Bức vẽ đầu rồng trong mơ và án đảo chính của Trịnh Tông

(PLO) -Là con chúa, mà bị cha hắt hủi xem như của thừa, ngôi vị đứng đầu phủ Liêu cứ thế bỏ trống, xem ra thật không đành lòng với Trịnh Khải (Tông). Thế nên, mưu thoán đoạt mới thành hình, hiềm nỗi là chưa kịp hành động, mà án loạn đã tuyên rồi. 
 Trịnh Khải
Trịnh Khải

Trịnh Khải được mẹ là Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan sinh ra. Bà Ngọc Hoan theo Kim tỏa thực lục cho hay, là “con gái quan Hạo Khánh công ở xã Long Phúc, huyện Thạch Hà”. Nguồn cơn cho việc sinh ra Trịnh Khải của bà cũng ly kỳ lắm lắm, cứ xem qua Hoàng Lê nhất thống chí, hẳn rõ hơn cả. 

Đứa con bị hắt hủi

Chị bà Ngọc Hoan là cung tần của Ân vương Trịnh Doanh, được Ân vương yêu quý vì sinh được Thụy quận công. Nhờ bóng chị, Ngọc Hoan được kén vào làm cung tần của Thịnh vương Trịnh Sâm. Có điều, Trịnh Sâm lại không đoái hoài gì đến nàng.

Một đêm, Ngọc Hoan nằm mơ “thấy vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng không hiểu đó là điềm gì, đem hỏi viên quan hầu là Khê trung hầu. Khê trung hầu biết chắc là điềm sinh thánh”.

Hôm sau, Tĩnh vương Trịnh Sâm cho gọi cung tần là Ngọc Khoan vào hầu. Khê trung hầu nghe rõ lắm, nhưng cố ý lầm, đưa ngay nàng Ngọc Hoan vào hầu chúa. Thấy nàng, chúa không vui nhưng cũng không nỡ đuổi ra. Sau khi ban ơn mưa móc, chúa trách mắng Khê trung hầu thì được thuật lại giấc mơ của nàng Ngọc Hoan. Chúa nghe xong không nói gì. 

Nhờ ơn mưa móc Ngọc Hoan có thai, rồi sinh ra Trịnh Khải năm Quý Mùi (1763). Đáng lẽ có con trai nối dõi, chúa phải lấy làm vui, nhưng Trịnh Sâm lại không thế. Bởi nghĩ rằng đầu rồng tuy là có khí tượng làm vua đấy, nhưng đó chỉ là rồng vẽ, lại có đầu mà không có đuôi, thế chưa hẳn là điềm tốt.

Trước kia, từng có trường hợp Trịnh Cối (con Trịnh Kiểm), rồi Trịnh Lệ (con Trịnh Doanh) cũng do người ở Long Phúc của Hà Tĩnh sinh ra mà phản nghịch, nên chúa lấy thế làm lo. 

Đến khi Thế tử Trịnh Khải lớn khôn rồi, tướng tá khôi ngô tuấn tú, mà tình cha con lại lạnh nhạt. Chúa chẳng để tâm đến việc bồi dưỡng cho Khải sau này nối ngôi. Đáng ra con trai 12 tuổi là phải ra ở Đông cung, nhưng chúa chỉ cho Khải ở nhà riêng của quan a bảo là Huân quận công Nguyễn Đĩnh.

Việc học hành thì năm lên 7 tuổi, chúa cho tiến sĩ Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du) và tiến sĩ Trần Khản giảng dạy. Nhưng rồi sau cũng bỏ lửng khi Trần Khản chết. Bị cha thờ ơ thế, nên ngôi Đông cung vẫn bỏ trống. 

Bỏ qua cơ hội làm chúa

Có Trịnh Khải, nhưng chúa không lấy làm vui. Rồi như Lịch triều tạp kỹ cho hay, nàng Đặng Thị Huệ vốn con nhà thứ dân ở Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh lọt vào mắt xanh của chúa, được cưng chiều rất mực, nhưng lâu rồi chưa có con.

Sau nhờ “Bồi tụng tiến sĩ Nguyễn Khản đưa bạn là huấn đạo Lê Bá Thực (người xã Việt An hạ, huyện La Sơn) vào phủ chúa xem mạch, cho Thị Huệ uống cao Tụy tiên. Không bao lâu Thị Huệ có mang”. Rồi sau, Thị Huệ sinh ra Trịnh Cán. Ấy thế là, Trịnh Khải thêm đối thủ cạnh tranh ngôi chúa. 

Dù Khải đã trưởng thành, mà Cán còn ẵm ngửa, lại hay ốm yếu, nhưng Thị Huệ khéo chiều, được lòng Trịnh Sâm lắm. Bấy giờ, có quận Huy Hoàng Tố Lý (trước tên là Đặng Bảo, rồi đổi làm Đình Bảo) đang trấn trị đất Nghệ An, là cháu của Việp công Hoàng Ngũ Phúc, được Phúc nhận làm con nuôi. Quyền uy của Phúc và Tố Lý to lắm, nên dân gian ngoa truyền sẽ có sự cướp ngôi, rồi đặt thêm cả câu sấm “nhất thỉ trục quần dương” (tức là một con lợn đuổi đàn dê.

Tố Lý tuổi hợi, cầm tinh con lợn. Cha con Trịnh Sâm, Trịnh Khải đều tuổi dê). Việc đến tai Trịnh Sâm, Sâm lấy làm ngờ, còn Việp công và Tố Lý thì lấy làm lo. Sau khi Hoàng Ngũ Phúc nam chinh rồi chết, Tố Lý trấn Nghệ An, những mong giải mối oan cho mình, nên xin về hầu chúa, Trịnh Sâm ưng thuận cho về kinh. 

Là kẻ văn võ đều hay (Tố Lý từng đỗ cử nhân khoa Ất Dậu (1765), lại đỗ võ cử tạo sĩ năm Bính Tuất (1766), Tố Lý xem xét tình hình, tìm nơi nương tựa về sau cho mình. Thấy Thị Huệ được chúa yêu mà con thơ bé, chỉ có Khải đã trưởng thành, quận Huy liền tìm cách về phe Khải (Tông), y “mật sai người đem biếu Tông 100 lạng vàng và 10 tấm đoạn tơ Nam Kinh để làm lễ yết kiến, định đến ra mắt Tông để xin quy phục”.

Ngược cho ý của quận Huy, Trịnh Khải lại không ưng nên không nhận lễ vật, từ chối gặp mặt, lại còn nói với gia thần mình rằng: “Thằng giặc này sao không ở lại Nghệ An làm phản, lại chịu vội vã về chầu? Một ngày kia, ta phải tịch thu nhà nó, bây giờ còn cần gì đến lễ yết kiến của nó nữa”.

Không được Trịnh Khải chấp thuận, từ ấy quận Huy mới một lòng về phe bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, và lẽ dĩ nhiên là phải làm sao lập được Cán, hạ được Tông để giữ vững vị thế của mình, như lời Việt sử mông học có ghi:

Trịnh Sâm bị mắc bệnh,

Yêu mến Đặng ái phi.

Âm mưu bỏ con trưởng,

Đình Bảo cùng về bè. 

Quả nhiên từ đó, y được Thị Huệ ra sức nói tốt với chúa, không những chẳng bị hiềm nghi trách phạt, mà còn cho mở Trung nhuệ quân doanh, được bàn việc chính sự trong phủ chúa, quyền thế quận Huy ngày một lớn, còn dân gian thì có câu rằng: “Trăm quan có mắt như mù/ Để cho Huy quận vào sờ chính cung”.

Thế lực Thị Huệ-quận Huy khuynh loát cả triều đình, ngày Trịnh Cán được lập làm Thế tử không xa, còn Trịnh Khải thì nhìn thấy thế yếu của mình, trong lòng không yên, mưu thay vận từ ấy hình thành. 

Án đảo chính bất thành

Trong Việt Nam phong sử, khi nói về việc lập Thế tử của Trịnh Sâm, mới có câu rằng:

Đục cùn đương giữ lấy tông,

Cuốc đà long cán còn mong nỗi gì?

Rõ là việc lập “tông” vẫn thuận hơn là lập “cán” vừa thơ bé, lại bệnh tật suốt ngày. Thấy mình không được cha lập làm người kế nghiệp, Trịnh Tông bèn tập hợp bọn hầu cận để toan tính việc thay đổi. Bấy giờ, Tĩnh vương Trịnh Sâm đang bị bệnh, một hôm, Tông nằm mộng thấy mình mặc áo màu lá quỳ, đầu đội mũ chữ đinh. Ngờ rằng đó là đồ tang phục, Tông nghĩ chuẩn bị có biến, nên kêu gọi gia thần chuẩn bị.

Thế là, như Lịch triều tạp kỹ chép “bọn gia thần nhân đó mới khuyên Tông nên lén sửa giáp binh, ngầm mộ dũng sĩ, đợi một mai trong phủ nếu chúa cha chết thì đóng các cửa thành lại, giết quận Điều (Tố Lý), giam giữ Thị Huệ luôn với con nó là Cán, khiến cho Cán không được lên ngôi chúa. Và, lập tức phi báo cho hai quan Tây trấn và Bắc trấn đưa quân vào hộ vệ, ép buộc các đại thần phải tôn phò chủ ta lên ngôi thì công việc tất thành”. 

Nghe lời bọn cận thần, Tông liền sai người đem 1.000 lạng bạc đi sắm sửa vũ khí, mật báo quan hai trấn Tây và Bắc chiêu mộ bọn nghĩa dũng. Nhưng trời đâu dễ chiều người, việc chuẩn bị đã xong, mà Tĩnh vương Trịnh Sâm lại dần khỏi ốm. Thế là mưu thoán đoạt của đứa con bị bỏ rơi lộ hết cả. Ấy là lúc nhằm năm Canh Tý (1780). 

Nội vụ sự việc là vậy, nhưng theo Lê quý dật sử thì có hơi khác chút ít khi cho rằng Trịnh Tông bị vu cáo, và việc này có liên quan đến tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (trong Nam gọi là Ngô Thời Nhiệm): “Đến khi lớn Tông trong nom công việc trong phủ chúa, tuyển mộ gia thần, ghi tên lập sổ. Lúc đó có tiến sĩ Ngô Thì Nhậm bè đảng với họ Đặng (Thị Huệ) cùng với thủ khoa Nguyễn Huy Bí vu khống thế tử âm mưu làm điều bất chính”. Điều này trong Việt sử diễn nghĩa chép là:

Sâm nghe Nhâm mách rõ ràng, 

Bắt Khải hạ ngục quyết đường phế ngay. 

Cuộc đảo chính giành ngôi chúa chưa kịp thực hiện, thì vỡ lỡ. Từ Trịnh Tông cho tới những tên gia thần liên đới, tất thảy đều bị nhà chúa khép tội nặng nhẹ khác nhau, gây nên cái án được người đời gọi là “vụ án năm Canh Tý (1780)”. Vụ án ấy được chúa Trịnh giao cho Lê Quý Đôn và bọn thị thần là hoạn quan Phạm Huy Thức điều tra, đến khi nghị án thì... 

Trịnh Tông bị bắt bỏ ngục, sau bị phế làm con út, suốt đời phải giữ đạo làm tôi. Những người liên đới là Nguyễn Khản, Chu Xuân Hán do công hầu hạ lâu ngày nên đặc cách tha chết, giảm xuống tội tù. Nguyễn Phương Đình do già cả không tham dự nên tha chết, bãi chức về làm dân.

Ấy nhưng sau đó, Chu Xuân Hán, Nguyễn Khắc Tuân đều uống thuốc độc tự tử. Bà nhũ mẫu Thị Quỳnh của Tông thì nghiệt thay, dù trốn làm bà vãi nhưng vẫn bị bắt cho voi giày... Vụ án ấy như miêu tả của Lê quý dật sử, đã làm cho “dân chúng ngoài kinh thành bàn tán xôn xao”.../.

Đọc thêm