Beo lửa trong một vụ buôn bán ĐVHD |
Vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp
Trong năm 2018, hai bản án tù giam đã được tuyên với hai đối tượng được cho là cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn xuyên quốc gia (xét xử theo Bộ luật Hình sự năm 1999 - sửa đổi bổ sung năm 2009).
Trong đó, đối tượng Hoàng Tuấn Hải phải chịu án 4 năm 6 tháng tù giam (bản án đã có hiệu lực) cho hành vi buôn bán trái phép rùa biển; và Nguyễn Mậu Chiến, đối tượng cầm đầu một đường dây buôn lậu ĐVHD lớn tại Việt Nam cũng đã nhận bản án phúc thẩm 16 tháng tù giam cho hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép sừng tê giác và các sản phẩm của loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác.
Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến bị phạt 16 tháng tù |
Ngoài ra, trong một số vụ án quan trọng khác, các đối tượng cũng bị xử lý thích đáng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đặc biệt, phải kể đến hai vụ buôn bán hổ trái phép được đưa ra xét xử vừa qua.
Vụ thứ nhất liên quan đến một đối tượng buôn bán trái phép 5 cá thể hổ đông lạnh, 4kg thịt hổ và các bộ phận hổ, 30kg vảy tê tê châu Phi cùng với nhiều ĐVHD khác vào tháng 01/2018. Đối tượng này đã bị TAND TP Hạ Long (Quảng Ninh) tuyên phạt 10 năm tù giam. Vụ thứ hai liên quan tới hành vi buôn bán trái phép 1 cá thể hổ tại Hà Nội và cả 4 đối tượng đã bị kết án tù giam từ 9 tháng đến 15 tháng.
Cũng trong năm qua, một đối tượng đã bị kết án 10 năm tù giam tại Điện Biên vì vận chuyển trái phép 4 chi gấu và 27 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum). Một đối tượng khác tại Hà Nội cũng bị xử phạt 10 năm 9 tháng tù giam vì vận chuyển trái phép chân gấu và 8 cá thể tê tê đông lạnh.
Tại Quảng Bình, một đối tượng bị tuyên án 5 năm tù giam vì buôn lậu ngà voi, các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương, da, móng vuốt hổ và báo đốm; và các sản phẩm, bộ phận của ĐVHD khác từ Lào về Việt Nam.
Một đối tượng tại Hòa Bình bị tuyên phạt 4 năm tù giam sau khi bị bắt giữ vận chuyển một thùng giấy chứa ba cá thể beo lửa đã chết. Trong một vụ án khác tại TP HCM, một đối tượng đã bị tuyên án 7 năm tù giam vì tội vận chuyển trái phép 7,2kg sừng tê giác từ Angola về Việt Nam.
“Chúng ta đã bắt đầu thấy những thay đổi rất đáng khích lệ trong công tác bắt giữ, xử lý các tội phạm về ĐVHD tại nhiều địa phương trên cả nước. Các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về ĐVHD đã và đang chứng tỏ vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD tại Việt Nam. Các bản án nghiêm khắc đã mang lại những biến chuyển tích cực trên cả nước, có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa các tội phạm nghiêm trọng về ĐVHD có thể xảy ra trong tương lai”, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cũng là người trực tiếp hỗ trợ tòa án tại các địa phương trong quá trình xử lý các vụ án nghiêm trọng về ĐVHD cho biết.
Vẫn lời bà Hà: “Không phải trong bất cứ vụ án nào, hình phạt cao nhất cũng cần được áp dụng đối với các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép, các đối tượng liên quan đến các đường dây buôn bán lớn và các vụ án nghiêm trọng phải bị nghiêm trị. Chỉ có những bản án nghiêm khắc mới thực sự có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD”.
Bản án 54 tháng tù đã tuyên cho bị cáo buôn 10 tấn rùa biển |
Quan điểm rõ ràng của Bộ Tư pháp
Còn nhớ, cách đây khoảng ba năm, năm 2016, giữa Công an và Viện KSND huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự tranh cãi về việc trứng vích có phải sản phẩm của vích hay không, sau khi xảy ra vụ trộm và vận chuyển 116 quả trứng vích của đối tượng tại địa bàn Côn Đảo.
Được biết, vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác.
Viện KSND huyện Côn Đảo đã không phê chuẩn quyết định khởi tố đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích với lý do “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể” và do đó không thể khởi tố vụ án hay bị can được.
Để có lý giải này, Viện KSND huyện Côn Đảo đã áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, trứng rùa biển không phải là bộ phận/sản phẩm của rùa biển.
Tuy nhiên, sau khi được hỏi ý kiến, trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc đóng góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã nêu rõ: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì trứng vích là sản phẩm của con vích”.
Tại thời điểm đó, giải thích rõ hơn về khía cạnh pháp lý, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV đã cho biết: “Trong trường hợp hai điều khoản pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Vậy nên ENV hoàn toàn đồng tình với hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong các vụ việc liên quan đến rùa biển, trứng và các sản phẩm, bộ phận khác của loài này trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian vừa qua”.
Ngày 18/9/2017, TAND huyện Côn Đảo đưa ra xét xử vụ án và đây là vụ án đầu tiên ở Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ loài rùa biển (vích) được đưa ra xét xử, nên được dư luận và các tổ chức bảo vệ môi trường, lực lượng kiểm lâm rất quan tâm và đã đến dự chật kín cả hội trường xét xử.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những thay đổi đáng kể trong vấn đề bảo vệ ĐVHD và nghiêm trị các hành vi phạm tội liên quan. Với Bộ luật Hình sự năm 2015, vấn đề tranh cãi như đã nói trên sẽ không còn nữa khi ngày 27/9/2018, Hội đồng Thẩm phán đã thông qua Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định và bảo vệ ĐVHD và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Nghị quyết 05 có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 05 là giải thích thuật ngữ liên quan đến tình tiết định tội được sử dụng trong Bộ luật Hình sự như: sản phẩm của ĐVHD, động vật nguy cấp, quý hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, phôi động vật, sừng, ngà, chân, móng...).
Định nghĩa này của Nghị quyết 05 có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng quy định xử lý đến các quy định liên quan đến các loài thuộc Phụ lục I CITES và Nhóm IB được liệt kê trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp bởi lẽ từ nay không chỉ có các hành vi vi phạm liên quan đến cá thể hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống (ví dụ như đầu, tim, da, xương, buồng gan…) của những loài này mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự, mà cả với sản phẩm của ĐVHD, động vật nguy cấp, quý hiếm cũng là cơ sở để định tội.
Xét xử một vụ, răn đe được nhiều đối tượng
Các kết quả điều tra của ENV cho thấy, bản án thích đáng dành cho Hoàng Tuấn Hải về hành vi buôn bán rùa biển tại Khánh Hòa vừa qua đã có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động săn bắt và buôn bán rùa biển trái phép trên cả nước, đặc biệt là ở Quảng Ngãi. Số lượng đối tượng trước đây đóng vai trò trung gian, buôn bán rùa biển và các ngư dân chuyên đánh bắt rùa biển đã giảm đáng kể hoặc tạm ngừng hoạt động do hiệu ứng từ phiên tòa xét xử Hoàng Tuấn Hải tại tỉnh Khánh Hòa.
Trong quá trình trao đổi trò chuyện, nhiều người cho biết bản án này khiến họ chùn bước và quyết định từ bỏ hoặc tạm ngừng hoạt động bất hợp pháp này. Một số ngư dân ở một cảng trọng điểm tại Quảng Ngãi cũng cho rằng các cơ quan chức năng hiện nay đã cảnh giác hơn trong việc xử lý các vi phạm về rùa biển và do đó, nguy cơ bị phát hiện và bắt giữ cũng cao hơn.