Buồn như... nhà có khách

Đó là đề tài "thời sự" của rất nhiều những gia đình thành thị, đặc biệt là những người vốn dân tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp.

Đó là đề tài "thời sự" của rất nhiều những gia đình thành thị, đặc biệt là những người vốn dân tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp.

Nhà là trạm trung gian

Cho đến tận bây giờ, hễ thấy ông bạn đồng hương nào cặp kè, yêu đương với gái tỉnh khác (nhất là gái Hà Nội), thì dù “đối tác” của bạn có xinh đẹp, giỏi giang đến đâu, Tân cũng một mực… xui bỏ. Còn với đám em út hay họ hàng ở quê cùng lập nghiệp ở thành phố, có khi vừa mới thập thò thổ lộ chuyện đang yêu người tỉnh này tỉnh kia thì không cần nghe thêm, ngay lập tức Tân đã xua tay, “hô” giải tán liền.

Lý lẽ của anh rất giản đơn: “Người miền Trung vốn bao bọc, quây quần nhau. Một người có nhà ở thành phố, nghiễm nhiên thành nơi trú chân của cả họ, thậm chí cả làng khi có việc. Hỏi nếu không phải là người cùng quê, đố vợ nào chịu được”.

Cuộc hôn hôn nhân của anh là một bằng chứng sống. Anh vốn là một dịch giả có tiếng, lại có tài kinh doanh địa ốc nên thủ sẵn nhiều nhà, biệt thự, cái để ở, cái cho thuê, tiền tiêu xênh xang, cho vợ đi làm chỉ để… có chỗ chưng diện quần áo.

Ấy thế mà anh vẫn không thể giữ chân được cô vợ, vốn là gái Hàng Đào, sau 5 chung sống. Lý do nhẹ tênh mà cô vợ đưa ra, tất nhiên là sau nhiều cuộc xung đột nặng nề không giải pháp, là: “Tôi không đủ nhẫn nhịn để ở trong một ngôi nhà tình nghĩa và cũng không đủ tốt để làm hài lòng cả làng”.

Ảnh minh họa.

Không đến mức tan đàn xẻ nghé vì khách như vợ chồng Tân nhưng hạnh phúc gia đình nhà chị Tâm Nguyện (Q.3, TP.HCM) cũng rung rinh mấy lần, nhiều phen điêu đứng. Hầu như quanh năm, nhà chị chật khách. Lớp này chưa xong, đã có lớp khác ngấp nghé chiếm chỗ. Anh miền Trung, chị miền Tây, lập nghiệp ở Sài Gòn, nên nhà của họ trở thành trạm trung gian bất đắc dĩ của hai miền Nam Bắc đến chữa bệnh, đưa con đi thi, đi du lịch...

Để phục vụ khách được chu đáo, tránh lời ra tiếng vô của họ hàng nên chị Nguyện bỏ cả việc công sở để ở nhà... hầu khách. Vừa đi chợ, vừa nấu nướng, vừa dọn dẹp, vừa đưa đón, một ngày trôi qua khiến chị mệt xoài. Đầu chị lúc nào cũng căng với thực đơn hôm nay ăn gì cho thực đơn hơn chục khách quê, xử sự sao cho khéo để khách về không quở trách...

Chị xoay như chong chóng với đủ thứ phát sinh: phải dọn lại những đồ đạc ngày thường vốn đã có “địa chỉ” còn nay lưu lạc khắp nơi; lau dọn nhà cửa nhiều hơn vì khách quê quen khạc nhổ tùm lum, đi dép vào nhà, đi vệ sinh không xả nước... Chị cười như mếu, nhà này một ngày không có khách là chuyện lạ lùng.

Khách đến ở liên miên khiến gia đình đảo lộn, vợ xả hỉ nộ ái ố với chồng, chồng nổi điên đáp trả lại rồi dẫn đến xô xát. Mái ấm đang lành bỗng rách toạc vì nguyên nhân khó nói: Khách đến thăm.

Hóa giải vấn đề

Trước hết, bạn phải xác định nếu khách là anh em thân thích, họ hàng ghé đến thăm hỏi nhà mình và bạn sắp xếp được thì cần chuẩn bị tâm lý và cả phòng ốc để tiếp khách được chu toàn. Sự đón tiếp nửa vời không chỉ khiến bạn mang tiếng mà còn làm nảy sinh những rắc rối mối quan hệ sau này. Hãy chuẩn bị phòng cho khách ở, hướng dẫn khách cách sử dụng các phương tiện sinh hoạt như bình nóng lạnh, bếp ga, tủ lạnh… Chỉ cho họ dầu gội, dầu tắm, gương lược, kem đánh răng, bàn chải dành cho khách. Nhắc họ nơi để dép guốc, treo quần áo, giờ giấc sinh hoạt chung… Bạn cũng nên nấu những món ăn ngon thết đãi khách và sắp xếp thời gian để đưa khách đi chơi.
 
Nếu bạn không có nhiều thời gian (cả hai vợ chồng đều đi làm), nhà ở chật chội hay đang sửa chữa, hoặc gia đình cần yên tĩnh không muốn đảo lộn trật tự nề nếp, thì ngay từ lúc nhận được điện thoại báo tin có người hàng xóm, hay họ hàng ở quê ra nhà bạn ở, bạn đã phải khéo léo chối từ. Nếu những người này thực sự đang cần chỗ ở hoặc gặp khó khăn vì chưa quen với thành phố, bạn có thể giúp họ tìm phòng trọ. Nếu họ thật sự khó khăn, bạn có thể đặt phòng và trả giúp họ tiền phòng trọ vài ngày.

Và cuối cùng, đừng để vì nhà có khách mà vợ chồng lục đục, con cái bị bỏ bê. Hãy sắp xếp thời gian khoa học để cả nhà không bị đảo lộn khi tiếp khách.

Nếu bạn là khách:

- Hãy ý nhị và tôn trọng cuộc sống gia chủ.

- Xin phép rõ ràng mình làm phiền chủ nhân trong thời gian bao lâu (tốt nhất là 2- 3 ngày).

- Nếu chủ nhân ngại không lấy tiền cơm, bạn có thể mua trái cây để cả nhà ăn tráng miệng hoặc mua quà cho trẻ con nếu nhà có con nhỏ.

- Mọi sự tiếp đón của chủ nhân đều quý hóa, vì thế bạn đừng để bụng hay chấp nhặt điều gì.

- Phụ giúp lau dọn, nấu ăn để tạo cảm giác tốt đẹp và quan hệ khăng khít giữa chủ- khách.

- Khi rời nhà, bạn cần nói lời cảm ơn và đừng quên mời gia chủ ghé thăm nhà mình nếu có điều kiện.

Theo Gia đình trẻ

Đọc thêm