L. – một người chuyển giới cũng ở thành phố Hồ Chí Minh – đã bị cắt đứt sự giúp đỡ về kinh tế từ dì mình, chỉ bởi vì bạn nuôi tóc dài và có những cử chỉ giống con gái. Việc cắt sự giúp đỡ về kinh tế đó đã khiến gia đình T.L. lâm vào hoàn cảnh khó khăn khiến bạn và em mình buộc phải nghỉ học sớm để phụ mẹ kiếm tiền. Và tôi biết, còn có rất nhiều, rất nhiều những chuyện thương tâm khác…
Tôi hỏi Phương về cảm giác khi em biết mình muốn trở thành con gái, Phương cười buồn buồn và nói: “Lúc đầu em cảm thấy bình thường, nhưng sau này thấy lạc lõng lắm anh ạ!”.
Rất nhiều người chuyển giới sống trong cảm giác cô đơn và lạc lõng như Phương, thậm chí là cảm giác sợ hãi. Khi những người chuyển giới là thiểu số trong xã hội, và rất khó tìm thấy những người đồng cảnh ngộ, họ không biết chia sẻ, tâm sự những tâm tư thầm kín với ai, nếu nói ra ước muốn của mình thì sẽ bị soi mói, kì thị, nhiều khi bị bạo hành. Phải sống không đúng là mình là điều chẳng ai muốn, nhưng nhiều người chuyển giới đã phải sống như thế đấy.
Em đã tìm được con người thật của chính mình
“Em đã từng làm công việc giả gái rồi!”, Phương hồn nhiên chia sẻ, “Thật sự rất thích thú, bởi vì mình đã được là con người thật của mình. Những lúc ấy mong muốn được làm con gái của em lại nhiều hơn”.
Ngược lại với sự rụt rè và hiền lành của Phương, Bình tỏ ra tự nhiên khi chia sẻ câu chuyện của mình. Từ bé Bình đã nhận ra mình muốn trở thành con gái, cậu hay chơi các trò con gái, thích chơi với các bạn nữ và mặc đồ nữ. Bình muốn được giống như con gái, đó cũng chính là lý do Bình đeo khuyên tai, nuôi tóc dài và ăn mặc thật nữ tính.
Cũng giống như Phương, Bình đang tham gia một nhóm giả nữ (Cross-dressing) ở Hà Nội, nhóm chuyên về biểu diễn thời trang do một bạn cũng là người chuyển giới trong nhóm thiết kế. Khi tôi hỏi Bình muốn phẫu thuật chuyển giới không, Bình cười rồi nói, muốn thành con gái phải có tiền, y học bây giờ có thể làm được nhưng vẫn còn nhiều rủi ro.
Thế rồi mỗi đêm diễn, dưới ánh đèn rực rỡ và trên sàn calwalk, em biến thành con gái với những bước sải dài, những điệu hất tóc duyên dáng, những nụ cười rạng rỡ. Tôi ngồi bên dưới hàng ghế khán giả và nhìn Bình tự tin xoay tròn, hất tung viền váy mềm mại lên, nụ cười thật sự của em hài hòa với ánh mắt chứa đầy hạnh phúc, dường như Bình trở thành con gái thật sự, không chỉ bởi váy áo em mặc, mà còn ở tận sâu thẳm tâm hồn.
Có lẽ tạo hóa đã trớ trêu đem một cô gái đặt nhầm vào thân xác con trai, tôi chợt nghĩ khi thấy nụ cười rất đẹp của Phương và Bình. Những người như Phương và Bình có cuộc sống hoàn toàn bình thường như bao người khác, có công việc, có tình yêu, có gia đình,… chỉ có một điểm khác biệt là các em không muốn làm con trai, các em thích được là con gái, và các em hạnh phúc với điều đó. Nhưng xã hội còn xa lạ với những người như các em, có nhiều người còn cho rằng đó là bệnh tật, là lệch lạc, là bất hạnh, là ma ám,… Sẽ thật đáng buồn nếu Phương và Bình và nhiều người khác nữa không thể sống thật với những khao khát và ước muốn của mình.
“Em muốn được là chính con người thật của mình, không phải là hình ảnh bên ngoài”. Bình cười và nói; nhưng rất nhiều người khi biết khao khát là chính đáng này, họ lại ghê sợ và xa lánh em.
Và đó là thế giới của em
Đa phần người chuyển giới khi bộc lộ mong muốn được trở thành “giới tính kia” đều vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính gia đình, bạn bè. Sau đó mới là những phán xét của xã hội. Chính gia đình người chuyển giới – nơi lẽ ra phải che chở và bảo vệ họ - lại là những bức tường đầu tiên ngăn cản người chuyển giới có thể sống thật với bản thân.
Người chuyển giới là con người, và vì vậy họ hoàn toàn bình thường, họ chỉ có những điểm khác biệt về giới tính. Nhưng chẳng phải thế giới của chúng ta được tạo thành từ những điều khác biệt hay sao? Tôi thích màu xanh, bạn thích màu đỏ, đó là quyền của mỗi người và tôi tôn trọng sở thích đó của bạn. Cũng như vậy, khi bạn muốn trở thành con gái, tôi sẽ tôn trọng mong muốn đó của bạn.
Có nhiều lý do để nhiều người trong chúng ta coi mong muốn chuyển giới là tội lỗi, là điều đi ngược với tự nhiên, đáng lên án và phê phán. Nhiều người trở thành người phán xét người chuyển giới chỉ vì chúng ta cảm thấy họ không giống mình. Nhưng thế giới vốn rất phong phú, những người chuyển giới là một phần của sự đa dạng của thế giới, vì vậy họ hoàn toàn bình thường và bình đẳng như những người khác; thật vô lý và nhẫn tâm nếu chúng ta không chấp nhận sự đa dạng ấy, không chấp nhận được một màu sắc khác với chúng ta.
Làm thế nào để chấp nhận một người chuyển giới, làm thế nào để giúp đỡ họ trong quá trình tìm lại chính bản thân mình. Làm thế nào để những cậu con trai muốn trở thành con gái sẽ không phải nói, như Daniel: “Mẹ ơi, con cần nói chuyện với mẹ. Con có điều muốn nói nhưng con sợ là mẹ sẽ không còn yêu con nữa”. Đó lại là một câu chuyện khác.
Tùng Lâm
(Còn nữa…)

Đọc thêm