Buồn vui kỷ luật

(PLO) - Hai vị lãnh đạo của một huyện đảo nổi tiếng đang có ý tưởng biến thành “Sigapore của Việt Nam” vừa bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý trong lĩnh vực xây dựng.

Hình thức kỷ luật đối với ông Chủ tịch huyện là khiển trách, với ông Phó là kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Cái hình thức kỷ luật này khiến người ta thất vọng sau khi đọc một loạt những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng ở đây, do Đoàn kiểm tra liệt kê, thuộc quyền quản lý điều hành của các vị này. Nếu kỷ luật không tương xứng với hành vi thì phản tác dụng, người bị kỷ luật thấy vui, hài lòng với sự kỷ luật đó, còn lại, nhiều người sẽ buồn vì cái gọi là kỷ cương, phép nước. 

Kỷ luật hay hình phạt đều với mục đích để người mắc sai phạm biết sửa chữa mà tiến bộ, chứ không theo kiểu “phạt cho tồn tại” rồi ra chẳng ai sợ bị kỷ luật nữa, tiếp tục làm những việc sai trái hoặc “buông lỏng” trách nhiệm của mình. Phạt nặng quá, hình thức man rợ thì không nên. Ví dụ như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng thì thật kinh hoàng, chẳng ai có thể đồng tình với cái kiểu phạt này cả. Do vậy, ngay lập tức cô bị buộc thôi việc, hình thức kỷ luật đó là xứng đáng.

Tuy nhiên, dư luận vẫn e ngại rằng sau 3 năm bị “treo phấn” đó, cô ấy lại trở về đứng lớp thì sao? Sự e ngại là có cơ sở bởi có một số trường hợp bị “cho thôi chức” rồi sau đó khi dư luận lắng đi lại được bổ nhiệm vào một vị trí khác tương đương, thậm chí ở cương vị cao hơn. Và, ai có dám chắc rằng những người từng bị kỷ luật đó không bao giờ sai phạm nữa?.

Có những sự việc xảy ra một cách kỳ quái. Chẳng hạn cái xe tải chở cây “quái thú” chạy từ Tây Nguyên ra Hà Nội mà không một trạm kiểm soát giao thông nào phát hiện ra. Trong khi đó, Cảnh sát giao thông tích cực tuần tra đến độ lập trạm ngay sát nhà có đám cưới để đo nồng độ cồn phạt các vị khách nông dân đi xe máy.

Việc để “quái thú” chui lọt “lỗ kim” ấy thuộc về trách nhiệm của những cơ quan chuyên ngành cấp địa phương, ấy thế mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phải có chỉ thị yêu cầu làm rõ. Thế đủ để thấy tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử cùng sự giữ gìn hình ảnh của các cơ quan đó như thế nào!

Hoặc, từ chỉ đạo của Thủ tướng mà việc phong Giáo sư, Phó Giáo sư phải xem xét lại và bộc lộ ra nhiều cái “bất cập”, chẳng hạn như hồ sơ có sự gian dối, hoặc xác nhận giờ dạy không đúng... Thế nhưng, cuối cùng thì hình thức xử là vẫn là “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc”.

Người ta quá nhàm với cụm từ này rồi, hay theo kiểu nói dân dã thì “em sai rồi, anh xin lỗi em đi (!)”.