Những tưởng sẽ có cuộc sống tốt hơn khi sở hữu căn hộ ở khu đô thị được coi là cao cấp nhất Hà Nội - Ciputra, nhưng một số người dân nơi đây đã sớm phải ôm “cục tức” khi căn hộ mới được đưa vào sử dụng chưa đầy hai năm liên tục xảy ra hiện tượng nước thải trào ngược vào nhà qua đường ống thoát nước vệ sinh, bồn cầu…
|
“Tôi cũng không thể đảm bảo được hiện tượng (nước thải trào ngược vào nhà) có thể xảy ra nữa hay không?” - ông Michael Schmitt Ciputra nói. |
Nước thải liên tiếp trào ngược vào nhà
Theo phản ánh của bà Đỗ Thị Minh Hằng chủ căn hộ 107+108P2, khu đô thị Ciputra Hà Nội, sau khi nhận bàn giao căn hộ 107+108P2 vào tháng 10/2010, tháng 11/2010 bà Hằng đưa căn hộ trên vào sử dụng với niềm tin rất lớn vào chất lượng công trình của tòa nhà.
Tuy nhiên, từ khi đưa và sử dụng cho đến ngày 9/9/2012, căn hộ của bà đã 7 lần bị nước thải ở đường ống thoát nước trong công trình phụ, nước trong bồn cầu, đường thoát nước máy giặt trào ngược vào nhà. Sau mỗi lần như vậy, các ống thoát nước lại được bộ phận kỹ thuật của tòa nhà thông hút, nhưng một thời gian sau các sự cố lại được lặp lại với mức độ ngày càng trầm trọng hơn.
Trước hiện tượng nước thải trào ngược vào nhà gây nên những khó khăn không nhỏ trong sinh hoạt và thiệt hại về tài sản, bà Hằng đã gửi đơn kiến nghị nhiều lần đến Ban Công sản khu đô thị Ciputra, song bà Hằng đều không nhận được câu trả lời.
“Căn hộ mới đưa vào sử dụng chưa đầy hai năm, nhưng đã 7 lần bị sự cố nước thải trào ngược vào nhà qua đường ống thoát nước trong công trình phụ, qua bồn cầu tràn ra các phòng, gây hỏng đồ trong phòng khách và hư hại tài sản của gia đình, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới Ban công sản khu đô thị Ciputra, song đều không được trả lời” - bà Hằng bức xúc.
Không chỉ gây nên những bất tiện trong sinh hoạt, thiệt hại về tài sản, hiện tượng nước thải trào ngược vào nhà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, bởi sự cố rò rỉ điện từ các thiết bị điện mỗi khi nước trào vào nền nhà.
“Có những lần nước trào ngược vào ban đêm, ra cả phòng khách, phòng ngủ, nếu chẳng may các ổ nối điện đặt dưới nền nhà dính nước gây nên hiện tượng dò dỉ điện, mọi người ngủ dậy không biết dẫm xuống nền nhà thì không biết hậu quả sẽ ra sao?. Tôi luôn trong tâm trạng lo lắng, nhiều khi cần dùng ổ nối điện đều phải dùng một cái gì đó để kê lên” - bà Hằng nói.
“Không chỉ căn hộ của gia đình tôi có hiện tượng nước thải trào ngược vào nhà theo đường thoát nước vệ sinh mà một số căn hộ khác của khu đô thị này cũng có hiện tượng trên”, bà Hằng cho biết thêm.
Nước thải trào ngược do rác?
Đem câu chuyện nước thải trào ngược vào căn hộ của bà Hằng trao đổi với ông Michael Schmitt, Trưởng phòng Công sản khu đô thị Ciputra, thì được ông Michael Schmitt lý giải: “Hiện tượng nước thải trào ngược vào nhà là do cư dân trong tòa nhà thường xả thẳng dầu mỡ, vật liệu sửa chữa nhà còn thừa vào đường ống nước thải, dẫn đến tình trạng đường ống bị tắc lặp đi lặp lại”. Và trong số 7 lần xảy ra sự cố tại nhà bà Hằng, ông chỉ ghi nhận 5 sự cố.
Ông cũng đã gặp bà Hằng nhưng chưa nhận được yêu cầu của bà về việc bồi thường thiệt hại do các sự cố này gây ra (cụ thể là hư sàn gỗ trong nhà). Không đồng tình với lời giải thích trên của ông Michael Schmitt, bà Hằng cho rằng xảy ra hiện tượng trên là do đường thoát nước của tòa nhà lắp đặt sai kỹ thuật, không thể đổ lỗi cho việc đường ống dẫn nước thải bị tắc.
Trước sự không đồng tình của bà Hằng ông Michael Schmitt cho biết: “Tại khu P2 có 3 căn hộ bị hiện tượng nước thải trào ngược theo đường thoát nước vệ sinh trào vào nhà. Hiện tượng trên có nhiều lý do khác nữa chứ không phải chỉ nguyên nhân là do rác sinh hoạt. Công việc của tôi là chăm sóc tất cả các cư dân ở đây chứ không phải là kỹ thuật nên không rõ, nên phải lên hỏi bộ phận kỹ thuật của tòa nhà mới biết được, việc trên tôi cũng đã có trao đổi với bộ phận kỹ thuật, và họ đang cho kiểm tra xem xét”.
Ông Michael Schmitt cũng cho biết thêm, để xử lý dứt điểm vấn đề trên thì ông cũng không thể đảm bảo được là có thể sảy ra nữa hay không và ông cũng đã chuyển những thông tin của vấn đề trên lên phòng xây dựng của Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long.
“Người ta cũng đến trực tiếp để tìm hướng xử lý, hiện nay đang tìm cách thông tắc đường ống, tòa nhà đã hoàn thiện rồi nên lắp đường ống to hơn thì làm sao lắp được nữa?. Còn xử lý ra sao thì tùy thuộc vào họ, xử lý dứt điểm là do Phòng Xây dựng và kỹ thuật” – ông Michael Schmitt nói.
Ban quản lý khu đô thị Ciputra cần có những biện pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhằm đảm bảo cho quyền và lợi ích chính đáng, tránh gây bức xúc cho người dân.
Trung Thứ