Việc điều chỉnh xuất phát một phần do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa.
Nguyên nhân thực tại
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có buổi làm việc với Văn phòng Trung ương Đảng về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 nhằm làm rõ việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước cũng như chuyển diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất… trước khi Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, tham mưu cho Bộ Chính trị về vấn đề điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình 5 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, bản Quy hoạch đã bộc lộ một số hạn chế và phát sinh những vấn đề cần điều chỉnh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của quốc gia và vừa qua một số chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã có sự điều chỉnh, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia được lập theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia đáp ứng cho việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước trong giai đoạn mới là một yêu cầu cần thiết.
Về vấn đề điều chỉnh giảm chỉ tiêu diện tích đất chuyên trồng lúa của cả nước và chuyển đổi một phần diện tích đất lúa chuyển sang trồng các loại cây hàng năm, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa.
Mặt khác, dự báo trong những năm tới, năng suất lúa sẽ được tăng lên do áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khi nhu cầu lương thực về cơ bản đã tới ngưỡng ổn định. Tổng nhu cầu về thóc của cả nước năm 2020 cần khoảng 35-36 triệu tấn.
Với diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 còn 3.760 nghìn hécta, hệ số sử dụng đất gần 2 lần thì diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7 triệu ha/năm; với năng suất dự kiến đạt 60 - 62 tạ/ha thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm. Như vậy, không những vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn dành cho xuất khẩu khoảng 5 - 6 triệu tấn.
Có nên giảm diện tích rừng phòng hộ?
Đối với vấn đề điều chỉnh giảm diện tích đất rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu, một phần chuyển sang rừng đặc dụng và chủ yếu chuyển sang rừng sản xuất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị việc chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất cần tính toán trên cơ sở tiêu chí để xác định nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, khu vực cần giữ rừng phòng hộ, bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khẳng định, quy hoạch sử dụng đất đai là một nhiệm vụ hết sức quan trọng vì lợi ích lâu dài của quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổng hợp những trao đổi, thống nhất về quan điểm trong các vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc để tham mưu, báo cáo với Bộ Chính trị.