Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp khám phá, bắt giữ các đối tượng sử dụng quân phục giống của công an, quân đội để đi lừa đảo, thậm chí có đối tượng còn mặc quần áo của cảnh sát cơ động (CSCĐ) để chặn xe, trấn tiền người vi phạm luật giao thông - đây là hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề đăng được đặt ra là những bộ quần áo này các đối tượng đã lấy ở đâu?
Ba đối tượng giả danh cảnh sát bị bắt giữ |
Mặc sắc phục đi lừa đảo…
Trước đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hai Cảnh sát Cơ động với khuôn mặt búng ra sữa đang lượn xe máy trên phố. Sau đó, hai đối tượng này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang nhận tiền hối lộ của người vi phạm giao thông.
Tại thời điểm bị bắt, Nguyễn Duy Anh mới 17 tuổi, học lớp 12; còn “đồng đội” của Duy Anh là Nguyễn Quang Nhật, 15 tuổi, học sinh lớp 10. Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai trong một lần đi chơi, đèo 3 bằng xe máy đã bị Cảnh sát Cơ động xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm hành chính.
Thấy các anh Công an “oai” quá nên cả hai bàn nhau vay tiền rồi đi sắm 2 bộ trang phục Cảnh sát Cơ động chỉ với giá 350.000 đồng/bộ. Để cho giống như thật, cả hai còn mua thêm mũ cứng, dán đề can chữ CSCĐ phản quang, dùi cui, ve áo…để đi tuần tra trên đường như những cảnh sát khác.
Mới đây, 4 bị cáo giả danh lực lượng Cảnh sát Cơ động vòi vĩnh tiền người tham gia giao thông đã bị đưa ra xét xử với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, ngày 19/10/2012, trong trang phục Cảnh sát Cơ động, các đối tượng giả danh Cảnh sát Cơ động đã mang theo bộ đàm, đèn pin, dùi cui đi rình bắt các chủ xe máy không đội mũ bảo hiểm để phạt tiền.
Các đối tượng này thường dùng cách, ép xe người vi phạm vào vỉa hè rồi nói: “Chúng tôi là tổ công tác 141, đang làm nhiệm vụ, yêu cầu xuất trình giấy tờ”. Sau hồi dọa nạt, nhóm “cơ động” này nhận tiền của người vi phạm rồi cho đi.
Lần khác, khi các đối tượng giả danh đang tiếp tục chặn xe của một phụ nữ, thì đã bị các cảnh sát "xịn” phát hiện, bắt giữ. Các bị cáo bị tuyên từ 12 đến 15 tháng tù.
Được biết, Các bộ trang phục dành cho lực lượng vũ trang này còn kèm theo cầu vai, mũ, thắt lưng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, từ trung sỹ, thượng sỹ, thiếu úy…Đối với trang phục dành cho ngành Cảnh sát Giao thông sẽ kèm theo súng, còi, gậy, thắt lưng…chẳng khác gì các bộ trang phục dành cho Cảnh sát Giao thông “xịn”.
Một số người buôn bán những bộ sắc phục, quân phục này cho biết: Họ bán quần áo của lực lượng vũ trang từ vài năm nay nhưng không thấy ai nhắc nhở hay xử lý. Theo tìm hiểu, nguồn hàng quần áo nhái lực lượng vũ trang có nguồn gốc ngay tại TP.HCM.
Chưa hết, rất nhiều quần áo bộ đội, công an cho trẻ em cũng được bày bán tràn ngập nhiều vỉa hè. Một cửa hàng quần áo trên đường Lũy Bán Bích, P. Tân Thành, Q. Tân Phú bán nhiều loại quân phục khác nhau.
Theo chủ cửa hàng, những bộ đồ này may lại cho trẻ em dựa trên thiết kế các mẫu quân phục hiện hành. Nhiều địa điểm bán rong trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) cũng treo bán quần áo và cả gậy điều khiển giao thông… Những bộ trang phục của ngành vũ trang không chỉ được bày bán tại vỉa hè mà còn được rao bán cả trên mạng internet; được khá nhiều phụ huynh ưa chuộng mua cho con em mình.
Ngang nhiên kinh doanh hàng cấm
Về vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Trung Bính, Phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, theo quy định hàng quân trang bị cấm kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ cấm kinh doanh mặt hàng quân trang dành cho người lớn còn đối với quần áo trẻ em chưa có quy định.
Trang phục của các lực lượng chức năng được bán tràn lan |
Thực chất những trang phục dành cho trẻ em không gây nhầm lẫn cho xã hội, xét về mức độ nguy hại là không có. Việc cho trẻ em mặc bộ quần áo giống bộ đội, cảnh sát là cách trang bị nhận thức ban đầu cho trẻ em, không nhất thiết phải điều chỉnh mà chỉ cần quản lý cho kinh doanh sản phẩm tốt có chất lượng.
Một cán bộ Cảnh sát Kinh tế cho hay: Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang…là những mặt hàng thuộc danh mục cấm kinh doanh.
Cá nhân, tổ chức nào kinh doanh mặt hàng cấm này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý việc buôn bán quần áo màu công an, bộ đội vào hành vi “Buôn bán hàng cấm” còn gặp nhiều vướng mắc. Các đối tượng chủ yếu bán hàng giả, hàng nhái trong khi đó Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa có đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cho quân phục, lễ phục.
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi. Theo Luật sư Hoàng, cần chia tình huống cụ thể, giả thiết, người bán hàng trên mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng, có thể xem xét về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nếu những sản phẩm này chỉ là “hàng nhái”, vậy có thể xem xét đến hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 156 (BLHS).
Sẽ bị xử lý hình sự
Chuyên viên Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê nguyễn – TP.HCM cho biết thêm: Theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP (phụ lục I), quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang là hàng hóa cấm kinh doanh. Như vậy, nếu vi phạm, sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán, kinh doanh hàng cấm. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh được thực hiện theo Điều 18 Nghị định 06/2008/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 112/2010/NĐ-CP), xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa cấm kinh doanh. Nhìn chung, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh quan trang, quân dụng (hàng hóa cấm kinh doanh) có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định vừa nêu (tức là tối đa 70.000.000 đồng) đối với hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công,… hàng hóa cấm kinh doanh.
Các hành vi vận chuyển, cất giấu cũng bị xử lý với mức phạt tương tự. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung để tịch thu số quân trang, quân dụng buôn bán trái phép.
Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 BLHS về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”.
Hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng (chẳng hạn như phạm tội có tổ chức; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn,…) thì có thể bị phạt tù tối đa đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Riêng về trường hợp quần áo trẻ em giống như “quân trang” thì tôi cho rằng hành vi này không vi phạm pháp luật bởi lẽ không có quân trang cho trẻ em, những bộ quần áo trẻ em giống “quân trang” không đủ yếu tố để gọi là “quân trang” nên đó không phải là hàng cấm.
“Chủ các cửa hàng buôn bán “trang phục trẻ em cho biết, quân phục nhái này phần lớn dành cho trẻ em dưới 5 tuổi. Quần áo mô phỏng trang phục của Cảnh sát Giao thông hay bộ đội được may tỉ mỉ, có cả quân hàm có gắn sao, vạch tương tự mẫu thật. Bên cạnh đó, những phụ kiện như súng và gậy hướng dẫn giao thông cũng được trang bị đầy đủ theo bộ”.
Tố Nhi – Lê Quang