|
Cô Nhàn – chủ quán bún Ngan Nhàn tại ngõ Trung Yên. |
Từ cá biệt, khó chấp nhận trở thành nét đặc sắc
Cách đây mấy năm, khi kênh truyền hình CNN phát phóng sự về quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên - Hà Nội và người dẫn chương trình Anthony Bourdain khi đó gọi đây là “món ăn đặc sắc của Việt Nam”. Trong phóng sự người dẫn chương trình coi các câu quát, chửi khách và cách ăn nói của bà chủ quán là: “Đây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà” và coi đó như một nét độc đáo, đặc sắc của món ăn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Khỏi nói cũng có thể hình dung khi chương trình được phát sóng đã nổ ra các luồng quan điểm xung đột với nhau như thế nào. Một bên thì tự hào vì quán bún chửi của Việt Nam được lên hẳn kênh tin tức thế giới CNN và được coi là “nét đặc sắc” của Hà Nội. Còn một bên bày tỏ sự lo lắng khi sự vô văn hóa mang tiếng xấu cho cả nền ẩm thực đường phố Việt Nam lại được ngợi ca.
Và hệ quả của sự tranh cãi này là hàng bún chửi Ngô Sĩ Liên nói riêng và các hàng quán bún mắng, cháo chửi đã từng được gọi là cá biệt, khó chấp nhận ở Hà Nội như quán bún ngan Nhàn tại ngõ Trung Yên; quán cháo quát nằm ở phố Lý Quốc Sư; quán nem rán ở ngõ Tạm Thương;… lại bỗng dưng trở thành nét đặc sắc của ẩm thực đường phố Việt Nam không chỉ ở trong con mắt của người Việt mà còn cả thế giới. Nhiều người đã phải lắc đầu vì sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ này.
|
Bà Thảo – chủ quán bún chửi trong ngõ Ngô Sĩ Liên. |
Lỗi tại thực khách?
Nhằm duy trì và củng cố nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, quy tắc về thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhưng có vẻ như những động thái này của chính quyền Hà Nội không tác động mấy đến các quan bún mắng cháo chửi trên đất Thủ đô. Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, bà Thảo chủ quan bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên đã thẳng thừng trả lời đại ý tính cách bà cục cằn như thế từ xưa đến nay quen rồi và khó sửa, vì thế thực khách đến quán bà chấp nhận được hay không mà thôi.
Quả đúng là như vậy, nhìn lại các quán bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội có thể thấy, dường như các văn bản chỉ đạo, quy tắc ứng xử nơi công cộng và sự tẩy chay, lên án của nhiều thực khách không thật sự làm thay đổi được cách ứng xử của các chủ hàng quán. Các chủ quán sau nhiều lần bị chỉ trích, dù đã hứa sẽ kìm chế nhưng trên thực tế “nét đặc sắc” này vẫn vậy. Các chủ quán vẫn cứ chửi, các “thượng đế” vẫn vừa nghe vừa ăn, “thượng đế” nào không nghe được thì xin mời đi nơi khác.
Điều lạ lùng ở đây chính là có rất nhiều người biết phong cách phục vụ bất lịch sự như vậy, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ qua sự tự trọng cá nhân của mình, trả tiền để thưởng thức một bát bún mắng, cháo chửi, hay một số người chưa thử bao giờ thì vì tò mò thử, một phần để thưởng thức món ăn, một phần để nghe xem tiếng mắng chửi như thế nào, có đúng như thiên hạ đồn thổi hay không...
Và đây có lẽ chính lí do khiến cho các hàng quán bún mắng, cháo chửi vẫn tồn tại và còn rất đông khách. Nhưng nguy hại ở chỗ cũng chính điều đó đã và đang làm lụi tàn và đánh đồng sự vô văn hóa sang cả các hàng quán văn minh, lịch sự, khiến cho các du khách cả trong và ngoài nước đều nghĩ văn hoá ẩm thực đường phố Hà Nội luôn gắn liền với chửi bới, mắng nhiếc, không tôn trọng khách. Việc vẫn còn rất đông các thực khách đến thưởng thức như vậy không khác gì đang cổ xuý cho phong cách phục vụ thiếu văn minh, lịch sự, lệch lạc về văn hoá.
|
Quán “cháo quát” ở phố Lý Quốc Sư. |
Văn hoá ẩm thực đường phố Hà Nội luôn là một trong những niềm tự hào, điểm sáng của du lịch Việt Nam. Muốn văn hoá ẩm thực đường phố Việt Nam nói chung và ẩm thực đường phố Hà Nội nói riêng có được tiếng nói của mình trong việc thu hút khách du lịch đến với Việt Nam thì hơn ai hết chính khách hàng là những nhân tố chính yếu để bài trừ sự vô văn hóa của “bún mắng, cháo chửi” khỏi văn hoá ẩm thực đường phố Thủ đô.